Công nhân bỏ phố về quê vì đói ăn và sợ dịch
04.08.2021 3566 hongthuy95
Người nghỉ làm không lương thì không còn tiền để trang trải đợi có việc. Người đi làm được thì sợ nhiễm bệnh do dịch tràn lan. Tương lai chưa biết thế nào, nhiều người “nghĩ ngắn” “thôi thì về quê” làm lại từ đầu, ổn định cuộc sống…
Công nhân lũ lượt bỏ việc về quê
Dù tỏ ra tiếc nuối vì môi trường làm việc tại Pouyuen khá tốt, lại có thâm niên hơn 10 năm gắn bó nhưng chị Thùy (quê Quảng Ngãi) quyết định nghỉ việc về quê. Nữ công nhân may cho hay thu nhập 2 tháng gần đây giảm nhiều vì ngày công ít do phải xin nghỉ để ở nhà trông con nhỏ trong lúc trường mầm non thôi nhận trẻ. Cuộc sống hàng ngày quanh quẩn trong căn nhà trọ chật hẹp phần nào khiến 2 mẹ con ngột ngạt, chán nản. Thêm nữa, số ca nhiễm tại TP.HCM nhiều tuần qua tăng cao, dịch lại xuất hiện ngày càng nhiều trong nhà máy nên chị sợ, không dám đi làm.
Một trường hợp khác cũng nung nấu ý định bỏ việc về quê bởi đã nghỉ làm ở nhà hơn một tháng nay, thu nhập không có trong khi mỗi ngày vẫn phải chi hàng chục khoản sinh hoạt. Nguyên do bởi công ty trước bị phong tỏa, giờ thì tạm ngưng sản xuất vì không đáp ứng được các điều kiện của phương án “3 tại chỗ”. Nhiều công nhân ở đó bàn tán có thể sẽ phải về quê nếu tình trạng không việc làm cứ kéo dài mãi.
“Dịch bệnh ngày càng phức tạp, công nhân gần như không thể đi làm. Nếu cứ bám trụ lại thành phố thì chỉ vài ngày thôi là không còn tiền ăn ở, đi làm thì lại sợ thành F0. Nên, tốt nhất chắc phải nghỉ hẳn về quê sinh sống, lập nghiệp” - chị Oanh, nhân viên may ở Khu chế xuất Linh Trung nói.
Doanh nghiệp kêu cứu vì thiếu lao động
Hiện tại, khá ít công ty đủ điều kiện triển khai “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. Số khác có mở cửa thì một lượng không nhỏ người lao động lại nằm trong khu vực phong tỏa hay đang phải cách ly hoặc qua nhiều chốt, chặn trên đường đi làm nên số lượng giảm hẳn. Thêm nữa, tâm lý công nhân tỏ ra hoang mang và lo sợ nhiều bởi nguy cơ dịch xâm nhập và lây nhiễm trong nhà máy ngày càng cao. Đó là lý do mà phần lớn lao động nộp đơn xin nghỉ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành đơn hàng bởi thiếu hụt nhân công. Các doanh nghiệp thậm chí đã kêu gọi công nhân ráng đợi và hứa sẽ tăng lương khi đi làm lại nhưng vẫn không thể giữ được nhiều người ở lại.
Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may ở Bình Dương cho biết, công ty ông đã có khoảng 1.000 lao động nghỉ việc và con số này đang tăng lên từng ngày; trong khi một doanh nghiệp khác lại dự kiến tỷ lệ nghỉ việc của lao động lên đến 100% (tập trung chủ yếu ở khối bán lẻ)…
“Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp, rất đông người lao động rời bỏ khu công nghiệp, khu chế xuất để kéo nhau về quê sống. Số còn lại chưa thể về thì cũng đang nhen nhóm ý định bỏ việc, đổi nghề. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khủng hoảng nguồn nhân lực trầm trọng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khi dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn cả nhóm lành nghề, quen việc”.
Công nhân cần được tiêm vaccine để yên tâm sản xuất
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được triển khai tiêm vaccine cho công nhân lao động (là lực lượng nòng cốt) nhanh nhất có thể, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phù hợp, tăng lương kịp thời. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất lúc này để giữ chân người lao động, duy trì sản xuất, hoàn thành đơn hàng với đối tác. Bằng không, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng cửa nhà máy chỉ là chuyện sớm muộn.
Cho rằng công nhân về quê lúc này là đang “nghĩ ngắn” (chỉ nghĩ cho hiện tại, không tính toán thiệt hơn cho tương lai xa), bởi nếu ở quê có cơ hội việc làm, sống được thì hàng triệu lao động ít học xưa nay đã không bỏ xứ mà đi; rồi sau dịch sẽ lại xuất hiện tình trạng bà con ùn ùn đổ về Sài Gòn, Bình Dương mà tìm việc. Tuy nhiên, chính công nhân bỏ phố về quê phản bác: “Cảm ơn bạn đã “nghĩ dài” giúp chúng tôi. Ở quê chúng tôi còn có cái nhà để ở, không lo bị đòi tiền trọ mỗi tháng, có cái vườn rau cháo qua ngày chứ không đói khổ vì thất nghiệp, không biết khi nào dịch hết mà đi làm được, còn có anh em họ hàng có khó khăn gì thì í ới với nhau chứ không bơ vơ nơi xứ lạ…”
Chưa vội kết luận làm gì là tốt nhất. Đi hay ở sẽ là quyền quyết định của mỗi người. Ở giai đoạn hiện tại, chỉ mong hai chữ “bình an” trong mùa dịch cho tất cả.
(Theo VnExpress)