Mất việc tuổi trung niên nên rút BHXH 1 lần hay chờ lương hưu?
21.06.2022 1147 thanhphuongthaobctt
Hiện nay, ngày càng nhiều lao động trung niên rút BHXH 1 lần mà không nhận lương hưu. Tuy nhiên, việc này có gây ra những tổn thất về quyền lợi nào cho người lao động không? Làm thế nào để giải quyết nỗi lo thất nghiệp tuổi trung niên? Không rút BHXH được những quyền lợi gì? Trường hợp nào không nên rút BHXH 1 lần?.... Tất cả những thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tuổi càng lớn, càng khó xin việc
Ở độ tuổi 40, anh Quang vẫn đang chật vật tìm kiếm một công việc làm ở nhiều nơi, nhưng không dễ dàng gì. Nhiều đơn vị từ chối nhận anh với lý do trên 36 tuổi, mặc dù thông báo tuyển dụng đến 45 tuổi. Một số nơi còn viện cớ đã tuyển đủ số lượng, nên không nhận anh vào làm.
Nỗi ám ảnh về tuổi tác luôn khiến những người trung niên như anh Quang rơi vào bế tắc, tuyệt vọng khi đi xin việc làm. Mặc dù có nhiều nơi không yêu cầu quá cao về thể lực nhưng sự đòi hỏi về tuổi tác khiến họ khó chịu. Không giống như người trẻ dễ dàng lựa chọn nhảy việc ở nơi khác khi cảm thấy chán nản, lao động lớn tuổi chỉ có một lựa chọn duy nhất là cố gắng làm việc chăm chỉ, cùng nỗi lo sợ một ngày kia bị sa thải, mất việc.
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch của một công ty về giày da ở Bình Dương cho biết, ngày càng nhiều người lao động lớn tuổi xin nghỉ việc với lý do sức khỏe suy giảm hoặc tác phong làm việc chậm chạp. Ngay cả những người đứng đầu cũng đưa ra cách quản lý lao động trung niên như: Giao công việc nhẹ nhàng, ít tăng ca hoặc không dám điều chuyển nhân viên sang bộ phận khác vì sợ sức khỏe không đảm bảo. Do điều kiện làm việc không cao, nên phần lớn người lao động lớn tuổi đều xin nghỉ việc. Những người cố gắng bám trụ với công việc là vì đồng lương và nỗi sợ thất nghiệp tuổi trung niên.
Bỏ lương hưu, NLĐ rút BHXH 1 lần vì điều gì?
Thất nghiệp tuổi trung niên khiến nhiều người quyết định rút BHXH 1 lần thay vì chờ đợi lương hưu. Chị Ánh Ngọc (40 tuổi) đã làm công nhân may ở một nhà máy ở TP. HCM suốt 15 năm, nhưng khi công ty gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chị lại nằm trong danh sách những đối tượng bị sa thải. Hầu như phần lớn những người bị cho nghỉ việc đều là các công nhân đã gắn bó với công ty hơn chục năm. Đáng nói hơn, sau khi bị sa thải 1 năm, chị Ngọc đã quyết định rút BHXH 1 lần vì cho rằng khó có thể quay lại làm việc tiếp ở độ tuổi 42.
Nhiều người quyết định rút BHXH 1 lần để chi trả cho những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hiện tại, vì không thể chờ đợi 10, 20 năm để hưởng lương hưu. “Biết có sống được tới 60 tuổi để nhận lương hưu hay không với tình hình môi trường hiện tại dịch bệnh cùng hóa chất độc hại tràn lan khắp nơi? Thay vì cứ đóng bảo hiểm liên tục mà chẳng nhận được bao nhiêu đồng, chị thà rút BHXH 1 lần rồi gửi tiết kiệm nhận lãi hoặc trang trải chi phí cho con cái học hành tốt hơn”, chị Hương (40 tuổi, làm việc tại Nhà máy Ngọc Hoàng, TP. HCM) tâm sự.
Thường xuyên tiếp xúc với người lao động, ông Nguyễn Thanh An cho rằng không phải ai cũng muốn nhận lương hưu. Họ cho rằng bảo hiểm xã hội được xây dựng dựa trên nhu cầu mua và bán nên phải đảm bảo quyền lợi cả hai bên. Nhưng hiện nay, NLĐ không thấy sự công bằng trong việc đóng BHXH. Bởi lẽ mọi việc đều do nhà nước ban hành, còn NLĐ thì chỉ biết chấp nhận và cam chịu, mà không thể đưa ra ý kiến hay tự quyết định lựa chọn theo nhu cầu nguyện vọng bản thân. Chẳng hạn như việc rút BHXH, Nhà nước nên đưa ra những phương án lựa chọn khác nhau như: Bảo lưu để hưởng lương hoặc rút BHXH 1 lần với những điều kiện gì tương ứng,...
Những điều cần biết về luật bảo hiểm xã hội và cách tính bảo hiểm xã hội cho công nhân
Ông Đặng Tuấn Đạt, Phó Ban Chính sách Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Bình Dương cho rằng việc giảm số lượng năm đóng BHXH vẫn chưa đủ, mà cần có chính sách hỗ trợ nhất định cho những trường hợp không thể quay lại thị trường lao động, làm các công việc bấp bênh có xác nhận của địa phương, thuộc diện khó khăn nhưng đang chờ lương hưu,... Mức trợ cấp có thể tính theo lãi suất ngân hàng, lãi đầu tư quỹ bảo hiểm hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc dựa trên các ngành nghề đặc thù riêng biệt mà giải quyết chế độ hưu sớm.
Trước lượng lớn người thất nghiệp tuổi trung niên ngày càng cao, ông Nguyễn Kim Hồng, Chủ tịch của công ty công đoàn Unilever Việt Nam cho rằng đây là hệ quả của mô hình kinh tế thông dụng lao động nhưng lại bị lọt sổ khi điều chỉnh lương hưu. Cho nên, để hỗ trợ nhóm này, nhà nước nên đưa ra những chương trình hỗ trợ nghề nghiệp, giới thiệu công việc phù hợp ổn định hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi,...
Rút BHXH 1 lần có thiệt hại gì không?
Hiện nay, tình trạng nhiều công nhân “bán” sổ BHXH để sống tiếp không hiếm. Mặc dù nhận BHXH có thể giải quyết được những vấn đề trước mắt nhưng người lao động lại bị mất đi nhiều quyền lợi khác như sau:
- Nhận lại khoản tiền ít hơn so với lúc đóng BHXH
Theo quy định của pháp luật, NLĐ sẽ được nhận BHXH 1 lần theo mức 1,5 tháng lương hàng tháng cho những năm trước 2014 và 2 tháng lương cho những năm sau 2014. Trong khi đó, họ phải đóng cho BHXH 2,64 tháng lương mỗi năm.
- Không được tiếp nối BHXH giai đoạn mới
Theo Luật BHXH 2014, nếu nhận BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH sẽ được tính mới chứ không tiếp nối giai đoạn trước và không nhận được lương hưu khi hết tuổi lao động.
- Không được nhận quyền lợi bảo hiểm y tế miễn phí
Vì rút BHXH 1 lần, NLĐ không được hưởng lương hưu nên dẫn đến không thể nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí mà phải tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế gia đình.
- Không thể nhận được khoản tiền khi đến tuổi xế chiều
Cứ mỗi năm, mức lương sẽ gia tăng lên, chẳng hạn như 1/7/2018, con số này đã tăng lên 6,92% so với năm trước. Rút BHXH 1 lần khiến NLĐ không thể nhận lương hưu đồng thời cũng bị mất đi khoản tiền trong giai đoạn này.
- Không được hỗ trợ tiền trợ cấp mai táng và tuất mỗi tháng
Nếu rút BHXH 1 lần, khi mất đi, NLĐ có thể không được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và nhân thân sẽ không đủ điều kiện nhận tiền tuất bằng 50% tiền lương hàng tháng.
Không nên rút BHXH 1 lần khi nào?
Những trường hợp không nên rút bảo hiểm xã hội như sau:
- Những người đủ tuổi hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ 15 năm, thì có thể đóng BHXH tự nguyện để nhận được lương hưu.
- Những người đã nghỉ việc nhưng đã đóng đủ 15 năm BHXH mà chưa đủ tuổi hưu thì nên bảo lưu khoảng thời gian đóng BHXH để đợi đến thời điểm nhận lương hưu.
Bí quyết vượt qua khó khăn mất việc tuổi trung niên?
Mất việc ở giai đoạn tuổi trung niên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người lao động. Vì thế, Vieclamnhamay.vn gợi ý những bí quyết giúp bạn vượt qua điều này như sau:
- Lập kế hoạch cho việc thất nghiệp bất kỳ lúc nào, tìm việc làm thêm ngoài, cắt giảm chi tiêu cá nhân và để dành một khoản tiền tiết kiệm.
- Tìm kiếm bạn bè, người thân, cộng sự, đồng nghiệp giúp đỡ để cùng đồng hành.
- Giảm bớt sự kỳ vọng về mức lương và lựa chọn công việc phù hợp.
- Chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn bằng cách tập thể dục, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Học cách kinh doanh và bán hàng online ngay tại nhà.
- Nếu có khoản tiền vốn có thể mở cửa hàng tạp hóa hoặc buôn bán đồ ăn nhanh ngay gần nhà, trường học,...
- Thử sức ở những công việc không yêu cầu độ tuổi như bảo vệ, nấu ăn tại nhà máy xí nghiệp, nhân viên trong viện dưỡng lão, nhân viên trang trại rau củ quả,...
Mất việc tuổi trung niên là điều không ai mong muốn nhưng nếu gặp phải vấn đề này, người lao động nên tìm ra nhiều giải pháp thay vì rút BHXH 1 lần. Hy vọng với những thông tin trên đây của Vieclamnhamay.vn, NLĐ có thể gỡ rối khó khăn cho bản thân.
Phương Thảo (Tổng hợp từ Vnexpress, Luật Việt Nam, Tuổi Trẻ)