Cảnh báo 8 tai nạn lao động thường gặp ở Công trường xây dựng
19.02.2021 4166 hongthuy95
Công nhân xây dựng, thợ hồ, kỹ sư, giám sát hay mọi vị trí khác làm việc tại công trình đều có nguy cơ gặp rủi ro tai nạn lao động. Nắm bắt những sự cố mất an toàn có thể gặp phải để có phương án phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Những tai nạn thường gặp trên công trường xây dựng
Công trường xây dựng là nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn không mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp an toàn tính mạng của công nhân viên, nhất là công nhân xây dựng. Dưới đây là 8 sự cố, tai nạn, chấn thương thường gặp nhất:
- Té, ngã
Té, ngã là tai nạn phổ biến nhất mà công nhân xây dựng có thể gặp phải khi làm việc. Tùy tình hình thực tế mà hậu quả (thương tích) gây nên nghiêm trọng hay không, nghiêm trọng đến mức nào. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp té, ngã từ trên cao dẫn đến bị thương tật vĩnh viễn, mất khả năng lao động, thậm chí tử vong.
Được biết, nguyên nhân của sự cố này thường do lỗi kỹ thuật khi lắp đặt giàn giáo, lỗ hỏng nền nhà, vách tường hở hay không tuân thủ quy định bảo hộ lao động khi làm việc tại công trường, nhất là làm việc ở trên cao (không đeo dây đai bảo hộ)…
- Đụng trúng vật rơi tự do
Làm việc dưới mặt đất hay các tầng thấp hơn bị các vật rơi tự do như gạch, ngói, công cụ dụng cụ, thiết bị làm việc và nhiều vật nặng, sắc nhọn khác đụng trúng, nguy hiểm nhất là rơi ngay đầu, trong khi không mang đồ bảo hộ (quần áo, mũ, giày, ủng…) hoặc có mang nhưng chất lượng không đảm bảo, mang sai quy cách dễ dẫn đến tai nạn, nhẹ thì trầy xước, gãy tay, gãy chân, nặng có thể chấn thương sọ não (rơi trúng đầu) đến tử vong.
Nguyên nhân có thể do bất cẩn trong việc sử dụng và cầm nắm khi xây lắp trên cao – khu vực xây dựng không được rào chắn đầy đủ - sử dụng nguyên vật liệu, giàn giáo hay bất kỳ vật dụng, thiết bị xây dựng kém chất lượng…
- Sập công trình, giàn giáo, hầm, hào
Nếu công trình xây sai kỹ thuật, xây bằng vật liệu kém chất lượng, giàn giáo lắp đặt không chính xác, vật liệu được đào và đắp lên quá gần với miệng hào thì sẽ rất dễ bị sập, rơi tự do gây thương tích cho mọi người. Thống kê cho thấy, rủi ro gây chết người đối với công nhân xây dựng làm việc trên các công trường có hầm, hào, rãnh cao hơn 112% so với các khu vực khác.
- Giật điện
Giật điện là sự cố chết người phổ biến tại công trường, chỉ sau tai nạn do té, ngã. Bất cẩn, chểnh mảng trong công việc hay chập điện, dây dẫn hỏng, bị phơi nhiễm với đường dây cao thế trên cao hoặc đặt ngầm dưới mặt đất tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chấn thương do điện giật cho công nhân.
- Cháy nổ
Cháy nổ do chập điện, bị bén lửa từ tàn thuốc ở nơi có nhiều vật dễ cháy hay sự cố cháy nổ từ bất cứ dụng cụ, thiết bị điện, sử dụng hóa chất đều có thể xảy ra. Hậu quả là công trình bị nguy hại, an toàn sức khỏe và tính mạng công nhân bị đe dọa.
- Nhiễm hóa chất
Công việc xây dựng phải tiếp xúc và sử dụng qua rất nhiều hóa chất độc hại. Dù có dùng găng tay bảo hộ hay không thì quá trình sử dụng lâu ngày cũng rất dễ bị phơi nhiễm hoặc hít phải gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.
- Chấn thương xương, khớp
Mang vác vật nặng ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, khớp cổ tay và nhiều vị trí xương, khớp khác - lâu ngày gây đau nhức, thương tật (cong vẹo, lệch…) cho công nhân.
- Trầy xước da, gãy tay, chân
Bất cẩn khi làm việc với be, sắt, thép, máy trộn xi măng, máy cắt và nhiều dụng cụ, thiết bị, máy móc tiềm ẩn nguy cơ gây nên những chấn thương cho công nhân, nhẹ thì trầy xước da, nặng có thể bị gãy tay, gãy chân, thậm chí đứt lìa các chi.
Đảm bảo an toàn lao động tại công trường xây dựng
Để hạn chế tối đa những sự cố, tai nạn không mong muốn, hãy đảm bảo:
- Thường xuyên kiểm tra, kiểm định để chắc chắn mọi thứ đều an toàn, từ giàn giáo, chất lượng công trình đang thi công đến máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc; báo cáo khắc phục hoặc sửa chữa, thay mới nếu không đảm bảo
- Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tuân thủ quy định an toàn khi mặc đồ bảo hộ
- Nhận biết và hiểu rõ đến thao tác thành thạo các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc
- Bố trí, sắp xếp trang thiết bị, dụng cụ, máy móc gọn gàng; vệ sinh sạch sẽ sau mỗi ca làm việc
- Kiểm tra các đường dẫn điện, nước, đảm bảo không rò rỉ, hỏng hóc, cản trợ di chuyển
- Trang bị tủ thuốc y tế chuyên dụng cơ bản dùng khi cần thiết
- Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng xử lý sự cố, sơ cấp cứu khi gặp tai nạn lao động
- Cẩn thận, quan sát kĩ, thao tác chính xác trong công việc...
Tai nạn lao động là điều không ai muốn nhưng rất khó nói bởi có thể xảy đến bất ngờ. Điều cần làm là luôn luôn cẩn thận, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động trong thi công và xây lắp, tự bảo vệ mình, tránh phát sinh những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, tính mạng.
Ms. Công nhân