Siêu thị Nguyễn Kim bị kiện ra tòa vì “đuổi” người trái quy định
14.06.2018 9972 bientap
Giám đốc chi nhánh Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại Bình Dương đã kiện Công ty CP TM Nguyễn Kim ra tòa vì cho rằng công ty này đã buộc nhân viên bồi thường bất hợp lý và sa thải nhân sự không đúng quy định…
Siêu thị Nguyễn Kim bị kiện vì buộc nhân viên bồi thường bất hợp lý và sa thải lao động trái quy định
► Siêu thị mất tiền – buộc tất cả nhân viên đền tiền – “đuổi” Giám đốc chi nhánh
Sự việc xảy ra vào khuya ngày 26.5.2016, Trung tâm mua sắm tại Bình Dương bị mất trộm hơn 712,7 triệu đồng. Theo chia sẻ của ông N.D.T.C (Giám đốc chi nhánh), vào sáng ngày hôm sau, bà H. (Trưởng phòng kế toán chi nhánh) sau khi nhận bàn giao từ phòng ngân quỹ, khoảng 10 phút sau, đã nhờ một nhân viên kế toán khác qua mở két sắt đếm tiền thì phát hiện bị mất tiền.
Việc ký nhận bàn giao niêm phong ngân quỹ diễn ra vào tối 26.5 và sáng 27.5, bà H. và các nhân viên liên quan đã thực hiện việc ký nhận đầy đủ vào sổ theo dõi. Hiện sổ theo dõi này đang được cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương lưu giữ. Vụ án mất trộm đã được khởi tố, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là thủ phạm.
Mặc dù vụ việc chưa được điều tra rõ ràng và cũng chưa xác định được ai là thủ phạm, tuy nhiên điều bất hợp lý là Công ty CP TM Nguyễn Kim đã ra quyết định yêu cầu 19 lao động làm việc Trung tâm mua sắm phải bồi thường 100% số tiền đã mất, trong khi đã được bên bảo hiểm chi trả 50% số tiền đã mất (với gói Bảo hiểm rủi ro) – số còn lại sẽ được bồi hoàn khi có quyết định cuối cùng của cơ quan điều tra.
Quyết định yêu cầu bồi thường của Công ty Nguyễn Kim, các nhân viên sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trừ 30% lương tháng - Đến khi nào xác định được người ăn trộm thì mới hoàn trả tiền cho nhân viên
Trong danh sách bồi thường, riêng ông C. và bà H. được yêu cầu bồi thường 238 ,7 triệu đồng, các nhân viên còn lại tùy theo cấp bậc mà xác định mức bồi thường, ngay đến cả nhân viên điều phối kho vận cũng được yêu cầu bồi thường hơn 10 triệu đồng.
Việc vô lý chưa dừng lại ở đó, vì sự việc mất trộm này mà ông C. bị Công ty Nguyễn Kim ra quyết định sa thải với lý do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định trong việc điều chỉnh lương nhân viên của công ty. Việc giải quyết khoản bồi thường của ông C. được thực hiện bằng cách trừ vào các khoản lương, thưởng mà công ty chưa thanh toán. Được biết, ông C. được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh từ tháng 8.2013 theo thỏa thuận hợp đồng làm việc không thời hạn.
Quyết định sa thải Giám đốc chi nhánh của Công ty Nguyễn Kim
► Nhiều “khuất tất” nhập nhằng
Bị yêu cầu bồi thường bất hợp lý và sa thải trái quy định, ông C. đã kiện lên Tòa án nhân dân Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, yêu cầu công ty Nguyễn Kim phải bồi thường thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng, gồm tiền lương và các chế độ phúc lợi tính từ tháng 9.2016.
Trước đó, ông C. cũng đã nhiều lần làm đơn đề nghị Ban lãnh đạo công ty Nguyễn Kim thu hồi các quyết định trên nhưng không có kết quả.
Theo ông C., sau khi sự việc mất trộm xảy ra, công ty này đã thành lập ban điều tra nội bộ với 4 thành viên, tuy nhiên trong đó có bà V.T.M – Giám sát tài chính, người này lại chính là “chị dâu” của bà H. (Trưởng phòng kế toán) – cho nên quá trình điều tra sẽ thiếu đi tính khách quan. “Điều khó hiểu là ban điều tra này đã soạn thảo một bản báo cáo với nhiều nội dung suy diễn – quy kết trách nhiệm cho 19 lao động đang làm việc cho chi nhánh tại Bình Dương, và ra quyết định sa thải tôi, trong khi người chịu trách nhiệm quản lý tiền là bà H. thì ngoài việc đền tiền, không chịu bất cứ một hình thức kỷ luật nào.” – ông C. bức xúc.
Sau khi ông C. gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra lao động TP.HCM, cơ quan này đã tiến hành điều tra xác minh và kết luận:
- Công ty Nguyễn Kim không tổ chức bất kỳ cuộc họp xử lý vật chất, xử lý kỷ luật nào đối với ông C. , không có biên bản xử lý kỷ luật, không có đại diện công đoàn, không chứng minh được lỗi của người vi phạm nhưng lại ra bồi thường và sa thải là không đúng pháp luật.
- Công ty yêu cầu 19 lao động bồi thường tổng số tiền bị mất trộm nhưng không thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định.
- Về thẩm quyền ký các quyết định trên, ông Warren Richard Hodder là Tổng Giám đốc điều hành – người được ủy quyền điều hành – không phải là người sử dụng lao động nên không có thẩm quyền ký quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại hay sa thải.
Rõ ràng sự việc này có nhiều điểm bất hợp lý, rất cần sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan điều tra sớm đưa “sự thật” ra ánh sáng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động…
Ms. Công nhân
(Theo thông tin Báo Người Tiêu Dùng)