Có quy định về tiền thưởng cho người lao động dịp lễ 30/4, 1/5 không?
17.04.2023 870 doantrangbc
Ngoài số lượng ngày nghỉ thì những khoản thưởng trong dịp 30/4, 1/5 cũng là vấn đề mà người lao động quan tâm. Vậy có quy định cụ thể về mức thưởng cho người lao động trong dịp lễ này không? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu nhé.
Lịch nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm 2023
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2023 liền sát với dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương. Do đó, người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Cụ thể lịch nghỉ năm 2023 được quy định theo theo Bộ luật Lao động như sau:
Nghỉ 1 ngày 29-4-2023 (Thứ bảy): Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Nghỉ 1 ngày 30-4-2023 (Chủ nhật): Ngày Chiến thắng.
Nghỉ 1 ngày 1-5-2023 (Thứ hai): Ngày Quốc tế Lao động.
Nghỉ 1 ngày 2-5-2023 (Thứ ba): Nghỉ bù (cho ngày 30-4 vào Chủ nhật)
Nghỉ 1 ngày 3-5-2023 (Thứ tư): Nghỉ bù (cho ngày Giỗ Tổ vào thứ bảy) - chỉ dành cho những ai có lịch nghỉ cố định vào thứ 7 hàng tuần
Quy định nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được áp dụng từ năm 2007. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết của người lao động trong năm theo quy định là 11 ngày.
Doanh nghiệp có phải thưởng cho người lao động dịp 30/4 và 01/5?
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó.
Với quy định này, việc có thưởng cho người lao động hay không sẽ được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó. Điều này được quyết định bởi người sử dụng lao động.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thưởng hoặc không thưởng cho người lao động nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5. Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động có ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp lễ 30/4 và 01/5 thì doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.
Các quy định hiện hành cũng không giới hạn mức thưởng dịp lễ 30/4 và 01/5. Do đó, khoản tiền thưởng dịp 30/4 và 01/5 sẽ không có mức cố định. Tùy vào nguồn tài chính của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động có thể thưởng nhiều tiền hoặc thưởng ít tiền cho người lao động.
Ngoài tiền mặt doanh nghiệp có thể thưởng bằng tài sản cho người lao động
Ngoài thưởng tiền, người sử dụng lao động có thể thưởng bằng một hoặc kết hợp các hình thức thưởng bằng tài sản khác. Tùy vào khả năng tài chính của doanh nghiệp mà có giá trị tài sản thưởng khác nhau. Doanh nghiệp có thể thưởng cho nhân viên các sản phẩm do chính đơn vị đang sản xuất kinh doanh hoặc các sản phẩm được cung cấp bởi đối tác hoặc các doanh nghiệp khác. Ví dụ, thưởng phương tiện xe máy, xe điện, xe đạp, … hoặc đồ gia dụng thiết yếu như nồi cơm điện, tủ lạnh, TV, máy giặt, bộ xoong chảo, nồi chiên không dầu, máy say sinh tố,…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng hình thức thưởng voucher giảm giá mua hàng tại siêu thị, các gói spa, chăm sóc sức khỏe, các chuyến du lịch, hoặc tặng vé máy bay, vé tàu về quê…
Không trả thưởng cho nhân viên như đã cam kết, doanh nghiệp có bị phạt?
Nếu đã có cam kết hoặc thỏa thuận với người lao động về việc trả tiền thưởng dịp lễ 30/4 và 01/5 thì doanh nghiệp cần có trách nhiệm phải thực hiện đúng cam kết.
Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp được coi là thất hứa, vi phạm thỏa thuận, cam kết. Tuy hiện tại chưa có quy định cụ thể xử phạt về hành vi không trả thưởng, nhưng người lao động vẫn có thể đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình thông qua thủ tục khiếu nại.
Để đòi đủ tiền thưởng dịp 30/4 và 01/5, người lao động trước hết phải khiếu nại đến ban lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu trả thưởng.
Nếu không được phía công ty giải quyết giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì người lao động cần khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đòi tiền thưởng (theo Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ ).
Ms. Công nhân (Tổng hợp)
5 Quy định về ngày nghỉ phép hàng năm người lao động cần biết