“Lương cảm xúc” có phải giá trị hạnh phúc dành cho nhân viên?
14.05.2020 2168 vi.vothanh
MỤC LỤC
Nhiều người nghĩ rằng tiền là yếu tố quan trọng hàng đầu để các ứng viên lựa chọn công việc. Tuy nhiên, ngoài bảng lương, điều mà một số người quan tâm trong cuộc phỏng vấn còn là giá trị tinh thần họ nhận được. Vì vậy, để thích ứng với xu hướng lao động mới, các nhà tuyển dụng đã dần chú trọng đến “lương cảm xúc” như một cách thu hút và giữ chân nhân tài. Liệu rằng, “lương cảm xúc” sẽ nâng cao được giá trị hạnh phúc dành cho nhân viên hay còn mặt lợi nào khác?
“Lương cảm xúc” là gì?
Lương cảm xúc là một phần nằm trong gói chi lương của doanh nghiệp, nhằm bổ sung thêm giá trị cảm xúc và mang lại lợi ích tinh thần cao hơn cho nhân viên khi ký hợp đồng lao động. Thông thường, lương cảm xúc được cung cấp bằng hình thức tặng hiện vật hoặc các gói ưu đãi.
Thực ra, “lương cảm xúc” không phải là một khái niệm quá mới mẻ, nó là thành tố khá quen thuộc chỉ các giá trị về mặt tinh thần trong doanh nghiệp nhưng đến nay mới có một tên gọi cụ thể và phù hợp nhất. Mức lương cảm xúc thường được xây dựng dựa trên các yếu tố:
- Khả năng phát triển của nhân viên và sự nghiệp công ty.
- Các phương pháp hỗ trợ ngoài vật chất dành cho nhân viên và hiệu quả mang lại.
- Phúc lợi chăm sóc sức khỏe trong doanh nghiệp.
5 Kiểu “lương cảm xúc” điển hình trong chiến lược thu hút ứng viên
Trước đây, các doanh nghiệp thường tổ chức hoạt động giải trí đơn thuần hoặc khen thưởng cho nhân viên xuất sắc vào dịp cuối năm. Thế nhưng, những hình thức này dường như đã quá quen thuộc và không đủ lực hấp dẫn thu hút, giữ chân người lao động. Vì vậy, nhiều nhà tuyển dụng đã dần đổi mới, đề ra những gói “lương cảm xúc” đánh vào tâm lý nhân viên cần gì để tạo động lực làm việc cho họ. Một số kiểu “lương cảm xúc” hiện đang được xây dựng trên thị trường nhân sự phổ biến nhất là:
➤ Chương trình chăm sóc sức khỏe
Đây được xem là chương trình phổ biến nhất mà hầu hết các công ty đều áp dụng và nó cũng nằm một phần trong quy định bắt buộc. Thế nhưng, nếu chỉ khám sức khỏe định kỳ lại quá đỗi thông thường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức các khóa học, tư vấn sức khỏe sinh sản cho người lao động; cung cấp thẻ care với dịch vụ khám chữa bệnh ở mọi trung tâm y tế… Điều này vừa giúp công nhân viên bổ trợ kiến thức, vừa tạo cảm giác an tâm vì mọi dịch vụ chăm sóc đã có doanh nghiệp lo.
➤ Chế độ làm việc linh hoạt/ từ xa
Một trong những yếu tố được tìm kiếm nhiều nhất trong gói “lương cảm xúc” chính là quyền làm việc linh động của nhân viên. Cuộc sống bận rộn khiến họ bị áp lực về thời gian và luôn phải chạy đua với máy chấm công. Nếu doanh nghiệp đề ra một số đặc quyền để nhân viên về sớm hoặc đến muộn có lý do sẽ giúp họ giảm căng thẳng hơn.
Thậm chí, nhiều nhà máy, khu công nghiệp còn cho phép công nhân nữ được nghỉ ngơi đến tận 2 ngày/ tháng trong ngày đèn đỏ để tạo cảm giác thoải mái nhất cho họ. Tuy nhiên, quy định làm việc linh hoạt thường được áp dụng phổ biến nhất vẫn là ở khối văn phòng.
➤ Hỗ trợ phát triển cá nhân
Nỗ lực tài chính để đầu tư vào trình độ, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên là một bước đi thông minh của các nhà tuyển dụng. Lộ trình học tập, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, khóa học huấn luyện… sẽ thu hút rất nhiều ứng viên có tinh thần học hỏi, mong muốn gắn bó với doanh nghiệp. Đây là phương pháp đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài để tạo ra những giá trị lâu dài, kích thích tinh thần cầu tiến của nhân viên.
➤ Chế độ chăm sóc con nhỏ/ trợ cấp cho trẻ
Với các công nhân viên đã lập gia đình, điều họ bận tâm nhất có lẽ là con cái. Gói “lương cảm xúc” đánh vào tâm lý cha mẹ thực sự hữu dụng với họ. Khi một doanh nghiệp đưa ra các hỗ trợ, khen thưởng cho con em của công nhân viên sẽ được đánh giá rất cao. Đơn giản có thể là quà tặng chào mừng năm học mới, Tết Trung Thu hay dịp Quốc tế Thiếu nhi sẽ là động lực giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái.
➤ Tiện nghi giải trí/ quyền lợi hội viên
Kiểu “lương cảm xúc” tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp chính là mang lại giá trị tinh thần ở nhiều góc độ khác nhau. Việc xây dựng khu thể thao, phòng tập thể hình… đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng và mang lại hiệu quả. Điều này cũng phụ thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động của từng nơi. Hoặc có thể thay vì khai thác công trình giải trí thì một số nơi linh hoạt cung cấp phiếu mua hàng, mã ưu đãi cho công nhân viên, và kết quả là rất nhiều người cảm thấy phấn khích khi thấy mình được quan tâm nhiều hơn về mặt tinh thần.
Giá trị của lương cảm xúc trong công việc
Có thể thấy, “Lương cảm xúc” thực chất là một phần tài chính nằm trong quỹ lương dưới hình thức giá trị tinh thần dành cho nhân viên. Thế nhưng, khi áp dụng triệt để và đánh vào tâm lý người lao động, nó sẽ mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực:
- Tạo tâm lý thoải mái cho đội ngũ nhân viên: Khi được doanh nghiệp trả mức lương xứng đáng cả về vật chất lẫn tinh thần, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái, có động lực làm việc. Từ đó, hiệu quả và năng suất lao động sẽ tăng cao.
- Cân bằng công việc: Các giá trị tinh thần từ “lương cảm xúc” như chăm sóc sức khỏe, chế độ dành cho con nhỏ sẽ giúp họ tập trung làm việc và không còn phải quá bận tâm, lén lút cắt xén thời gian về với gia đình.
- Cơ hội để phát triển cá nhân và doanh nghiệp: Việc đào tạo, tổ chức các khóa học miễn phí giúp nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn và tất nhiên kết quả mang lại rất lớn.
“Lương cảm xúc” đâu chỉ là giá trị hạnh phúc dành cho nhân viên. Ở đó, doanh nghiệp còn nhận lại hàng ngàn lợi ích từ kinh tế cho đến thương hiệu. Đây cũng là chiến lược lâu dài để thu hút và giữ chân người tài. Là nhà quản trị có tâm, tại sao bạn không thử áp dụng?
Xem thêm: JD là gì? Viết JD như thế nào để thu hút ứng viên?
Ms. Công nhân