Công nhân Bình Dương làm đủ nghề kiếm sống đón Tết
13.12.2022 1357 thanhphuongthaobctt
Lái xe ôm công nghệ, nhận gia công, đóng gói sản phẩm,... những công việc công nhân Bình Dương nỗ lực từng ngày để dành dụm trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Khi cái Tết sắp cận kề, nhưng cuộc sống của người công nhân vẫn không khấm khá hơn.
Công nhân thất nghiệp cạnh tranh từng cuốc xe
Suốt ngày mải miết với những cuốc xe từ Bình Dương ngược ra thành phố Hồ Chí Minh, anh P. V. P. (40 tuổi) cảm thấy bản thân vẫn còn may mắn khi thuê được căn phòng trọ 700.000/ tháng để đôi vợ chồng cùng đứa con gái 5 tuổi sinh sống suốt 10 năm qua. Tháng 7 vừa rồi, anh P. phải từ giã công việc công nhân giày da từng gắn bó nửa đời người để tìm công việc khác. May mắn có chiếc xe máy, anh nhận cuốc xe tới khuya, lương tháng cũng ngót nghét 8 triệu đồng. Hạnh phúc nhất là vợ vẫn còn giữ được công việc ở nhà máy may với mức lương 7 triệu mỗi tháng. Với tổng thu nhập gần 15 triệu đồng, anh chị có thể vừa trang trải chi phí cuộc sống và lo cho con gái ăn học.
Một công nhân thất nghiệp khác cũng ngậm ngùi chuyển sang làm xe ôm công nghệ, anh Nguyễn Văn An (33 tuổi) cho biết anh cũng vừa mới mất việc hồi tháng 5. Tìm mãi không ra công việc mới nên anh đành chở khách kiếm sống và nuôi mẹ già trong căn phòng trọ 9m vuông. Mẹ anh bị giãn tĩnh mạch nên không thể làm việc được.
Theo số liệu thống kê, Bình Dương chỉ có khoảng 2 triệu rưỡi người, nhưng từ đầu năm đến nay đã có khoảng 28.000 người thất nghiệp, 240.000 bị giảm giờ làm. Thực tế chiết khấu của xe ôm công nghệ hiện tại đã lên đến 30%, ngoài chi phí xăng xe, các tài xế luôn phải chạy liên tục từ sáng đến tối mới đủ sống. Nhiều người phải chọn gói combo 3 vừa chở người, chở hàng, giao hàng siêu tốc. Giờ đây, họ phải cạnh tranh với cả những người cũng thất nghiệp từ công nhân ra.
Nhận gia công giá rẻ
Thu nhập từ mức lương công nhân chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng, chị M. N. đành phải nhận thêm việc đóng gói các chùm lưỡi câu, mỗi chiếc chỉ 550 đồng, làm nhanh mỗi tối thì được 200 cái khoảng 110.000 đồng, chỉ đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn tất cả thu nhập có được chị gửi cho hai đứa con đang học ở TP. Hồ Chí Minh. Ly dị chồng từ nhiều năm trước nên bây giờ tất cả mọi gánh nặng kinh tế gia đình chị N. phải lo lắng. Để tiết kiệm chi tiêu, chị chỉ ăn ở nhà máy còn lại không nấu ăn cũng như ăn ngoài. Nếu đói quá thì mới ăn tạm mì gói qua ngày.
Thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi) đành phải nhận công việc gia công hoàn thiện sản phẩm tại nhà với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng (hoặc ít hơn) mỗi tháng. Còn chồng chị làm công nhân ở xưởng gỗ cũng bị giảm giờ làm nên mức lương chỉ còn 3 triệu đồng/ tháng. Vì thế, với tổng thu nhập cả hai vợ chồng cố gắng chi tiết tằn tiện từng đồng cho con lớn ăn học còn đứa nhỏ thì giữ ở nhà đỡ tiền đi mẫu giáo.
Theo số liệu của Viện Công nhân và Công đoàn, 42% người lao động không có nhà, 54% không có đất ở, 59% không có tích lũy, 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được 1 tháng, 16,7% có tích lũy duy trì 1 - 3 tháng, 12,7% có tích lũy nhưng chỉ trang trải được trên 3 tháng. Hơn nữa, 38% đang rơi vào cảnh nợ nần, 14% khó có khả năng chi trả đúng thời hạn.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, có khoảng 500.000 người lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có khoảng 42.000 người mất việc, 100.000 người bị ảnh hưởng, 31.000 lao động nữ, 10.000 lao động nữ đang nuôi con nhỏ và đang mang bầu.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết sẽ có khoảng 8000 phần quà Tết cho người lao động 11 tỉnh trên khắp cả nước (Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang. Mỗi phần quà có giá trị khoảng 700.000 đồng, trong đó 300.000 tiền mặt cùng nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên với số lượng 25 triệu người lao động, 16 triệu công nhân thì cơ hội nhận được phần quà này càng không dễ.
Ms. Công nhân (Tổng hợp)