Công nhân mất việc, chủ trọ “đỏ mắt” kiếm người thuê, tiểu thương ế ẩm
02.08.2023 1173 doantrangbc
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào cảnh cạn đơn hàng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Kéo theo đó là sản xuất đình trệ, công nhân bị mất việc, nhiều người rời thành phố về quê kiếm sống để lại những dãy trọ nằm im lìm đóng cửa, tiểu thương buôn bán ế ẩm.
“Từ sau tết đến nay, số người trả phòng ngày càng tăng trong khi người thuê thì không thấy đâu”, Chị Lê Thanh Bình, chủ khu trọ 38 phòng gần Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ khi số công nhân trả phòng đã chiếm hơn một nửa số phòng cho thuê của gia đình chị.
Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp hay trên các diễn đàn dành cho công nhân, chúng ta sẽ thấy đầy rẫy các biển thông báo hay tin cho thuê phòng trọ giá rẻ. Mức giá cho thuê dù đã giảm đáng kể nhưng người thuê vẫn lác đác thậm chí không có người hỏi.
"Khu vực này có rất nhiều công ty nên số lượng công nhân thuê trọ rất đông. Hầu như rất ít khi có phòng trống. Nhưng đầu năm đến nay công nhân bị mất việc nên trả phòng hàng loạt, dù treo biển cho thuê lâu rồi mà chưa có ai vào hỏi thuê". Kinh doanh nhà trọ của gia đình 4 năm nay anh Lê Nam (35 tuổi) cho biết.
“Phòng trọ của tôi trước đây 800 ngàn 1 phòng nhưng hiện tại cả phòng trống và phòng đang cho thuê đều giảm còn 600 ngàn. Nhưng dù có giảm thì người ta vẫn rời đi bởi vì tình thế bắt buộc khi không có việc làm thì họ cũng hết cách.” Anh Nam chia sẻ thêm.
Không chỉ vắng bóng người thuê những công nhân còn ở lại cũng lâm vào cảnh khó khăn khi các công ty cắt giảm giờ làm, 1 tuần chỉ làm 4 - 5 buổi, không tăng ca. Cũng có nhiều công nhân bị mất việc ráng ở lại làm các công việc bán thời gian để tìm việc làm mới. Nhiều chủ nhà trọ phải giảm tiền thuê phòng vừa để chia sẻ gánh nặng với công nhân vừa để giữ chân họ ở lại.
Cư xá Hưng Lợi 1 (phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên) - Một dãy nhà trọ lớn nhất nhì Bình Dương có 600 phòng trọ cho thuê. trước đây luôn trong cảnh đông đúc, nhộn nhịp nhưng những tháng gần đây, công nhân mất việc về quê bỏ lại những dãy trọ trống không. Ban quản lý cư xá cho biết, hiện nay có đến hơn 300 phòng trọ đang bị bỏ trống. Cư xá cũng đã giảm khoảng 30% tiền phòng để chia sẻ với công nhân lao động khó khăn chung.
Nhiều chủ trọ trống khách cũng chỉ còn cách treo biển chờ người thuê, cầm cự chờ tình hình ổn định hơn.Thế nhưng cũng nhiều chủ nhà trọ đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi phải trả lãi ngân hàng hàng tháng do vay mượn để xây khu trọ.
Không chỉ chủ trọ lao đao, tiểu thương cũng gặp cảnh buôn bán đìu hiu
Không chỉ nhà trọ vắng vẻ, mà việc kinh doanh, buôn bán của những tiểu thương quanh khu công nghiệp, khu chế xuất cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng cắt giảm lao động kéo dài, công nhân bỏ về quê.
“Công nhân họ về quê hết nên buôn bán kém lắm. Những người còn ở lại làm thì chi tiêu cũng hạn chế hơn chứ không như trước đây” Cô Thảo một tiểu thương bán đồ thực phẩm tươi sống tại khu chợ cóc gần công ty PouYuen (Quận Bình Tân) cho biết.
Tương tự, các khu bán đồ ăn sáng hay các quán cơm bình dân cho công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Thủ Đức cũng rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Ông Hoàng Văn Điệp (bán cơm tấm) cho biết, điểm bán đồ ăn sáng này chủ yếu phục vụ cho công nhân tại khu chế xuất, thế nên công nhân mất việc rời đi khiến nhiều tháng nay việc mua bán của ông gặp nhiều khó khăn. Trước đây công nhân làm nhiều, mỗi sáng ông chỉ bán đến 8h là hết cơm, nhưng hiện nay mặc dù đã giảm số lượng nhưng hơn 9h vẫn chưa bán hết.
“Vợ chồng tôi may mắn chưa bị mất việc, nhưng công ty cắt giảm giờ làm khiến thu nhập cũng bị giảm đáng kể so với trước đây. Thế nên chi tiêu trong gia đình cũng phải tính toán cắt giảm nhiều khoản mới đủ trang trải.” Chị Mến, một công nhân làm việc tại công ty PouYuen chia sẻ.
Trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều biến động, “làn sóng” cắt giảm lao động, giảm giờ làm vẫn diễn ra dự tính cho đến cuối năm. Không chỉ chính công nhân mà rất nhiều đối tượng khác như chủ nhà trọ, người người kinh doanh buôn bán tại khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ còn phải đương đầu với những khó khăn rất lớn.
Ms. Công nhân (Tổng hợp)