Doanh nghiệp không chăm lo cho công nhân là tự “bắn vào chân mình”
26.09.2016 1500 bientap
Việc tuân thủ nghiêm túc pháp luật lao động, chăm lo cho quyền lợi của công nhân không những giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động mà còn khiến công nhân yên tâm làm việc.
Đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 45 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như: Trả lương, thưởng không đúng hạn, không đóng BHXH, nợ BHXH, không điều chỉnh lương tối thiểu vùng, không triển khai lương thưởng.
Có những vụ xuất phát từ việc doanh nghiệp thiếu cẩn trọng trong hoạt động xây dựng chính sách chăm lo nên vô tình gây ức chế cho người lao động, dẫn đến xảy ra tranh chấp không đáng có.
Trong số 45 vụ tranh chấp lao động, đáng lưu ý có DN để xảy ra ngừng việc 2-3 lần, điển hình là Công ty TNHH W và Công ty TNHH S. Tại Công ty TNHH S, cả 3 lần xảy ra tranh chấp đều có cùng nguyên nhân là do chính sách lương, thưởng chưa hợp lý (cào bằng, không phân biệt công nhân cũ và mới).
Đáng lưu ý là ở 2 lần tranh chấp gần đây nhất trong tháng 8.2016, dù đã được cơ quan chức năng góp ý song những bất cập trong việc xét thưởng vẫn chưa được DN khắc phục. Chán nản trước cách hành xử thiếu công bằng của lãnh đạo DN, hàng loạt công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Tương tự, tại Công ty W, việc ban giám đốc thay đổi xoành xoạch chính sách nâng lương đã tạo điều kiện cho mầm mống tranh chấp nảy sinh. Trước đây, khi xét nâng lương định kỳ hằng năm, công ty căn cứ vào tiêu chí tay nghề. Thế nhưng, trong thông báo nâng lương vừa được triển khai hồi tháng 8.2016, lãnh đạo công ty lại áp đặt tiêu chí này khiến công nhân bất bình. Cho rằng bị DN “o ép”, tập thể công nhân đã phản ứng và đến lúc đó thì công ty mới nhượng bộ.
Theo quy định của pháp luật lao động, khi xây dựng các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động, DN phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở hoặc CĐ cấp trên. Thế nhưng, rất ít DN quan tâm đến điều này, thậm chí bỏ qua những góp ý mang tính xây dựng của tổ chức CĐ và đây chính là nguyên nhân khiến tranh chấp phát sinh.
Do đó mà khi xây dựng quy chế trả lương, thưởng, DN và CĐ phải thảo luận kỹ càng trước khi công bố cho người lao động biết, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ các quy định của pháp luật. Riêng chính sách đãi ngộ, sau khi hai bên đạt được sự đồng thuận cao thì mới công khai, minh bạch để công nhân tự giám sát quyền lợi của họ, có như thế thì công nhân mới yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tuyencongnhan.vn tổng hợp