Trao cơ hội việc làm cho lao động lớn tuổi, tại sao không?
04.12.2023 14755 trangthunb93
MỤC LỤC
Nhiều doanh nghiệp vẫn giữ lại, thậm chí tuyển mới lao động quá tuổi trong khi công ty khác quyết định chấm dứt hợp đồng. Tại sao lại có sự trái ngược này? Được - mất thế nào khi doanh nghiệp tuyển dụng công nhân, lao động lớn tuổi? Cùng Vieclamnhamay.vn phân tích chi tiết từng mặt để dễ dàng và chính xác hơn khi ra quyết định nhé!
Quá tuổi lao động nhưng vẫn tìm việc làm: Tại sao?
Không ít trường hợp người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục công việc vì nhiều lý do. Ông Trần Văn An (60 tuổi), tổ dân phố 2, phường Đông Hòa, quận 2, TP. HCM vẫn xin làm bảo vệ cho chung cư 3 năm nay, mặc dù đã nghỉ hưu trước đó. “Bây giờ tuổi đã cao nhưng sức khỏe tôi vẫn tốt. Mỗi ngày đi làm, tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Con cái bây giờ đã lớn, tự lo cho mình được. Ở nhà nghỉ hưu mãi cũng chán lắm, tôi đi làm vừa có thể trò chuyện, giao tiếp, giúp đỡ mọi người xung quanh vừa giúp tinh thần vui vẻ, thoải mái mà lại có thêm thu nhập nữa”.
Cũng giống như ông An, bà Nguyễn Thị Nga (63 tuổi, Hà Nội) vẫn tiếp tục làm công việc nấu ăn cho xí nghiệp may gần nhà. Gia đình bà có 3 người con, nhưng cuộc sống vẫn còn rất chật vật. Vì thế, bà tiếp tục đi làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày và hỗ trợ gánh nặng cho các con.
Có thể nói, nguyện vọng muốn làm việc của người lao động lớn tuổi đang rất cao. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, nhiều người cao tuổi đã tiếp cận được nền tảng mạng xã hội và các website, fanpage tìm kiếm việc làm. Trên Fanpage Đời công nhân - Tâm sự, ông Lê Sơn Toàn (gần 80 tuổi) bộc bạch về mong muốn tìm kiếm việc làm của mình: "Tôi là người cao tuổi nhưng vẫn có nguyện vọng cống hiến. Năm 1965, tôi sang Trung Quốc học Đại học Triết Giang. Sau đó, tôi tiếp tục học khoa Chế tạo máy tại Phúc Đan, Thượng Hải. Sau cách mạng, tôi về nước, tiếp tục học bách khoa. Về khả năng tiếng Trung của tôi trong 40 năm cũng khá. Tôi vẫn muốn được làm việc, vì sức khỏe đảm bảo. Chi tiết khi phỏng vấn sẽ rõ hơn. Cám ơn các cháu".
Hẳn rằng, đọc những dòng tâm sự của một người lao động lớn tuổi, không ai không khỏi nể phục, tôn trọng tinh thần làm việc, cống hiến bền bỉ như vậy. Theo thống kê của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam khảo sát trong vòng 2 tháng, có khoảng 45% người lao động quá tuổi lao động vẫn tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật,... Còn Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội lại tổng kết được khoảng 60% người lao động trên 60 tuổi vẫn đang thực hiện hoạt động kinh tế.
Không chỉ ở nước ta, tại các nước trên thế giới, những doanh nghiệp đang nỗ lực tuyển dụng nhân sự cao tuổi. Các công ty ở Nhật Bản đã đưa ra chính sách tuyển dụng người lao động trên 70 tuổi với số lượng 50.000 doanh nghiệp trong năm 2020. Đặc biệt, đã có hơn 675.000 người lao động trên 70 tuổi đang làm việc, đây là một trong những dấu hiệu đáng mừng.
Tổng kết lại, nhiều người tuy đã quá độ tuổi lao động nhưng vẫn có nguyện vọng tìm việc làm do:
- Mong muốn cống hiến
- Làm cho bận rộn, rèn luyện sức khỏe thay vì ở nhà buồn chán, rảnh rỗi chân tay
- Áp lực kinh tế khi phải tự tạo kinh tế để nuôi sống bản thân và (hoặc) người thân
- ...
Dù vì lý do gì thì việc doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động cao tuổi, và người lao động lớn tuổi vẫn muốn được đi làm là hoàn toàn đáng khuyến khích.
Xem thêm: Mất việc tuổi trung niên nên rút BHXH 1 lần hay chờ lương hưu?
Doanh nghiệp nên hay không tuyển lao động cao tuổi?
Có doanh nghiệp chuộng tuyển hay giữ lại lao động "đã có tuổi" trong khi không ít công ty khác không muốn điều này. Tại sao vậy?
+ Được - Mất thế nào khi tuyển lao động cao tuổi?
>>>Được:
Sở hữu và giao việc cho một lao động cao tuổi mang lại cho doanh nghiệp khá nhiều ích lợi sau đây:
- Đảm bảo giờ giấc và chế độ công việc: luôn luôn đi làm đúng giờ, sẵn sàng nhận việc
- Chất lượng công việc tốt hơn: vì đã có kinh nghiệm làm việc nên dễ thích ứng, đồng thời nhanh chóng phát hiện sai sót trong công việc
- Tỉ mỉ và chu đáo: một chủ doanh nghiệp từng cho biết một nhân viên lớn tuổi đã giúp công ty ông tiết kiệm hơn 50.000 USD nhờ ý tưởng gửi thư với số lượng lớn từ việc phát hiện một con số khiếm khuyết trong tất cả các mã Zip codes
- Khả năng lắng nghe tốt: những nhân viên lớn tuổi chỉ cần nghe một lần là biết những việc cần phải làm. Và họ hoàn toàn có thể hướng dẫn lại cho những nhân viên khác với sự nhiệt tình, đồng cảm
- Kỹ năng tổ chức tốt: một thống kê cho thấy, vì thiếu tổ chức tại nơi làm việc mà mỗi doanh nghiệp đã lãng phí hàng triệu giờ mỗi năm. Những nhân viên lớn tuổi sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán này
- Chia sẻ các ý tưởng, lời khuyên cho ban quản lý: với nhiều năm kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường thực tế, những nhân viên lớn tuổi hoàn toàn có thể đưa ra các ý tưởng đáp ứng được nhu cầu của công ty và chia sẻ những lời khuyên cho ban quản lý trong công tác lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp
- Làm gương cho nhân viên trẻ: những nhân viên lớn tuổi hoàn toàn có thể trở thành những tấm gương, người “thầy giáo” tuyệt vời cho những nhân viên trẻ, giúp hoạt động đào tạo nhân sự trong các doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn
- Am hiểu kỹ năng giao tiếp: họ luôn biết cách khi nào cần giao tiếp và giao tiếp như thế nào - đó là kỹ năng được tích lũy từ nhiều năm kinh nghiệm sống. Các nhân viên lớn tuổi nắm bắt rất nhanh tình hình và đưa ra những thông điệp ngoại giao nhất
- Giảm thiểu chi phí lao động: phần lớn các nhân viên lớn tuổi đều sẵn lòng nhận mức tiền lương thấp hơn một chút để được làm công việc mà họ mong muốn, thời gian gắn bó của họ với doanh nghiệp cũng lâu và ổn định hơn thay vì thường xuyên nhảy việc...
>>>Mất:
Tuyển mới hay giữ lại lao động lớn tuổi có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với những "rủi ro" không mong muốn, như:
- Tiến độ công việc chậm: người lớn tuổi chắc chắn sẽ không năng động, linh hoạt và nhanh nhẹn hơn so với lao động trẻ
- Tần suất nghỉ ốm nhiều: có tuổi hay phát sinh những bệnh không báo trước do sức khỏe giảm sút; nghỉ việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc chung của chuyền hay đội/nhóm
- Thiếu sáng tạo, bảo thủ: người lớn tuổi thường sẽ đi theo lối suy nghĩ được cho là hiệu quả từ trước thay vì mạo hiểm thử cái mới để tìm giải pháp hữu hiệu hơn
- ...
+ Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tuyển lao động cao tuổi
Tuyển - giữ lại lao động cao tuổi hay không là quyết định của mỗi công ty. Thông thường, những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến quyết định nên hay không tuyển lao động cao tuổi:
- Tính chất công việc của doanh nghiệp
- Tình hình sản xuất - kinh doanh
- Quy mô dây chuyền sản xuất
- ...
Dựa vào các yếu tố ảnh hưởng cũng như cân nhắc được - mất mà doanh nghiệp ra quyết định nên hay không tuyển lao động lớn tuổi để nhận được tối đa lợi ích nguồn nhân lực.
Giải pháp tạo việc làm cho lao động cao tuổi
Nhu cầu tiếp tục lao động của người cao tuổi rất lớn vì thế những doanh nghiệp nên đưa ra các giải pháp, hình thức mới trong quá trình tuyển dụng. “Người cao tuổi vẫn được tạo điều kiện làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp”, quy định của Luật dành cho người cao tuổi có viết. Bên cạnh đó, có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động lớn tuổi được triển khai trong hoạt động kinh doanh, góp phần gia tăng thu nhập, giảm nghèo,...
Cho nên, cần lắm giải pháp tạo việc làm cho lao động lớn tuổi như: Xây dựng trung tâm giới thiệu việc làm cho người cao tuổi, tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, góp phần giúp người lao động thích ứng và thích ứng nhanh với môi trường làm việc.
“Công việc tôi đang làm có được là do người quen biết giới thiệu, chứ nếu tìm kiếm trên các trung tâm giới thiệu việc làm thì hầu như không ai tuyển người trên 50 tuổi như tôi cả. Vì thế, cần lắm những đơn vị, ban ngành xây dựng các trung tâm, cầu nối tìm việc cho người lao động lớn tuổi”, ông Trần Văn Hoàng (65 tuổi, làm bảo vệ ở khu phố Tân An, quận Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết.
Tuyển dụng lao động lớn tuổi, doanh nghiệp lưu ý gì?
- Thời gian lao động: Trong quá trình làm việc, người lao động lớn tuổi có thể thương lượng, thỏa thuận rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ không đủ thời gian. Dựa theo luật lao động năm 2019, thời gian làm việc bình thường cũng không được quá 8h mỗi ngày và 48 tiếng/ tuần.
- Việc xét lương: Dựa theo quy định của luật lao động năm 2019, chế độ lương của người cao tuổi sẽ được tính như sau: Nếu người cao tuổi đang có lương hưu và hợp đồng lao động thì họ sẽ nhận được 2 khoản tiền: Lương hưu và tiền lương theo quy định hợp đồng lao động.
- Điều kiện, môi trường làm việc: Doanh nghiệp nên chú ý lựa chọn môi trường làm việc lành mạnh, sạch sẽ, không có chất độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phải đảm bảo điều kiện an toàn.
- Yêu cầu tăng ca: Theo Luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp được quyền sử dụng người lao động tăng ca nhưng phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người đó. Thời gian tăng ca không quá 12h/ ngày, 40 giờ/ tháng.
- Chế độ bảo hiểm xã hội: Tùy thuộc vào việc hưởng lương hưu của người lao động mà chế độ bảo hiểm xã hội sẽ khác nhau dựa theo luật lao động năm 2019. Nếu người lao động chưa hưởng lương hưu, doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho họ.
Tìm việc làm cho lao động lớn tuổi ở đâu?
Như đã gợi ý, cần có thêm nhiều sự hỗ trợ - kết nối - giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi đến những doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài các trung tâm giới thiệu việc làm luôn đông đúc, phải đến tận nơi để trao đổi nguyện vọng thì tìm kiếm online thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Là website việc làm mảng nhà máy - khu công nghiệp uy tín nhất nhì Việt Nam, Vieclamnhamay.vn không ngừng nỗ lực kết nối nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển người với ứng viên có nguyện vọng tìm việc. Đối tượng lao động lớn tuổi cũng nằm trong số những ứng viên được hỗ trợ.
Ứng viên quan tâm và muốn tìm việc làm nhanh tay truy cập vào trang web - tìm đến tin tuyển dụng phù hợp và nộp hồ sơ ứng tuyển online miễn phí.
Thực tế, nhu cầu làm việc của người lao động cao tuổi đang rất cao trong giai đoạn trẻ hóa nền kinh tế. Điều này cần lắm sự quan tâm của các ban ngành, cấp, chính quyền, doanh nghiệp chung tay, đưa ra giải pháp tạo việc làm, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ms. Công nhân