Làm thế nào để Công nhân “Sống” được sau dịch?
22.07.2020 1687 hongthuy95
Trong khi số ít người lao động may mắn còn việc để làm dù thu nhập giảm thì phần đông, lên đến hàng chục triệu người, chủ yếu là lao động phổ thông trình độ thấp rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, đời sống tinh thần lẫn vật chất cực kì khó khăn. Vậy: “Làm thế nào để công nhân “sống” được sau dịch?”
Thực trạng tình hình lao động Việt 6 tháng đầu năm 2020
Theo Báo cáo tình hình lao động, việc làm 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy “gam màu ảm đạm” của thị trường lao động Việt nhiều tháng qua khi liên tiếp ghi nhận kỷ lục sụt giảm tỷ lệ lao động - thu nhập của người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến kinh tế Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong vòng 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có đến 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh; trong đó có 28,7 triệu người có việc làm nhưng phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người không tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập.
Ảnh hưởng của dịch bệnh trên phạm vi cả nước, bao gồm tất cả các ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các nhóm ngành sản xuất, dịch vụ bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất, kéo theo nhân sự thuộc nhóm ngành này chịu cảnh khó khăn chung.
Giảm giờ làm, bị trừ lương, thất nghiệp, lâm vào cảnh nợ nần, đi xin việc, không có việc làm… là vòng luẩn quẩn chưa tìm ra hướng khả quan của người lao động ở giai đoạn hiện tại.
"Chưa lúc nào công nhân bị mất việc nhiều vô kể như hiện nay"
Làm thế nào để Công nhân “sống” được sau dịch?
+ Cố giữ việc dù lương giảm sâu
“Chúng tôi giờ chỉ mong giữ được việc, đừng bị công ty cho nghỉ là mừng rồi” – tâm sự từ một nữ công nhân da giày trước nỗi lo cắt giảm nhân sự đợt 2 của một xí nghiệp thuộc KCN ở Bình Dương. Đây cũng là mong muốn chung của phần lớn người lao động. Họ chấp nhận giảm lương đến 25%, không trợ cấp, hỗ trợ, không tăng ca, thưởng lễ… chỉ cần còn việc để làm, tức là còn tiền để nhận. “Dù ít nhưng có còn hơn không, số tiền 3 triệu những tháng này tính ra lại lớn hơn 6-7 triệu trước kia. Bởi, nay nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp trong khi vẫn ở nhà thuê, không tìm được việc mới mà mỗi ngày có bao nhiêu khoản phải chi…”
+ Cắt giảm chi tiêu không cần thiết
Chưa bao giờ việc cắt giảm chi tiêu lại cần thiết như hiện tại. Hãy tính toán xem những khoản chi nào là bắt buộc, khoản chi nào là chưa hoặc không cần thiết để tiết kiệm chi phí đưa ra, thay vì tiêu vô tội vạ đến khi sắp “cạn túi” lại không xoay ra tiền, cũng không mượn nợ được ai.
Lùi ngày mua xe, tủ lạnh, điều hòa; thôi không đi nhà hàng; giảm số ngày đi công viên; bớt dùng tivi, quạt điện… sẽ giúp công nhân giảm một khoản chi đáng kể hàng tháng.
+ Tìm cách tăng thêm thu nhập
Kể cả người còn việc để làm hay rảnh full time cũng nên tìm thêm việc mới để làm. Bởi, nếu không may dịch diễn biến phức tạp, không sớm thì muộn, lượng lao động mất việc, không thu nhập sẽ tăng lên đáng kể. Việc tìm kiếm công việc mới, tạm thời để tạo nguồn thu, duy trì cuộc sống tối thiểu là cần thiết.
Với công nhân, lao động phổ thông trình độ thấp thì những công việc giản đơn như chạy xe công nghệ, bán hàng online và offline các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm hay nhận giữ trẻ, chạy bàn, giúp việc nhà, bảo vệ, tạp vụ… hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, những lao động mất việc có kinh nghiệm và thâm niên làm việc thực tế có thể nghĩ đến chuyện nộp đơn xin việc tại các nhà máy, xí nghiệp tuyển vị trí tương đương.
Hiện Tuyencongnhan.vn cũng đang đăng tuyển nhiều vị trí việc làm lao động phổ thông để bạn ứng tuyển!
+ Làm thủ tục nhận Trợ cấp Thất nghiệp
Không ít lao động đã và đang chi tiêu từ khoản trợ cấp của Bảo hiểm thất nghiệp nhiều tháng qua. Người nào thâm niên càng lâu, thời gian đóng BHXH càng nhiều, mức lương càng cao thì số tiền TCTN nhận được càng lớn, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều người xem BHTN giờ là phao cứu sinh của công nhân trong giai đoạn khó khăn, đợi tìm việc mới.
Giờ, những ai còn việc để làm cũng tự thấy may mắn dù thu nhập hàng tháng có bị giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn hơn số lao động bị cắt giảm, cho thôi việc vì không có việc để làm dẫn đến không có nguồn thu trong khi xin việc mới thời điểm này là vô cùng khó khăn, chưa kể cạnh tranh nhiều. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, điều kiện kinh doanh sản xuất nhanh chóng ổn định để công nhân cả nước lại có việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ms. Công nhân