Hướng xử lý 6 sự cố thường gặp nhất khi lái xe
20.08.2018 1204 hongthuy95
Nổ lốp, bong mặt lốp, kẹt ga, mất lái, trượt bánh… là những sự cố thường gặp nhất khi lái xe tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Bài viết này, Vieclamnhamay.vn xin chia sẻ một số sự cố thường gặp nhất và hướng xử lý cụ thể để các lái xe mới vào nghề tham khảo và áp dụng khi cần.

Nổ lốp
Dấu hiệu đầu tiên nhận biết khi xe bị nổ lốp sẽ xuất hiện một tiếng nổ lớn rồi tiếng xì mạnh do không khí thoát khỏi lốp xe và cuối cùng là tiếng lẹp bẹp do lốp vỡ ma sát với đường; ngoài ra, lúc này, lái xe sẽ gặp khó khăn khi kiểm soát vô lăng, xe sẽ có xu hướng nghiêng về phía bánh bị nổ, phương hướng chệch choạng, rất dễ gây mất cân bằng xe, khiến lái xe bị mất kiểm soát tay lái, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao
Để hạn chế tối đa rủi ro khi nổ lốp, lái xe nên đạp lút chân ga khoảng một vài giây để xe có thể chạy thẳng mà không bị chuyển hướng – nhẹ nhàng thả chân ga để duy trì tốc độ cho xe, đồng thời giữ xe đi đúng làn đường, tránh xa chân phanh – giảm tốc độ xuống mức an toàn rồi đánh lái vào sát lề đường để sửa chữa hoặc chờ cứu hộ.

Bong mặt lốp
Bong mặt lốp là tình trạng mặt lốp chưa gai bị tách khỏi cốt lốp chứa khung thép ở bên trong. Khi bong mặt lốp sẽ xuất hiện tiếng động mạnh, sau đó là âm thanh nện xuống nền đường của lớp kim loại. Sự cố bong mặt lốp còn nguy hiểm hơn cả nổ lốp, quá trình có thể diễn ra chỉ trong vài giây hoặc kéo dài đến vài ngày
Cũng giống như nổ lốp, khi xe bị bong mặt lốp, lái xe nên bình tĩnh đạp lút ga trong vài giây rồi từ từ nhả ra, đi thẳng làn đường rồi mới ra hiệu rẽ vào lề để sửa.
Kẹt ga
Hiện tượng kẹt ga không thường xảy ra nhưng khi gặp trường hợp này, lái xe phải ngay lập tức chuyển số về N hoặc đạp chân côn để tách liên kết, triệt tiêu ảnh hưởng của ga đến chuẩn động của trục bánh xe; tìm cách dừng xe ngay nhưng phải đảm bảo không bị xe phía sau đâm. Trường hợp không thể đưa cần số về N, phương án cuối cùng là phải tắt động cơ

Mất lái
Mất lái hay tình trạng khó điều khiển được vô lăng khi xe đang chạy. Lúc này, lái xe cần nhanh chóng xi nhan, đỗ xe vào lề đường để kiểm tra dây đai của bơm dầu trợ lực tay lái có bị hỏng, đứt hay không. Trường hợp không thể điều khiển được vô lăng hãy bật cảnh báo nguy hiểm, giảm số, giảm ga bấm còi, ra hiệu bằng tay… và phanh xe lại.
Trượt bánh
Khi bị trượt bánh trước, lái xe nên phản ứng theo tuần tự là bỏ bàn đạp chân ga, không sử dụng phanh, không đánh lái, đợi cho tới khi bánh trước lấy lại lực bám là được
Khi bị trượt bánh sau, mọi chuyện có thể trở nên nguy hiểm hơn. Do đó, lái xe cần chủ động dự đoán được thời điểm bánh sau bị trượt và nhanh chóng trả lại một góc vừa đủ để lực bám có thể xuất hiện trở lại.
Mất phanh
Đây là sự cố nguy hiểm hàng đầu khi lái xe, dễ tạo sự hoảng loạn cho người lái, nhất là lái xe mới vào nghề. Lúc này, lái xe phải thực sự bình tĩnh, nhấp đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi đồng thời sử dụng phanh tay nhẹ nhàng, vận hành kỹ thuật giảm tốc độ bằng cách dồn số để ghì xe lại. Lưu ý, tuyệt đối không được tắt động cơ xe, như vậy sẽ khiến hệ thống trợ lực không hoạt động, lái xe sẽ không thể điều khiển xe.

Trường hợp xấu nhất phải dừng xe lại là cho xe va chạm với một vật cản nào đó, có thể bình tĩnh lựa chọn những vật cản mềm như bụi cây, vũng bùn… hoặc những vật cản cứng hơn như “con lươn”, vách đá… tuy nhiên, phải cố gắng để xe có góc tiếp xúc nhỏ nhất, tránh va chạm trực diện nguy hiểm tính mạng
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều các sự cố khác có thể xảy ra bất kì lúc nào trong lúc đang lái xe như xe tăng tốc đột ngột, cháy đèn pha, chạy lệch khỏi đường, xe dừng bất ngờ,…
Ms. Công nhân