Đặc biệt lưu ý 7 vấn đề này trước khi phản hồi Job Offer
04.04.2024 399 hongthuy95
Vui sướng và trả lời ngay Job Offer từ nhà tuyển dụng được cho là phản xạ tự nhiên và đầu tiên của hầu hết người tìm việc. Tuy nhiên, hành động này có thể vô tình khiến bạn đánh mất đi nhiều quyền lợi tuyệt vời. Bài viết này, Vieclamnhamay.vn sẽ chỉ điểm 7 vấn đề cần đặc biệt lưu ý trước khi phản hồi thư mời nhận việc của công ty.
Job Offer là gì?
Job Offer hay Offer Letter là thư mời nhận việc, thư đề nghị công việc được nhà tuyển dụng (NTD) gửi đến ứng viên đã tham gia phỏng vấn, qua email được cung cấp thông báo rằng bạn đã được nhận vào làm việc tại vị trí đã ứng tuyển, kèm theo mọi thông tin liên quan đến công việc đó, cũng như quyền lợi và các quy định kèm theo nếu có.
Cụ thể: Job Offer là một tài liệu chính thức mô tả công việc, điều kiện làm việc, mức lương, các quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Người nhận được Job Offer (ứng viên) có thể chấp nhận hoặc từ chối đề nghị công việc này, có thể có phản hồi lại hoặc không. Tuy nhiên, là một người tìm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm, bạn nên gửi thư trả lời lại NTD nhé.
Ứng viên phản hồi lại Job Offer khi nào?
Các HRs khuyên người nhận được Job Offer nên trả lời lại doanh nghiệp sớm nhất có thể để họ nắm được tình hình mà có kế hoạch sắp xếp công việc hay trả lời thắc mắc, hoặc gửi Job Offer mới cho ứng viên tiềm năng sau đó. Tuy nhiên, để tránh bị mất quyền lợi vì không cẩn thận và nôn nóng, NTD khuyên tiếp bạn nên đọc kĩ các thông tin về công việc sẽ đảm nhận được cung cấp và trao đổi thêm với họ để đi đến thống nhất cuối cùng nếu cần thiết.
Lưu ý gì trước khi phản hồi Job Offer?
Những vấn đề được liệt kê dưới đây ứng viên cần đặc biệt lưu ý trước khi phản hồi lại Job Offer của NTD để tránh bị mất quyền lợi:
+ Mức lương
Nếu tin tuyển dụng và ngay cả lúc phỏng vấn NTD vẫn không công khai mức lương mà chỉ để “thỏa thuận” thì Job Offer sẽ đề cập cụ thể con số bạn sẽ nhận được khi nhận việc. Lúc này, nếu nôn nóng rep thư mà không cẩn thận đọc hết các thông tin trong đó thì rất có thể mức lương ấy không phải mốc mong muốn của bạn. Ngược lại, nếu cảm thấy con số đưa ra chưa phản ánh đúng năng lực và kinh nghiệm của bạn thì hoàn toàn có thể đề xuất thương lượng lại về mức lương với NTD để đi đến con số thống nhất, phù hợp cho nguyện vọng của cả 2 bên.
+ Phụ cấp và phúc lợi
Tương tự mức lương, phụ cấp và phúc lợi (nếu có) cũng là yếu tố quan tâm của người lao động, giúp gia tăng quyền lợi và thu nhập nhận được hàng tháng. Do đó, nếu cảm thấy chế độ đãi ngộ của công ty chưa thỏa đáng, bạn hoàn toàn có thể đề xuất thương lượng lại, bằng cách gia tăng hoặc thay đổi một vài khoản phụ cấp, phúc lợi phù hợp.
Phụ cấp hàng ngày như xăng xe, điện thoại, ăn trưa, ở trọ…; các loại BH sẽ đóng; số ngày nghỉ phép; phụ cấp ốm đau; tiền thưởng; hiếu hỉ, sinh nhật… là những chế độ nên có để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
+ Vị trí công việc
Nhiều nơi khi đăng tuyển và phỏng vấn đưa ra 1 vị trí nhưng lúc vào làm thì lại lòi ra nhiều nhiệm vụ khác nữa. Do đó, nhất định phải chốt được vị trí và công việc cụ thể sẽ làm khi nhận việc chính thức, có giấy tờ làm tin rõ ràng để phòng khi có phát sinh cần xử lý.
+ Thời giờ làm việc
Bao gồm số giờ làm việc tối đa trong ngày/tuần/tháng có đúng quy định của Luật Lao động không, số ngày nghỉ phép tương ứng trong tuần/tháng/năm thế nào, xử lý ra sao nếu đi làm muộn hay phải nghỉ làm vì bận việc đột xuất, có lý do khách quan… Một công ty uy tín là công ty minh bạch về mọi thông tin liên quan đến quyền lợi của NLĐ.
+ Văn hóa doanh nghiệp
Yếu tố này tuy không được quan tâm bởi nhiều người, nhất là công nhân lao động chỉ cần có việc, có tiền chi tiêu là đủ - tuy nhiên, đây lại là tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả làm việc của NLĐ tại doanh nghiệp đó. Rằng môi trường làm việc có thân thiện hay áp lực, đồng nghiệp và quản lý hòa đồng hay cậy quyền ức hiếp người mới, tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp có tôn trọng pháp luật hay dân chủ không… Mỗi doanh nghiệp sẽ có một văn hóa riêng, bạn muốn làm việc hiệu quả và gắn bó lâu dài thì phải lựa chọn nơi phù hợp.
+ Quá trình thăng tiến
Không ai hài lòng hay có động lực làm việc khi phải dậm chân tại chỗ với cùng 1 công việc trong nhiều năm. Quá trình thăng tiến hay lộ trình phát triển sự nghiệp chính là yếu tố cần quan tâm để bạn nỗ lực làm việc mỗi ngày. Hỏi rõ công ty về vấn đề này trước khi đồng ý nhận việc nhé.
+ Khoảng cách di chuyển
Yếu tố này cần thiết được đặt lên bàn cân để so sánh giữa 2 hay nhiều hơn nữa Job Offer nhận được. Nó ảnh hưởng đáng kể đến thời giờ làm việc, chất lượng công việc và mức chi tiêu hàng tháng của bạn. Một nơi quá xa chỗ ở sẽ khiến bạn phải thức dậy và đi làm sớm hơn, trở về nhà muộn hơn, chi phí xăng xe và ăn uống cao hơn và đặc biệt, tinh thần đôi khi cũng bị tác động không ít…
Ngoài ra, nếu được, hãy tìm hiểu thêm về đồng nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp, đánh giá từ nhân viên công ty hay nhiều vấn đề liên quan khác có thể giúp bạn dễ dàng ra quyết định có hay không nhận lời mời làm việc tại công ty, sao đó hãy cẩn thận gửi thư phản hồi cho NTD.
Lưu ý câu từ, chính tả cùng nội dung phải thật chuẩn xác và lịch sự, ngắn gọn nhưng đủ ý để gây ấn tượng nhé!
Ms. Công nhân