Phương án “3 tại chỗ” biến nhà máy thành ổ dịch?
30.07.2021 2057 hongthuy95
Qua rồi giai đoạn ngưỡng mộ và khuyến khích áp dụng theo phương án “3 tại chỗ” trong nhà máy, khu công nghiệp. Giờ đây, phương án này một khi xuất hiện các kẽ hở, tạo điều kiện cho virus xâm nhập sẽ không sớm thì muộn biến nhà máy khép kín, nơi được cho là an toàn cao, trở thành ổ dịch cực kì khó kiểm soát. Tại Tp.HCM, sau 1 tháng áp dụng, có đến 90% doanh nghiệp đóng cửa vì bùng dịch hoặc không đáp ứng nổi an toàn phòng dịch theo quy định.
Nhà máy xuất hiện nhiều F0 dù đang triển khai “3 tại chỗ”
Trước đây, cả lãnh đạo nhà máy và công nhân lao động đều vui vẻ và tự nguyên hưởng ứng việc công ty triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Bởi điều này vừa đảm bảo phòng dịch an toàn, vừa duy trì hoạt động sản xuất để hoàn thành đơn hàng của doanh nghiệp, công nhân cũng có việc để làm, duy trì thu nhập hàng tháng. Nhiều cơ sở sản xuất khác được khuyến khích áp dụng theo nếu phù hợp. Nhưng hiện tại, thực tế cho thấy kết quả đạt được không như mong đợi. Nhiều F0 xuất hiện bên trong nơi ăn - ngủ nghỉ - làm việc và tăng dần, cùng với đó là hàng chục F1, hàng trăm F2 trong 1 phân xưởng, nguy cơ lan rộng đến hàng nghìn, chục nghìn là hoàn toàn có khả năng khi môi trường nhà máy khép kín, công nhân làm việc và sinh hoạt trong môi trường chật hẹp, mật độ và không khí vô cùng “đậm đặc", là điều kiện lý tưởng để virus (nếu có) lây lan.
Ngày 28/6, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) bắt đầu áp dụng phương án “3 tại chỗ” cho công nhân. Công ty thường xuyên làm xét nghiệm Covid-19 trong thời gian sản xuất khép kín. Thế nhưng, sau nhiều lần cho kết quả 100% âm tính thì đến ngày 17/7, công ty này phát hiện 4 F0, ngày 20/7 có thêm 20 F0 mới, 23/7 đã có đến 43 ca nữa, trong đó nhiều F1 đã trở thành F0, F2 chuyển lên F1 thực sự báo động. Do đó, để đảm bảo an toàn, Vissan quyết định dừng sản xuất 3-4 tuần để kiểm soát dịch.
Hay tại Công ty Việt Thắng Jeans cũng xuất hiện nhiều ca dương tính. Mặc dù trước khi bắt đầu sản xuất khép kín, doanh nghiệp đã sàng lọc kỹ để đảm bảo an toàn nhưng sau 12 ngày áp dụng, một phân xưởng cho kết quả 12 ca F0 trên 196 người khi làm xét nghiệm nhanh. Qua kiểm tra và rà soát phát hiện một người bán nước trái cây qua hàng rào dương tính với SARS-CoV-2 8 ngày trước đó.
Hiện tại, nhiều nhà máy ở phía Nam cho công nhân làm việc - ăn - ngủ nghỉ tại chỗ đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh xuất hiện ngay từ bên trong. Lãnh đạo doanh nghiệp gặp khó trong việc duy trì sản xuất tiếp trong khi số ca F0 liên tục xuất hiện hay tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Nên phải chăng, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” ở giai đoạn hiện tại, khi tình hình dịch bệnh diễn biến quá nghiêm trọng, không thực sự phù hợp?
Virus vẫn có thể xâm nhập vào bên trong gây dịch
Báo cáo với Sở Y tế thành phố, đại diện Vissan thừa nhận xuất hiện nhiều kẽ hở bên trong nhà máy dù đang áp dụng phương án “3 tại chỗ”. Điều này tạo thuận lợi cho virus xâm nhập và âm thầm lây lan. Bởi đặc thù công việc vẫn phải tiếp xúc với bên ngoài, từ nhân viên bán hàng, mậu dịch, chuyển phát, phát sinh đổi trả hàng… Virus có thể lây lan và xâm nhập từ đó. Ngoài ra, việc phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ cho số lượng lớn công nhân mỗi ngày nên doanh nghiệp cũng cần “giao lưu”, làm việc với xã hội, trong khâu nhập hàng hóa hay cung ứng suất ăn; rồi thu gom rác thải hay thậm chí từ phía các chuyên gia, chuyên viên bảo trì khác. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng ý thức lao động không cao, chỉ cần 1 cá nhân chủ quan, có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bên ngoài thì chuyện lây nhiễm ra “cộng đồng” bên trong nhà máy chỉ là vấn đề thời gian, như trường hợp công nhân mua đồ ăn, thức uống qua hàng rào của người dương tính như trên. Như vậy, từ chỗ được coi là an toàn trong phòng dịch, duy trì sản xuất để cung ứng mặt hàng cho bên ngoài, nhà máy nguy cơ trở thành ổ dịch nếu kiểm soát lỏng lẻo.
Vaccine là biện pháp căn cơ duy nhất
Hiện tại, phương án “3 tại chỗ” có hiệu quả hay không vẫn gây nhiều tranh luận. Người bảo không vì bằng chứng trước mắt tại nhiều doanh nghiệp phía Nam. Nhưng kẻ bảo có bởi doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang đã và đang áp dụng cực kì tốt. Có chăng, vấn đề nằm ở 1 hoặc 1 vài chủ thể doanh nghiệp, 1 hoặc 1 vài cá thể công nhân chưa thực sự nghiêm túc đặt vấn đề an toàn của bản thân và những người xung quanh lên mức ưu tiên.
Làm gì để giảm thiểu rủi ro? - Các chuyên gia cho hay:
- Nên phân tán công nhân trên diện rộng trong khuôn viên nhà máy, tính cho từng phân xưởng, có thể tính đến phương giảm lượng công nhân làm việc để kéo giãn khoảng cách nếu quy mô chỗ làm hạn chế. Như thế, nếu có ca nhiễm thì chỉ bị trên diện hẹp, số lượng cũng giảm bớt, việc truy vết và kiểm soát sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
- Nhất định phải xét nghiệm sàng lọc đầu vào. Tuy nhiên, nên lưu ý đến vấn đề sai số. Mặc dù độ chính xác của test nhanh lên đến 95% nhưng trong 100 công nhân mà chỉ cần xuất hiện 5 F0 thôi thì trong 1 tuần, cả nhà máy khả năng sẽ lây nhiễm hết.
- Bắt buộc và giám sát công nhân tuân thủ quy định “3 tại chỗ” đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nêu cao ý thức phòng dịch để không xuất hiện những hành vi “vụng trộm” như trường hợp công nhân mua nước qua hàng rào trong khi chính người bán nước vô tình là F0 mà không hay biết.
- Đề nghị trợ giúp đưa F0 đi điều trị, F1 đi cách ly tập trung từ các cấp chính quyền có liên quan tại địa phương. Bởi, thực tế, dù phát hiện nhiều F0 và hàng trăm F1, F2 nhưng doanh nghiệp vẫn cố gồng cho cách ly tại chỗ, ít nhất là 7-10 ngày, trong khuôn viên công ty, với diện tích không quá rộng rãi. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ bên trong, dễ bùng phát dịch số lượng lớn, đồng thời gây hoang mang cho số công nhân còn lại khiến sản xuất ngưng trệ, kém chất lượng, hiệu suất thấp… chưa kể, có thể có thành phần kích động, gây rối, quấy phá, gây mất trật tự, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổn thất.
- Đề xuất được ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, đặc biệt là những cá nhân đang cách ly trong nhà máy để sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; tiến hành tiêm dọc theo chuỗi sản xuất, tức cả những tác nhân bên ngoài có liên quan trong 1 chuỗi cung ứng như bán hàng, vận chuyển, bán lẻ... Điều này vừa giúp hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, vừa giảm nguy cơ tử vong nếu không may nhiễm dịch, giúp tâm lý công nhân yên tâm hơn để duy trì sản xuất dù nguy cơ bùng phát dịch có tồn tại trong nhà máy.
Dựa trên tình hình thực tế có thể nhận định, “3 tại chỗ” chỉ nên áp dụng ở thời điểm, tại một số nơi mà dịch bệnh chưa lây lan quá rộng, xác suất lây nhiễm thấp. Còn lại, việc triển khai ở thời điểm hiện tại, tại nhiều địa phương dịch nặng như Tp.HCM hay Bình Dương không thực sự phù hợp. Bởi, việc áp dụng chậm hơn, khi khả năng công nhân tham gia ở lại nhà máy có thể đang ủ bệnh nhưng bị lẫn vào cao hơn, đến khi kiểm tra thì phát hiện một loạt lây nhiễm, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 3% doanh nghiệp còn sót lại trong ngành dệt may có thể đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” để sản xuất, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì rủi ro bùng dịch lớn, đang tính đến phương án dừng.
(Theo VnExpress)