Báo động nguy cơ đứt gãy nguồn LĐPT và bài toán cứu nguy kịp lúc
26.08.2021 1916 hongthuy95
Gần 20% doanh nghiệp phía Nam hiện ngừng sản xuất, lấy đi cơ hội việc làm của gần 4 triệu người; 15 triệu lao động cả nước chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch như mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập… Hoạt động tại nhiều cơ sở, xưởng sản xuất, nhà máy trì trệ trong khi đơn hàng dồi dào đến tận cuối năm.
Thiếu hụt lao động sản xuất do dịch
Việt Nam nổi tiếng có nguồn lao động trẻ và khỏe, các nhà máy, khu công nghiệp lớn trên cả nước luôn dồi dào nhân công, có công xưởng tuyển hàng chục nghìn lao động phổ thông trình độ thấp. Nhu cầu tuyển dụng cao trong khi tiêu chuẩn, yêu cầu tuyển dụng không quá khắt khe tạo điều kiện cho mọi ứng viên ứng tuyển khi có nhu cầu. Bắc Ninh, Bắc Giang… ở phía Bắc; TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… ở phía Nam là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất nước. Đây cũng là nơi tụ hội của nhiều lao động xa quê tìm việc nuôi thân.
Vốn nghĩ sẽ vẫn bám trụ ở nơi “đất lành chim đậu” này mãi thì dịch Covid-19 xuất hiện và “cướp” đi nhiều thứ. Cả với người lao động và doanh nghiệp. Công nhân mất việc làm, giảm hoặc không thu nhập. Doanh nghiệp bất đắt dĩ thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công, nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành hợp đồng, mất đơn hàng mới cho đến phá sản vô cùng cao.
Nguyên nhân do đâu?
- Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng, chống dịch trong thời gian ít nhất 14 ngày, thậm chí 1 tháng và hơn nữa, có địa phương yêu cầu tất cả tuân thủ nghiêm chỉnh “ai ở đâu ở yên đó” nên việc ra ngoài đi làm là không thể.
- Không đủ điều kiện, như quy mô, tài chính, nguồn lực… để triển khai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm”; hoặc có đi nữa thì lượng lao động cũng giảm đáng kể, đồng thời cũng khó mà duy trì trong thời gian dài, khi tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quy định phòng, chống dịch vẫn còn nghiêm ngặt.
- Công nhân không hưởng ứng thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” do tâm lý lo sợ lây lan dịch bệnh trong nhà máy, điều kiện sinh hoạt tại chỗ không thoải mái và tâm lý không yên tâm, không tập trung vào công việc khi xa gia đình, nhà còn cha mẹ già, con nhỏ…
- Có nơi quy định về giãn cách, hạn chế đi 2 người trên 1 phương tiện giao thông. Điều này khiến nhiều công nhân không thể đến nơi làm việc như thường lệ, như hai vợ chồng hoặc 2 người cùng quê cùng làm công ty, mua và đi cùng 1 xe để tiết kiệm chi phí; giờ không thể đi chung trong khi không còn phương tiện khác thì buộc 1 người phải ở nhà.
- Có nơi quy định về “giờ giới nghiêm”, rằng người dân không được ra khỏi nhà sau 18h hàng ngày. Điều này khiến nhiều công nhân khó mà tăng ca theo kế hoạch sản xuất của công ty nên đành nghỉ việc; doanh nghiệp khó khăn trong bố trí chuyền để đảm bảo sản xuất liên tục, đúng tiến độ do nhân công giảm.
- Chi phí vận tải tăng cao, thiếu phương tiện vận chuyển, đường “xuất khẩu” không thông khiến phát sinh nhiều chi phí, chậm giao hàng, trễ tiến độ thỏa thuận, nguy cơ đền hợp đồng cao
- …
Ghi nhận tại các doanh nghiệp, nhất là nhà máy chế biến thủy hải sản, công xưởng may, xí nghiệp da giày, hiện đội ngũ công nhân sản xuất giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30-40%. Điều này làm giảm hiệu suất lao động, kéo dài thời gian hoàn thành đơn hàng, không đủ nguồn lực để nhận thêm đơn hàng mới. Trong khi đó, nguy cơ đứt gãy nguồn lao động vô cùng lớn khi dịch kéo dài khiến tâm lý công nhân bị ảnh hưởng. Nhiều người không có việc làm, không thu nhập nên khó mà trụ lại ở thành phố khi mà mỗi ngày phải lo rất nhiều chi phí sinh hoạt, như: tiền trọ, ăn uống, điện, nước, thuốc thang, học phí cho con… Do đó, không ít lao động quyết định bỏ phố về quê tìm đường sống mới; một số khác đã chuyển ngành, đổi nghề ngay khi mất việc vì dịch và chưa có ý định quay trở lại nơi làm việc cũ hay công việc cũ sau dịch.
Cần gì để không đứt gãy nguồn lao động?
Thiếu hụt lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp ở thời điểm hiện tại mà còn tác động mạnh mẽ đến nguồn lực sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong dài hạn, khi mà vị thế và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị đánh mất do nhiều đối tác chuyển sang đặt hàng với doanh nghiệp tại các quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Rõ ràng, tác động tiêu cực của đại dịch đến thị trường lao động cả nước vô cùng lớn. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát, với số lượng lớn trong thời gian ngắn làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam nói chung. Điều này cho thấy khả năng ứng phó và chống chịu với dịch bệnh của cả doanh nghiệp và người lao động rất hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ khó phục hồi sản xuất kinh doanh ngay khi dịch được kiểm soát. Do đó, cần có giải pháp phù hợp để chấn chỉnh ngay bất cập.
Vậy cần gì để không đứt gãy chuỗi lao động?
- Tiếp tục duy trì và (hoặc) triển khai sản xuất theo 1 hoặc một số mô hình là: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “vùng sản xuất xanh”, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, hướng tới “mục tiêu kép” vừa an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
- Tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động, ưu tiên lao động thực hiện “3 tại chỗ” để nhanh chóng phục hồi sản xuất, hoàn thành đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong và sau dịch.
- Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cần kịp thời hỗ trợ, có giải pháp xóa bỏ các “điểm nghẽn” tạo ra sự ngưng trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm liên quan…
- Doanh nghiệp và lực lượng chức năng quan tâm sâu sát hơn đến đời sống người lao động, hỗ trợ đầy đủ và kịp thời về kinh tế và tinh thần để họ yên tâm bám trụ, tham gia sản xuất cả trong và sau dịch...
Ms. Công nhân