Giúp công nhân may nhìn - hiểu 3 màu đèn báo hiệu sự cố sử dụng trong chuyền
19.05.2021 1766 hongthuy95
Tại các phân xưởng quy mô lớn, tổ chức hoạt động nhiều chuyền cùng lúc sẽ bố trí hệ thống đèn báo hiệu ở đầu chuyền. Tại sao phải làm vậy? Cơ chế hoạt động thế nào? Nhìn - hiểu từng màu ra sao?... Nếu chưa có nhiều thông tin, hãy để Vieclamnhamay.vn giúp bạn giải đáp!

Nhiều công nhân may mới lên chuyền hoang mang khi đèn báo hiệu gần chỗ mình phát sáng rồi kêu inh ỏi. Họ phát hoảng vì lo sợ liệu mình có sơ ý đụng phải thứ gì hay mắc lỗi gì nên “bị báo động” để nhắc nhở hay không. Đừng lo! Đây chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ công việc của một chuyền may mà thôi.
Tại sao cần sử dụng đèn báo hiệu trong chuyền?
Việc sử dụng hệ thống đèn báo hiệu trong chiều có hiệu quả cho cả công nhân may và cấp quản lý (thường là chuyền trưởng) hay bộ phận kỹ thuật, bảo trì.
Khi hệ thống đèn báo hiệu phát sáng, tương ứng với từng màu đèn, phía công nhân có thể dễ dàng và nhanh chóng gọi hỗ trợ đến chuyền trưởng và bộ phận kỹ thuật, để những ai liên quan có thể ngay lập tức có mặt để xử lý, từ đó tiết kiệm thời gian di chuyển, tăng hiệu suất công việc, tạo tâm lý thoải mái làm việc cho công nhân… Ngược lại, về phía quản lý, điều này giúp việc giám sát chuyền được thuận lợi và đơn giản hơn, kiểm soát trạng thái hoạt động và làm việc của công nhân trong chuyền.

Cơ chế hoạt động của hệ thống đèn báo hiệu trong chuyền ra sao?
+ Tại chuyền may
Sử dụng công tắc bật-tắt trạng thái và đèn báo hiệu có phân biệt màu:
- Đèn báo hiệu được lắp đặt tại mỗi dây chuyền, ở đầu chuyền, tại vị trí thuận tiện và dễ nhìn thấy nhất cho bộ phận hỗ trợ hay người quản lý
- Khi có bất cứ sự vụ gì tại dây chuyền may cần thông báo hoặc hỗ trợ, công nhân sẽ nhấn công tắc sự vụ có màu tương ứng; lúc này, đèn sẽ phát sáng hoặc (và) còi sẽ kêu thành tiếng báo hiệu trạng thái tại vị trí chuyền
- Sử dụng hệ thống đèn báo hiệu có màu để thông báo trạng thái chi tiết nhất. Tùy yêu cầu trạng thái cần thông báo của mỗi nhà xưởng, doanh nghiệp sẽ quy định sử dụng hệ thống đèn báo có màu và số lượng màu phù hợp. Đỏ - Vàng - Xanh là 3 màu phổ biến trên hệ thống đèn báo hiệu trong chuyền may. Một số hệ thống đèn báo khác còn có màu Xanh dương - Xanh - Trắng…
- Quy định phổ biến nhất để nhìn - hiểu hệ thống đèn báo trong chuyền chẳng hạn như:
-- Đèn báo màu Xanh: yêu cầu được trợ giúp từ Chuyền trưởng hoặc Bộ phận Kỹ thuật khi phát hiện ra sản phẩm lỗi hay gặp khó khăn trong thao tác, kỹ thuật may... Cá nhân liên quan cần có mặt ngay lập tức để xử lý và nhấn tắt đèn khi giải quyết vấn đề xong.
-- Đèn báo màu Vàng: thông báo công nhân cần được sắp xếp người đến hỗ trợ thay thế vì họ muốn đi ra ngoài (đi vệ sinh hoặc có việc riêng cần xử lý). Công nhân cần chờ cho đến khi chuyền trưởng hoặc nhân viên thay thế đến mới được rời khỏi vị trí làm việc, tắt đèn báo khi quay trở lại. Ngoài ra, khi giới hạn hàng tồn vượt mức cho phép; chờ việc do hết hàng… công nhân cũng sẽ bấm đèn vàng.
-- Đèn báo màu Đỏ: báo trạng thái máy may hỏng hay vận hành không trơn tru, cần được kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế ngay, tránh ảnh hưởng đến hiệu suất chuyền. Nhân viên kỹ thuật cần đến ngay lập tức và tắt đèn báo khi đến.

+ Tại bộ phận Kỹ thuật hay Quản lý
- Tiếp nhận nhanh tín hiệu thông qua việc nhìn - hiểu đèn báo, phân tích và nhận biết tình hình. Trong đó:
-- Đèn báo cho biết vị trí chuyền cần được hỗ trợ, hỗ trợ gì
-- Còi báo thông báo bằng âm thanh cho người hỗ trợ
-- Đèn và còi sẽ được tích hợp hiển thị cùng lúc trên bảng hiển thị
-- Thông tin hiển thị là giống nhau trên hệ thống của Bộ phận kỹ thuật lẫn quản lý
- Nhanh chóng ra quyết định xử lý: trực tiếp hoặc phân công người phù hợp xuống “hiện trường”
Thời đại công nghệ, nhiều khâu quản lý và vận hành công việc được máy móc, thiết bị thông minh hỗ trợ để giảm sức người, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu suất công việc. Lắp đặt hệ thống báo hiệu sự cố trong chuyền là công cụ cần thiết phải có đối với xưởng may quy mô lớn, tổ chức hoạt động nhiều chuyền, có nhiều công nhân cùng làm việc…
Ms. Công nhân