Hơn 300 công nhân thất nghiệp, mất trắng lương vì công ty đột nhiên đóng cửa
16.07.2020 1681 hongthuy95
Sau kỳ nghỉ lễ 1/5, vợ chồng công nhân trẻ tuổi từ quê quay trở lại Bắc Ninh với vỏn vẹn 200.000 đồng còn dư trong túi. “Bởi vì mình cứ nghĩ mùng 10 hàng tháng công ty sẽ phát lương. Ấy thế nhưng, dự tính này sẽ không bao giờ tới nữa.”
“Khi tem niêm phong được dán lên máy móc, chúng tôi mới biết mình mất việc”
Khoảng 3 giờ chiều hôm 5/5 vừa qua, khi hàng trăm nhân công lao động trong nhà xưởng vẫn đang đúc bóng, gọt đèn thì gần chục người bước vào rồi ra hiệu cho công nhân tắt máy, rời đi, sau đó, dán tem niêm phong lên máy móc.
“Mọi người khi ấy mới bắt đầu tự hay biết công ty đóng cửa vì những ngày qua vẫn làm việc bình thường, thậm chí có tăng ca. Ai nấy đều buồn rầu. Nhiều chị em phụ nữ khối sản xuất gục đầu lên vai đồng nghiệp khóc nức nở, có người bụng chửa vượt cả mặt rồi.” – anh Cầm Bá Khôn, 27 tuổi, công nhân công ty 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại KCN Đại Đồng, Bắc Ninh cho hay - “khoảng 23h đêm trước đó, ông chủ người Hàn đã lẳng lặng đến lấy case máy tính và một số đồ đạc rời đi” – một bảo vệ tiếp lời.
Theo đó, Khôn cùng gần 300 lao động cả chính thức lẫn thời vụ của công ty này lâm vào cảnh mất việc, thất nghiệp, không thu nhập.
Được biết, đại dịch khiến hơn 50.000 công nhân tại hàng trăm công ty ở Bắc Ninh chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong đó, 5.000 lao động tại các KCN phải nghỉ việc không lương, hàng nghìn người bị mất việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động, số ít khác thì bị cắt giảm giờ làm, giảm lương khiến thu nhập thấp, đời sống kinh tế hiện nay vô cùng khó khăn.
Thống kê đến hết tháng 6, khoảng 30,8 triệu lao động trên cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, trong đó, có đến 900.000 người thất nghiệp, không có việc làm mới; con số này dự kiến sẽ tăng nhiều hơn đến cuối năm bởi tình hình dịch trên toàn cầu hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt. Thêm nữa, thực trạng này cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp. Với tấm bằng THPT, THCS, thậm chí thất học khiến phần đa công nhân không có nhiều sự lựa chọn ứng tuyển trong khi tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp hiện nay đều bị giảm thiểu đến đình trệ do thiếu nguyên vật liệu, đơn hàng.
"Chưa lúc nào Công nhân bị mất việc nhiều vô kể như hiện nay"
“Không việc, không thu nhập… Tiền đâu đóng nhà trọ tháng này?”
Có thời gian rảnh do chưa tìm được công việc mới, anh Khôn cùng vợ buồn rầu ngồi trước cửa phòng trọ tâm sự: “Tôi là người Thái, quê ở Thường Xuân, Thanh Hóa. Trước đây ở nhà chỉ biết làm nương rẫy, sau bị lừa xuất khẩu lao động 1 lần rồi khăn gói lên Bắc Ninh xin vào làm công nhân vận hành máy. Hàng ngày, cứ 7h sáng, 2 vợ chồng sẽ cuốc bộ gần 2km từ phòng trọ, tắt qua cánh đồng để vào nhà máy. Mỗi ngày, chúng tôi dành 12 tiếng để làm việc và tăng ca rồi trở về nhà vào khoảng 20h tối. Việc này cứ thế duy trì suốt 4 năm qua”
Hỏi về lý do chọn tăng ca và “vắt kiệt sức”, anh Khôn cũng như phần đông anh em công nhân khác đều cho rằng đây là cách duy nhất để có thêm thu nhập, đồng thời tiết kiệm được những bữa ăn trong ngày.
Ấy thế mà, giờ đây, nhà xưởng bị niêm phong, công ty đóng cửa. Tiền lương mỗi tháng sẽ thường được trả vào ngày 10 nhưng giờ người đứng đầu đã bặt vô âm tín, lấy ai chi quỹ để trả lương công nhân. “Tháng này, rồi nhiều tháng sau nữa, lấy tiền đâu đóng nhà trọ?”
Giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 7, có 2 người công nhân đưa nhau đi chợ mua một mớ rau muống 5.000 đồng cùng miếng gò 30.000 đồng, khoảng 1,2 lạng cho bữa cơm trưa. Trong căn nhà trọ chật hẹp và nóng bứt, 4 con người chia nhau khẩu phần ăn ít ỏi, tiết kiệm từng đồng chờ tìm việc mới. “Mất việc gần 3 tháng nay cũng là chừng đó lần vợ chồng tôi xin khất tiền phòng. Cô chủ nhà trọ tốt tính nên cũng thông cảm, chưa đuổi đi. Nhưng mà, nếu cứ kéo dài thêm nữa, chắc không thể trụ nổi mà về quê cày ruộng, phát cỏ.”
“Tôi đã chẳng nhận ra dấu hiệu bất ổn nào của một công ty sắp ngừng hoạt động”
Nếu vợ chồng Khôn hay nhiều công nhân làm việc trong nhà xưởng sửng sốt 1 thì chị Hòa, kế toán tiền lương kiêm hoạt động công đoàn vẫn chưa thể chấp nhận sự thật.
“Công ty vẫn hoạt động bình thường. Tháng 4 vừa rồi còn phải tăng ca cả bốn ngày chủ nhật. Mình thậm chí hỏi sao làm nhiều vậy thì sếp bảo bên kia đang cần hàng gấp. Ấy thế mà, đùng một cái, khi đại diện ngân hàng đến niêm phong, tịch thu tài sản, mình mới điếng người vì cứ nghĩ như đang mơ.”
Suốt 2 tháng qua, bà bầu 6 tháng này liên tục bị réo gọi đến rát tai vì tiếng chuông điện thoại. Ai cũng trách chị “biết mà không bảo” và yêu cầu phải giải quyết lương, bảo hiểm cho công nhân, thanh toán nợ cho đối tác. “Mình cũng như mọi người, cũng không hề hay biết sự việc này. Tuy nhiên, mình hiểu tâm lý của người mất việc và nguy cơ cao mất cả tiền lương lẫn quyền lợi. Vì vậy, dù hôm nào cũng bị gọi điện trách móc đến ứa nước mắt, chỉ muốn tắt rồi vức điện thoại đi nhưng nghĩ họ cũng rơi vào cảnh bị bỏ rơi như mình nên vẫn nghe và cố gắng giải thích.” Về phía bản thân, Hòa cố nghĩ mọi chuyện nhẹ nhàng để tinh thần thoải mái trong giai đoạn cuối thai kì. “Nhiều khi chồng mình còn an ủi, động viên vợ coi như được nghỉ sinh sớm, càng khỏe nữa.”
“Không còn hy vọng gì, giờ phải tự cứu mình thôi”
Anh Quyền, đồng nghiệp của chị Hòa, từng là quản lý chất lượng sản phẩm của Công ty mấy ngày nay cùng nhóm bạn nhận sửa điện, lắp điều hòa để có thu nhập. Được biết, 4 ngày sau khi công ty đóng cửa, Giám đốc tài chính có gửi công văn hẹn 11/5 trả lương tháng 4. Thế là đúng ngày, hơn 300 công nhân khấp khởi đứng đợi trả tiền ở cổng công ty nhưng không một lãnh đạo nào đến. Sau đó, 4 công văn khác lần lượt báo khất lương đến 15, 18, rồi 21, 30/5 nhưng mãi cũng chả nhận được đồng nào, thậm chí, không liên lạc được với đại diện phía Việt Nam nữa.
Những ngày qua, ngoài số tiền công ít ỏi nhận được từ việc đi sửa điện dạo, gia đình anh Quyền “chỉ còn mỗi sự lạc quan để duy trì cuộc sống”. Thương anh em công nhân khó khăn vì thất nghiệp, những lúc rảnh là anh lại ôm khư khư máy tính, điện thoại để liên lạc khắp nơi xin quà cho họ. Vài người ở xa, không có tiền về quê hay nợ tiền nhà trọ hỏi mượn, hứa đi làm có lương sẽ trả, thế là anh dúi đại cho họ mấy trăm, bảo cho vay, nhưng xác định không đòi.”
“Tôi, cô Hòa, cả vợ chồng cậu Khôn hay hàng trăm công nhân khác đã xác định phải mất trắng tiền lương. Vấn đề lớn nhất chúng tôi trông chờ là được giải quyết chế độ bảo hiểm. Tuy nhiên, phía công ty chưa có quyết định phá sản, hiện cũng không thể liên lạc được với người đại diện. Bảo hiểm bị treo, có tìm được việc mới cũng không thể đóng tiếp được...”
Giờ đây, dù đang giữa bão dịch toàn cầu, Việt Nam tuy kiểm soát dịch tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngỡ đang phục hồi thì công nhân, lao động dường như đang thấm dần cơn lạnh buốt từ Covid-19…
(Theo Vn.Express)