Tại sao công nhân bất chấp phạm luật để tháo chạy về quê?
16.08.2021 8789 hongthuy95
Hẳn nhiều người buông lời chửi rủa hàng nghìn công nhân, lao động xa quê ở miền Nam rủ nhau “tháo chạy” cuối tuần qua. Ai cũng cho rằng như thế là mang dịch ra cộng đồng, mang dịch về quê trong khi Luật quy định “ai ở đâu ở yên đấy” theo Chỉ thị 16. Đúng là họ sai lý nhưng liệu sâu xa trong câu chuyện có thiếu tình?
Ngay khi những bài viết đầu tiên được đăng tải kèm bức ảnh hàng nghìn người vây quanh cán bộ đứng chốt như để “biểu tình”: “chúng tôi muốn rời thành phố về quê!”, “ở lại chỉ để chờ chết, không vì dịch cũng vì đói”… thay vì hòa vào số đông phẫn nộ, tác giả (Ms. Công nhân) có chút do dự. Bởi nếu cạn nghĩ, bộc phát sao lại rủ nhau lũ lượt hàng trăm xe 2 bánh cùng về - sao lại đồng lòng đòi vượt chốt để ra khỏi thành phố dẫu biết rõ đường về xa vạn dặm và nguy cơ nhiễm bệnh hay lây dịch cho người thân là vô cùng lớn??? Phải chăng, họ có nỗi khổ, sự khó khăn chưa được tỏ tường…
[Ở góc nhìn chủ quan, xin được chia sẻ đôi điều, đứng ở hoàn cảnh là một người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều tháng qua tại Sài Gòn; chưa bàn đến đúng - sai về mặt pháp luật]
TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng để dập dịch
Là một trong những điểm nóng, ổ dịch lớn nhất nước ở thời điểm hiện tại khi mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm, người dân sinh sống tại TP.HCM những ngày qua rơi vào khủng hoảng: cả tài chính, sức khỏe lẫn niềm tin. Vốn là nơi bám víu, mưu sinh của đông đảo lao động, Sài Gòn mấy tháng nay “bệnh nặng” nên liên tục ra công văn giãn cách toàn thành phố, yêu cầu người dân hạn chế ra đường để truy vết F0, chặn dịch. Điều này gây khó khăn cho người lao động, nhất là đối tượng vốn “ăn bữa nay, lo bữa mai”, kinh tế eo hẹp. Dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm, giảm lương, đói khổ nhiều tháng qua dần bất an, kiệt quệ.
Trong khi chính quyền cho hay đã, đang và sẽ nỗ lực hỗ trợ người dân toàn thành phố về nhu yếu phẩm, lương thực, tiền mặt nhưng hỏi ra mới biết “kẻ có người không”. Không việc làm, không thu nhập, không chỗ ở, TP.HCM giờ tràn ngập cảnh “người vô gia cư” sống vạ vật, ngủ tạm ở mé hiên, trước cửa tiệm và sống nhờ vào phần quà hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện qua ngày. Có người không chịu nỗi mà bất chấp rủ nhau trốn chạy về quê.
Đã cố nhiều tháng qua, giờ khổ quá nên làm liều
Tại chốt kiểm dịch, hỏi nhanh một anh trung niên lý do vì sao bất chấp phạm luật để xin được về quê, anh nghẹn ngào bảo: “vì khổ quá, đói quá, lại không còn nơi để quay lại nên liều một phen. Về quê dẫu chưa có việc làm ngay nhưng còn gia đình ở bên cũng an ủi phần nào.” Tìm hiểu thêm mới hay, công nhân khó khăn trăm bề. Một hoặc một số trong hàng chục lý do đẩy dân lao động ngoại tỉnh tháo chạy có thể là:
+ Thất nghiệp
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM buộc đóng cửa nếu không đủ điều kiện triển khai mô hình “3 tại chỗ”. Hàng nghìn công nhân vì thế mà mất việc.
“Vào Sài Gòn lập nghiệp đến nay đã 10 năm có lẻ, cũng đổi qua nhiều nghề nhưng chưa từng nghĩ có ngày phải nằm nhà chưa biết kiếm tiền đâu ra để sống tiếp. Dù làm công nhân ở nhà máy chế biến thủy sản nhưng nếu tăng ca thường xuyên, đi làm chuyên cần thì mỗi tháng lương có xấp xỉ 10 triệu, sống được và đủ dư một ít. Không may, thành phố có dịch, công ty ngừng sản xuất, công nhân chúng tôi không có việc. Thế là lương không có…” - anh Mười, ngồi trước cửa phòng trọ đăm chiêu.
+ Không tiền chi tiêu
Việc không còn thì tiền đâu có nhận để chi tiêu. Hoặc có thì cũng bị giảm ngày công, giảm lương, giảm thu nhập. Số khác lấy tạm tiền tiết kiệm sống đỡ vì tin rằng dịch sẽ nhanh qua, rồi mình sẽ ráng cày cuốc nhiều hơn để có tiền dư bù vào khoản đó. Ấy vậy mà, mong muốn đó chưa thành. Tiền ngày càng vơi đi, việc thì không tìm được…
+ Không nơi ở tạm
Anh Dương và vợ là chị An cùng làm công nhân may tại xí nghiệp ở Quận 8, vì dịch nên phải nghỉ việc ở nhà 3 tháng nay. "Tháng đầu còn xoay xở được phần nào, vợ chồng rau cháo, mì tôm sống tạm qua ngày. Nhưng sang giữa tháng thứ 2 thì bắt đầu túng thiếu, vì tiền lương dành dụm trước đó đã tiêu gần hết, gạo giờ còn khoảng vài lon, mì tôm vài gói, trứng vài quả, cầm cự lâu lắm cũng chỉ đến hết tháng. May mắn có vài nhóm thiện nguyện gửi tặng quà nhưng cứ “ăn bữa nay, lo bữa mai” mãi. Đỉnh điểm là tuần rồi, chủ trọ tìm đến đòi tiền trọ, mình xin khất thêm tháng nữa, đợi đi làm lại, có lương sẽ trả đủ nhưng họ không cho, buộc trả ngay mới được ở tiếp. Kì kèo qua lại không được, vợ chồng bất lực trả trọ, khăn gói chất vali lên xe ra vỉa hè sống tạm đến ngày thứ 6 thì hay tin có mấy anh chị đồng hương cùng cảnh ngộ rủ nhau chạy xe máy về quê nên hẹn đến điểm tập kết rồi chạy về thì gặp chốt chặn…"
+ Sợ dịch
Mọi người dân tại Sài thành những ngày qua đã thôi chủ quan rằng “dịch ở đâu chứ không lây đến mình”. Bởi, bất kể ở chỗ nào cũng có thể tồn tại F0. Toàn thành phố hiện phát hiện 28 ổ dịch với số ca nhiễm mới lên đến hàng nghìn mỗi ngày. Vậy nên, ai cũng sợ dịch. Cả đi làm theo phương án “3 tại chỗ” hay tuân thủ 5K, thậm chí ở trọ cũng lo sợ. Nhiều người vì thế mà tìm cách về quê. Tuy nhiên, qua các chuyến xe “giải cứu”, người may mắn có tên trong danh sách, cũng có kẻ không may ở lại trong cảnh khốn cùng, bất lực.
Và còn nhiều lý do vô hình, kèm nỗi lo thiếu thốn đủ bề chực chờ ập đến khiến lao động xa quê phập phồng lo sợ…
Trốn chạy về quê: Sai đó nhưng Đau nhiều
Rõ ràng, việc người ngoại tỉnh tự phát bỏ nơi cư trú, vượt chốt về quê là vi phạm quy định phòng chống dịch của thành phố. Họ sai vì không chịu “ở yên tại chỗ” theo chỉ thị 16. Nhưng ở lại thì… khổ - khó - khóc không ai hay.
“Tôi dân gốc Sài Gòn trong 3 tháng nay cũng hao mòn tới những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng, hên là may mắn không phải ở nhà hay phòng thuê, nhưng giờ cũng phải mượn nợ để sống qua ngày chứ đừng nói đến những người dân xa quê đến đây thuê trọ mưu sinh. Phải đến mức chịu hết nỗi họ mới đèo nhau cả gia đình vượt hàng ngàn cây số trên chiếc xe máy cũ về quê, vừa mất an toàn, lại khổ cực…” - một người bình luận dưới hình ảnh hàng nghìn người bị chặn lại tại chốt kiểm dịch của thành phố.
Chưa vội phê phán hay nặng lời, không ít người bày tỏ sự cảm thông. Họ đau và thương trước khó khăn của dân lao động. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của họ sẽ hiểu, vì sao biết rõ mình phạm luật nhưng vẫn cố liều. Họ hẳn đã cố báu víu vào một chút hy vọng, rằng có người trực chốt rũ lòng thương mà nhắm mắt cho qua, mở ra cho họ một hy vọng "sống". Nhưng ai dám cho cơ chứ?
Có người còn bảo dẫu có bắt nộp phạt thì cũng đành chịu, trong người họ chỉ còn vỏn vẹn vài trăm làm lộ phí đi đường.
Còn bắt quay lại thì sao? - Không còn chỗ để về. Nhà trọ đã trả, thuê lại cũng không có tiền thuê. Rồi thuê được thì tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền sữa tã… lấy đâu ra?
Tiền hỗ trợ ư? Kẻ có người không.
Rồi tiền nợ ngân hàng chi tiêu tạm trước đó, lấy gì trả?
… vô vàn khó khăn cứ thế bủa vây công nhân nghèo.
Dẫu biết có người này người kia. Tồn tại những công nhân tiêu xài hoang phí, làm bao nhiêu ăn tiêu, nhậu nhẹt, sắm sửa bấy nhiêu thay vì tiết kiệm; để đến khi khó khăn không có tiền xoay xở. Nhưng thực tế, phần đa lao động phổ thông chịu thương chịu khó, ráng làm nhưng vẫn thiếu ăn. Bởi hàng tháng họ chi rất nhiều khoản trong khi lương nhận được không quá cao. Có dư cũng chỉ để ra một ít rồi gửi về quê phụ ông bà, mua sắm đồ cho con hay lo thuốc thang lúc đau ốm… Vậy nên, vốn dĩ, họ làm chỉ đủ sống, hoặc tiết kiệm cũng không được nhiều nên khi dịch bệnh đến bất ngờ rồi kéo dài, nhiều người trụ không nỗi...
Được biết, lãnh đạo thành phố đã hướng dẫn người dân quay về nơi ở, tuân thủ quy định giãn cách. Số người đã trả trọ, không nơi lưu trú được đưa về ở tạm tại trụ sở, đợi chỉ đạo. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời để giải tán đám đông…
Theo dõi nhanh cảnh ùn ứ khi hàng nghìn lao động xa quê tháo chạy và lời vận động, kêu gọi quay đầu của chính quyền địa phương:
Ms. Công nhân