Gợi ý 4 phương án sản xuất an toàn trong nhà máy mùa dịch
23.08.2021 902 hongthuy95
Chi phí sản xuất cao, mất nhiều đơn hàng, thiếu hụt nhân công… khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa do không đảm bảo an toàn phòng dịch trong khi số ít còn lại thực hiện các phương án khác để duy trì sản xuất nhưng không mang lại hiệu quả cao. Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở tại miền Nam nói riêng và trên cả nước.
Quá nhiều khó khăn trong sản xuất mùa dịch
Vieclamnhamay.vn từng lên nhiều bài phân tích tình hình sản xuất kinh doanh của đa số cơ sở, xí nghiệp, nhà máy trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Ở làn sóng Covid lần thứ 4, mức độ khó khăn đáng báo động, nhất là các doanh nghiệp miền Nam, cả FDI hay tư nhân trong nước, cụ thể là Tp.HCM và Bình Dương. Thống kê 7 tháng đầu năm 2021, TP.HCM có hơn 21.000 doanh nghiệp bị ngưng hoạt động đến giải thể.
Công ty PouYen Việt Nam quy mô hàng chục nghìn công nhân đành thông báo tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Công ty Datalogic Việt Nam cho biết Doanh nghiệp có 831 nhân viên nhưng đến 20/8 chỉ còn 502 người đến làm theo mô hình “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”. Doanh số công ty từ đạt 18,5 triệu USD trong tháng 6/2021 đã giảm xuống còn 11 triệu USD trong tháng 7/2021 và chỉ bằng 60% so với thời điểm chưa dịch.
Công ty Intel Việt Nam, Công ty Jabil Việt Nam, AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki và hàng chục nghìn doanh nghiệp khác cũng gặp khó mùa dịch.
Những trở ngại chung mà hầu hết các cơ sở sản xuất đang phải đối mặt có thể kể đến:
- Xuất hiện ca bệnh hoặc F1, F2 trong phạm vi nơi làm việc khiến nhà máy bị phong tỏa, ngưng hoạt động theo chuyền, sản xuất đình trệ, giảm sút, trễ tiến độ, mất chi phí…
- Quy mô doanh nghiệp nhỏ, không gian trống không lớn đủ để tổ chức phương án “3 tại chỗ” cho công nhân ở lại sản xuất, ăn và nghỉ tại chỗ làm
- Công ty đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” và (hoặc) “2 địa điểm, 1 cung đường” thì chi phí sản xuất tăng cao (công ty Intel cho biết chi phí phát sinh lên đến 140 tỷ trong khi công ty Jabil là 4 tỷ/ ngày và 120 tỷ/ tháng) ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách, khó duy trì nếu dịch kéo dài. Hơn nữa, như thế dễ tác động đến giá thành sản phẩm và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn
- Tâm lý công nhân không thoải mái để làm việc trong điều kiện “3 tại chỗ” vì đa số đều có gia đình, có con nhỏ hay cha mẹ già phải chăm sóc
- Số lượng nhân công giảm mạnh còn khoảng 60% nhân sự ở thời điểm sản xuất bình thường khiến hiệu suất thấp, trễ tiến độ, nguy cơ giao hàng trễ cao, mất đơn hàng mới, mất đối tác (vì chuyển sang hợp tác với doanh nghiệp quốc gia khác như Ấn Độ, Mexico…)
- …
Doanh nghiệp lo mất đơn hàng, phá sản nếu ngừng sản xuất kéo dài
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất mùa dịch?
Tình hình thực tế không cho phép doanh nghiệp hoạt động 100% công suất như “thời bình”. Cơ sở nào cũng buộc thu hẹp quy mô nếu muốn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, dù áp dụng nhiều giải pháp như “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, 1 cung đường”, “1 cung đường, nhiều địa điểm”... mà hiệu quả mang lại chưa cao; hiệu suất làm việc của công nhân không đảm bảo, tinh thần uể oải (do không gian làm việc bí bách, thời gian xa gia đình lâu), quản lý không chặt (vì đặc thù sản xuất vẫn phải mở cửa với một số hoạt động bên ngoài như giao nhận, bán hàng, cung ứng…), trong khi chi phí phát sinh “đội nón” mỗi ngày (gồm ăn ở sinh hoạt, đưa đón công nhân…). Nhiều chuyên gia đánh giá, “3 tại chỗ” ban đầu đã thực sự phù hợp và phát huy tác dụng, tuy nhiên, do phải kéo dài thời gian thực hiện nên bị giảm hiệu quả do tác động bởi nhiều yếu tố như trên.
Hiện, tổng hợp từ kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp gặp khó tại Tp.HCM, chính quyền thành phố xây dựng 4 phương án sản xuất được cho là an toàn trong phòng chống dịch. Đó là:
+ Thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo ca, kíp” (chỉ ứng dụng cho doanh nghiệp có quy mô lao động vừa)
+ Tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến”
+ Tổ chức hoạt động theo phương châm 4 xanh: NLĐ xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh
+ Kết hợp các phương án nên trên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể linh hoạt sáng tạo ra nhiều phương án hữu dụng khác, phù hợp với điều kiện sản xuất và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo an toàn phòng dịch và phát triển kinh tế, ổn định hoạt động.
Hiện UBND TP.HCM đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh - tập hợp các kiến nghị vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND TP báo cáo lên Chính phủ xin chỉ đạo.
(Theo Báo mới)