OEE (Overall Equipment Effectiveness) là gì? Công thức tính OEE và cách để tối ưu nó trong sản xuất
17.07.2024 443 hongthuy95
Trong hoạt động sản xuất, rất nhiều chỉ số đo lường hiệu suất được sử dụng để đánh giá hiệu quả. OEE là một trong những chỉ số quan trọng. Bạn đã biết OEE là gì? Cách tính OEE thế nào? Làm thế nào để tối ưu OEE trong sản xuất? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Như một thước đo và tiêu chuẩn đánh giá năng suất hoạt động của một nhà máy công nghiệp, OEE cho thấy nhiều thông tin hữu ích và quan trọng. Hiểu OEE là gì giúp nhà quản lý có chiến lược phát triển và vận hành hiệu quả.
OEE (Overall Equipment Effectiveness) là gì?
OEE là viết tắt của Overall Equipment Effectiveness, dịch là: hiệu suất thiết bị tổng thể. Đây là chỉ số đo lường hiệu suất toàn diện của một thiết bị hoặc dây chuyền sản xuất được sử dụng so với tiềm năng kỳ vọng trong một khoảng thời gian dự kiến hoạt động nhất định, tính theo tỷ lệ giữa thời gian hoạt động, hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Nói một cách dễ hiểu, OEE mô tả tỷ lệ phần trăm về thời gian sản xuất mà các máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền hoạt động thực sự hiệu quả. Nghĩa là, một hạng mục thiết bị, máy móc hay dây chuyền nào đó có chỉ số OEE là 100% cho thấy nó luôn có sẵn để vận hành mà không có thời gian nào ngừng hoạt động ngoài kế hoạch sản xuất đã đề ra; từ đó hoàn thành sản phẩm nhanh nhất có thể, với chất lượng tốt nhất.
Chỉ số OEE mang lại ích lợi gì cho DN?
+ Hình dung và cải thiện hiệu suất
Nhìn vào chỉ số OEE được tính toán, DN sẽ dễ dàng hình dung được hiệu suất hoạt động của nhà máy tại từng giai đoạn, thời điểm; đánh giá được hiệu quả thiết bị tổng thể có đang hoạt động hiệu quả hay không, từ đó có giải pháp cải thiện hiệu suất và chất lượng kịp thời.
+ Gia tăng công suất đầu ra
OEE giúp xác định sự cố hỏng hóc hay tắc nghẽn của máy móc, thiết bị hay dây chuyền xảy ra trong quá trình sản xuất; từ đó có thể dự đoán và loại bỏ các trục trặc có thể xảy ra để giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động để sửa chữa (thời gian chết) và nâng cao năng suất hoạt động trong nhà máy.
+ Giảm chi phí máy móc
Tương tự, OEE giúp xác định trước những vấn đề có thể xảy đến đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất dẫn đến nhu cầu sửa chữa trong tương lai, từ đó ngăn ngừa các sự cố, hỏng hóc lớn để giảm chi phí khắc phục.
+ Gia tăng khả năng cạnh tranh
DN tìm cách đẩy chỉ số OEE lên tỷ lệ 100% giúp đảm bảo hiệu suất hoạt động cao nhất để tạo ra sản phẩm trong thời gian nhanh nhất, với chất lượng tốt nhất, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Nhà đầu tư hay đối tác cũng xem xét chỉ số OEE để ra quyết định hợp tác.
+ Đáp ứng nhu cầu khách hàng, tìm kiếm đơn hàng, tăng doanh thu
Rõ ràng, khi chỉ số OEE đạt tỷ lệ cao, tức quá trình sản xuất đang được tối ưu hóa để sản xuất được tối đa hàng hóa, về cả số lượng lẫn chất lượng, trong một khoảng thời gian nhất định; từ đó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tìm kiếm và thuyết phục được nhiều khách hàng mới, doanh thu và lợi nhuận dĩ nhiên tăng tương ứng.
Công thức tính OEE là gì?
Như đã trình bày trong phần định nghĩa “OEE là gì?”, chỉ số này được tính theo tỷ lệ giữa thời gian hoạt động, hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, ta có công thức tính OEE sẽ là:
OEE = A x P x Q
Trong đó:
+ A - Availability: Tính khả dụng
Là thời gian các thiết bị, máy móc trong nhà máy thực sự hoạt động theo tỷ lệ % của thời gian sản xuất được dự kiến (bao gồm tất cả các sự kiện, sự cố ngăn cản quá trình sản xuất được hoạt động; các điểm dừng theo kế hoạch và ngoài kế hoạch).
A = Thời gian thiết bị, máy móc hoạt động thực / Thời gian sản xuất dự kiến
+ P - Performance: Hiệu suất
Là tỷ lệ thực tế của hoạt động sản xuất so với tỷ lệ tiêu chuẩn được đề ra. Thành phần này đảm bảo quy trình sản xuất diễn ra với tốc độ chính xác, để hoàn thành nhiều công việc nhất có thể, trong một khoảng thời gian nhất định.
P = (Tổng số x Thời gian chu kỳ lý tưởng) / Thời gian chạy thực của máy móc, thiết bị
+ Q - Quality: Chất lượng
Là tỷ lệ các bộ phận tốt đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm so với tổng số các bộ phận được sản xuất (bao gồm tất cả các hàng hóa được sản xuất nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như mong đợi, cần được xử lý).
Q = (Đơn vị được sản xuất - Lỗi) / Đơn vị được sản xuất
Là một trong những yếu tố giúp DN đạt được các mục tiêu sản xuất tinh gọn, đồng thời mang lại nhiều lợi ích, OEE được đánh giá là chỉ số quan trọng cần được quan tâm và đẩy mạnh cải thiện, nâng cao giá trị. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên đây, bạn hiểu đúng và hiểu đủ OEE là gì – cách tính OEE thế nào – cũng như lợi ích mà chỉ số này mang lại trong hoạt động sản xuất của DN; từ đó có kế hoạch cải tiến hoặc cải thiện sản xuất tốt hơn trong tương lai.
Ms. Công nhân