10 khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc của NLĐ
11.01.2021 2470 hongthuy95
Ngoài 15 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), từ 1/1/2021, NLĐ có 10 khoản thu khác tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Dù thừa hiểu những được - mất nếu đóng và không đóng BHXH khi làm việc cho doanh nghiệp nhưng nhiều lao động vẫn phân vân khi quyết định; bởi "lương ba cọc ba đồng, tiền chưa đóng tiêu mỗi tháng có khi không đủ, công ty lại thường cắt giảm nhân sự cuối năm, tìm việc mới khó, có khi phải nhảy việc liên tục thì biết chừng nào số năm đóng bảo hiểm mới cao để nhận nhiều quyền lợi..." - anh C., hiện là bảo trì điện cho một xí nghiệp ở Bình Dương cho biết.
Dẫu vậy, phần đông lao động khác tuy thu nhập thấp nhưng mong muốn được biết rõ các khoản thu nhập phải tính đóng BHXH và sẵn sàng trích đóng vì nhận thức rõ chỉ có đóng và duy trì đóng BHXH liên tục thì khi hết tuổi lao động mới "có cái mà nhận", không phụ thuộc vào người khác. Theo đó,
Các khoản thu nhập tính đóng BHXH của NLĐ
BHXH Việt Nam quy định: Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Cụ thể:
- Tiền lương
Là mức lương đã thỏa thuận tính theo thời gian mà người lao động (NLĐ) nhận được từ công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) xây dựng theo quy định của pháp luật, được thể hiện rõ trong hợp đồng lao động (HĐLĐ)
Trường hợp NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì NSDLĐ ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
Mức tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (LTTV) tại thời điểm đóng đối với lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường - cao hơn ít nhất là 7% LTTV đối với lao động làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề - cao hơn ít nhất 5% lương của lao động làm việc trong điều kiện bình thường đối với lao động làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - cao hơn ít nhất là 7% lương của lao động làm việc trong điều kiện bình thường đối với lao động làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không vượt quá 20 lần so với mức lương cơ sở.
- Các khoản phụ cấp
Các khoản phụ cấp là mức tiền cụ thể có ý nghĩa “bù đắp” về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà tiền lương (đã thỏa thuận) trong HĐLĐ chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ và tương xứng cho NLĐ.
Theo đó, một lao động có thể nhận được 1, một số hoặc tất cả các khoản phụ cấp gồm:
+ Phụ cấp chức vụ, chức danh
+ Phụ cấp thâm niên
+ Phụ cấp trách nhiệm
+ Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
+ Phụ cấp khu vực
+ Phụ cấp lưu động
+ Phụ cấp thu hút
+ Các phụ cấp có tính chất tương tự
- Các khoản bổ sung
Các khoản bổ sung là mức tiền cụ thể, không phải tiền lương thỏa thuận trong HĐLĐ trả cho NLĐ vào mỗi kỳ trả lương.
Nhiều ích lợi về sau khi NLĐ đóng BHXH
Nhiều lao động thu nhập thấp tỏ thái độ không muốn tham gia đóng BHXH vì cho rằng mức đóng quá cao khiến số tiền còn lại của họ không được bao nhiêu, không đủ để chi tiêu các khoản phí cho cả một tháng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng khi có phát sinh, NLĐ nên đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm theo quy định. Chẳng hạn như:
- Được hưởng chế độ hưu trí, lương hưu khi hết độ tuổi lao động nếu đủ điều kiện
- Được hưởng trợ cấp thai sản (lao động nữ) với mức hưởng hàng chục triệu đồng/ lần sinh
- Được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu chẳng may mất việc (như đợt covid-19 vừa qua)
- Được nhận BHXH 1 lần nếu đủ điều kiện và có nguyện vọng muốn rút (con số thường không phải nhỏ nhưng khá thiệt thòi)
- Được hưởng các khoản trợ cấp khác nếu chẳng may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ tử tuất...
- Được cấp phát thẻ BHYT dùng khám chữa bệnh suốt thời gian hưởng lưu hưu, hỗ trợ chi trả các khoản phí theo quy định...
Thêm nữa, thay vì tự đóng BHXH tự nguyện, mức đóng 100% từ thu nhập cá nhân, đóng BHXH bắt buộc từ lương trả hàng tháng, NLĐ sẽ tham gia đóng mức 10,5%, doanh nghiệp đóng 21,5%. Như vậy, chỉ cần bỏ ra khoảng 10% lương tháng nhận được trích đóng BHXH bắt buộc, NLĐ có thể nhận lại được rất nhiều quyền lợi khác khi đủ điều kiện theo quy định.
Việc phân biệt rạch ròi, rõ ràng những khoản nào tính và không tính đóng BHXH, được - mất khi đóng và không đóng BHXH giúp NLĐ có cái nhìn khả quan hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở hiện tại và cả về sau, từ đó, cân nhắc và tự tin hơn trong quyết định.
Ms. Công nhân