Thợ hàn và những mối nguy bệnh tật
28.07.2023 1238 hongthuy95
Gần như mọi ngành nghề đều tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Nghề thợ hàn nhìn thôi đã thấy quá nhiều mối nguy, nguy hại trực tiếp, thậm chí ngay lập tức đến sức khỏe, sức khỏe sinh sản và cả tính mạng người thợ.
Những mối nguy bệnh tật không mong muốn
Tính chất công việc khiến thợ hàn phải tiếp xúc với hơi khói cùng các loại khí khá độc hại mỗi ngày. Điều này về lâu dài sẽ có thể làm nguy hại đến sức khỏe của họ, gây nên một số bệnh về hô hấp, các triệu chứng liên quan đến đường ruột - tiêu hóa, bệnh về da, thậm chí bị ảnh hưởng đến thần kinh và sinh sản.
Cụ thể, khói hàn (hỗn hợp của các hạt rất nhỏ (hơi) cùng các khí độc hại) khiến người thường xuyên hít phải mắc viêm phế quản, viêm khí quản, viêm phổi, hen suyễn, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, tá tràng; nghiêm trọng hơn có thể tạo ra nguy cơ bị phù phổi, ung thư phổi, ung thư đường tiết niệu, thanh quản hay gây tổn hại đến hệ thần kinh.
Thêm nữa, theo nghiên cứu cho thấy, khói này có thể chứa crom, mangan, niken, các chất gây ung thư nghề nghiệp tiềm năng, đe dọa tính mạng. Tiếp xúc mãn tính với mangan còn có thể gây bệnh Parkinson (một căn bệnh thần kinh ở người lớn tuổi), xuất hiện tình trạng phản xạ kém, giảm khả năng vận động, rối loạn dáng đi... rồi trầm cảm nhanh chóng, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn đường thở, nuốt, táo bón, mất trí nhớ và trục trặc đường sinh sản.
Ngoài ra, ghi nhận thêm, khói hàn còn có thể gây kích ứng mắt, mũi, ngực, gây nên các bệnh lý nghiêm trọng khác. Cùng với đó là những tai nạn không mong muốn như giật điện, bỏng, tổn thương mắt, đứt tay/chân/da… khi đang làm việc.
Làm gì để giảm nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho thợ hàn?
Theo đánh giá, những mối nguy hiểm về sức khỏe trên đây cho thợ hàn phụ thuộc vào các loại vật liệu hàn dễ bị biến đổi thành chất độc hại khi tiếp xúc với nhiệt độ cao - môi trường làm việc trong khu vực không trang bị hệ thống thông gió thích hợp của thợ hàn khiến rủi ro bệnh tật tăng cao. Tuy nhiên, cần tìm ra giải pháp phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ bệnh nghề nghiệp quan trọng, đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho thợ hàn.
Cụ thể, thợ hàn cần tuân thủ:
- Không tiến hành hàn tại các địa điểm gần chất tẩy, sơn, dầu mỡ hay hóa chất. Bởi nhiệt độ cao và tia hồ quang sẽ có thể phản ứng với hơi tạo ra khí hàn rất độc hại
- Không hàn trên các kim loại tráng, như mạ kẽm, thép mạ, chì, cadmium. Vì mọi lớp phủ hay bất kỳ kim loại nào có chứa các yếu tố đó đều có thể sản sinh ra khói độc hại khi hàn. Trường hợp bắt buộc phải làm việc thì cần đảm bảo khu vực hàn được thông gió tốt, bản thân được trang bị khẩu trang chống độc chuyên dụng, đạt chuẩn.
- Đảm bảo khu vực hàn được trang bị hệ thống thông gió và thoát khí đầy đủ; được làm sạch và duy trì hoạt động thường xuyên
- Sử dụng điện cực hàn, chất hàn ít gây độc hại
- Sử dụng cả thiết bị hô hấp chuyên dụng để hỗ trợ, giảm thiểu lượng khói và khí độc hít vào
- Trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng cho thợ hàn, gồm: quần áo bảo hộ, găng tay bảo hộ, miếng đệm nóng, mũ bảo hộ có kính che mặt, khẩu trang bảo hộ…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ là bắt buộc
- Trang bị tài liệu an toàn (MSDS), xem xét và đánh giá điều kiện môi trường hàn để đảm bảo các quá trình an toàn hàn được thực hiện đúng và đủ
- Tuân thủ các quy định về an toàn hàn trong quá trình làm việc
- Tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức lẫn biện pháp an toàn hàn
Nghề hàn tiềm ẩn rủi ro bệnh tật cao. Thợ hàn tiếp xúc với các mối nguy hiểm mỗi ngày. Do đó, nắm rõ nguy cơ và tác nhân có thể gây ra bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn hàn để giảm thiểu nguy cơ nguy hiểm cho bản thân là cần thiết.
Ms. Công nhân