Bảo hiểm thất nghiệp giờ là “phao cứu sinh” của Công nhân
14.07.2020 1473 hongthuy95
Không việc làm, không trợ cấp, không xin được việc mới… bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời điểm hiện tại thực sự là chiếc phao cứu sinh đúng nghĩa giúp công nhân lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ngặt nghèo.
“BHTN là “nguồn thu nhập” duy nhất của tôi hiện tại”
Kể từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 dần gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, sản xuất thì tình trạng công nhân mất việc ngày càng tăng. Tuy nhiên, sẽ không hề dễ dàng để họ tìm kiếm công việc mới thay thế, nhiều người còn không nhận được các khoản hỗ trợ từ doanh nghiệp vì khó khăn chung. Nghỉ việc không lương, không thu nhập, người lao động đang thực sự lâm vào cảnh ngặt nghèo, khốn đốn.
“Tôi đang hoàn tất hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp. Tính ra được nhận 5 tháng, mỗi tháng gần 7 triệu đồng. Sắp tới chắc cũng chưa tìm được việc làm mới do không nơi nào có nhu cầu tuyển người. Vì vậy, đây có lẽ là “nguồn thu nhập” duy nhất của tôi hiện tại, vừa đủ trang trải cho những khoản chi tiêu cơ bản nhất. Mong tình hình sớm ổn định để công nhân trở lại làm việc.” – chia sẻ của anh Huy, một công nhân giày da tại một nhà xưởng ở Bình Dương vừa bị mất việc.
Tương tự cho trường hợp của chị Tuyết, tổ trường chuyền may ở một KCN Biên Hòa vừa nhận thông báo ngừng việc từ tháng 5 vừa qua vì cạn nguyên liệu sản xuất, thiếu đơn hàng xuất khẩu. Theo đó, từ ngày chị nghỉ làm, không có lương, cũng không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác, hiện tại, chị chỉ biết trông chờ vào khoản tiền TCTN với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng sau hơn 19 năm tham gia BHXH. “Thời điểm nghỉ việc thì mức lương đóng BHXH của tôi hơn 7 triệu đồng. Dự tính tôi sẽ nhận được 10 tháng TCTN với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng.”
"Chưa lúc nào Công nhân bị mất việc nhiều vô kể như hiện nay"
BHTN giờ là “phao cứu sinh” cho công nhân
Công nhân, lao động mất việc chưa bao giờ trông đợi đến tháng để được nhận TCTN như hiện nay. Người tham gia đóng BHXH càng lâu năm, mức đóng càng cao thì mức trợ cấp được hưởng càng lớn, số tháng nhận hỗ trợ càng dài.
Nếu như trước đây, việc nghỉ - nhảy việc diễn ra thường xuyên do nhiều lý do cả chủ quan và khách quan, cả phía doanh nghiệp và người lao động cũng không quá hoang mang về tình trạng thiếu người, thiếu việc bởi sự xoay vòng nguồn nhân sự luôn diễn ra liên tục và nhanh chóng. Ấy vậy mà, từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mọi hoạt động kinh doanh sản xuất bị đình trệ, nhiều khoản chi tiêu vì thế cũng phải tính toán kỹ lưỡng tránh lãng phí. Do đó, không ít nơi ra quyết định cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm đến cho nghỉ không lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng với người lao động. “Đây là khó khăn chung của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trên cả nước. Dù đã cố gắng hết sức nhưng với tình trạng thu không đủ bù chi, trong khi lại thừa người thiếu việc nên chúng tôi buộc phải đưa ra những quyết định bất khả kháng là cho nhân công có hiệu suất thấp hơn nghỉ bớt để duy trì hoạt động. Nếu tình hình diễn biến theo hướng tích cực và hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới, công ty sẽ ưu tiên và khuyến khích người cũ quay trở lại làm việc. Hơn nữa, việc giải quyết thôi việc cho công nhân giai đoạn này cũng là để tạo điều kiện cho họ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi nếu có ở lại, mức lương nhận được hàng tháng cũng không quá cao.” – bộc bạch của đại diện xí nghiệp may vừa cho nghỉ hơn 500 công nhân.
Thật vậy, với tình trạng như hiện tại, việc người lao động làm thủ tục để hưởng các khoản trợ cấp, hỗ trợ theo quyền lợi là cần thiết. Đây được xem là “giải pháp” tạm thời giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt và hy vọng mọi thứ sẽ ổn định trong thời gian sớm nhất.
BHXH Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã thực hiện chi trả các chế độ BHTN cho khoảng 558.418 người với mức kinh phí lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó, số trường hợp hưởng mới vào khoảng 298.833 người.
Ms. Công nhân