Thu nhập thấp, công nhân có nên về quê ăn Tết?
08.12.2024 2768 vi.vothanh
“Thu nhập thấp, năm nào vợ chồng tôi cũng phải bấm bụng dành tiền về quê ăn Tết. Dần dần, Tết trở thành nỗi ám ảnh trong tôi”...
Làm lụng vất vả cả năm, ai mà chẳng muốn đoàn viên cùng gia đình đêm Giao thừa. Thế nhưng, nhiều lao động xa quê luôn trăn trở: “Năm nay có nên về nhà ăn Tết không”? Bởi đâu phải chỉ mỗi chuyện tàu xe, còn biết bao nhiêu thứ cần lo nghĩ. Vì vậy nhiều người cho rằng: “Tài chính hạn hẹp thì đừng bất chấp mọi thứ để về quê". Đặt mình vào vị trí đó, bạn sẽ quyết định như thế nào?
Thu nhập thấp, đừng nhất thiết phải về quê ăn Tết
Với nhiều người, quan điểm của họ là nếu thu nhập thấp, không nên cố gắng vắt hết kinh phí về quê dịp Tết. Để rồi, năm nào cũng như năm đó, chúng ta cứ phải luẩn quẩn trong vòng xoáy tiền bạc.
Thứ nhất, một lần nghỉ Tết là trăm chuyện phải lo: Tàu xe, quà cáp cho ông bà, cúng giỗ, hội họp, lì xì... Mọi thứ vị chi cũng hết mười mấy triệu cho hai vợ chồng. Số tiền đó nếu làm công nhân, phải tích lũy, dành dụm cả năm trời mới có được. Vậy thì, tại sao không ở lại thành phố, hết Tết, tàu xe xuống giá, chi phí đỡ đắt đỏ rồi hẳn về thăm gia đình? Nếu mình thật tâm, việc thăm hỏi ông bà dịp nào họ cũng đều vui. Hơn nữa, ở lại ngày Tết, tìm được công việc làm thêm phù hợp, ta cũng có thể kiếm được vài triệu vì tiền lương gấp 3-4 lần ngày thường, chắc chắn sẽ giúp trang trải rất nhiều chi phí trong năm mới.
Thứ hai, nhiều người cho rằng, trong thời đại công nghệ số, chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể thấy mặt cả nhà. Sáng mùng 1, gọi điện chúc Tết bố mẹ được rồi, đến kỳ nghỉ hè đưa con cái về chơi với ông bà cũng chẳng sao. Đừng nên đặt nặng quá vấn đề năm mới phải thăm quê. Còn rất nhiều thời điểm để chúng ta trở về mà vẫn tiết kiệm được chi phí.
Thứ ba, làm ăn cả năm, dành dụm được mười mấy triệu nhưng số tiền đó về quê tiêu Tết đã đủ chưa? Nếu người có thu nhập cao chắc chắn không sao, nhưng với người lương tháng không ổn định như công nhân, đặc biệt là vợ chồng trẻ, chẳng biết đón mấy cái Tết mới tích lũy được tiền xây nhà. Còn trẻ phải biết tính toán, có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, đến lúc nào mới ngẩng đầu lên nổi với thiên hạ? Chưa kể tình hình an ninh ngày Tết rất phức tạp, tàu xe không an toàn, rất dễ xảy ra trộm cắp, tai nạn, lúc đó, đã nghèo lại càng khốn khó hơn.
Khi được hỏi tại sao 3 năm rồi không về quê đón Tết, anh Văn Tính, công nhân KCN Sóng Thần chia sẻ: “Ai mà chẳng muốn đoàn tụ ngày Tết, nhưng đã rời quê lên thành phố mưu sinh, phải tập suy nghĩ, sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan. Tôi dành dụm cả năm chỉ mong mai kia có vốn về quê lập nghiệp, lúc ấy đón Tết cùng gia đình cũng thoải mái hơn”.
Phải chăng, mọi người đã dần thay đổi suy nghĩ “Tết đến phải đoàn tụ cùng gia đình”. Thay vào đó, tranh thủ thời gian, tích lũy tiền bạc, lo làm ăn để tương lai có một cuộc sống ấm êm mới là đích đến thật sự?
Có quê, sao phải ở lại thành phố ngày Tết?
Ngược lại với ý kiến trên, nhiều người cho rằng: “Có quê hương, sao phải ở lại thành phố, dù nghèo hay giàu cũng nên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đó là phong tục, là văn hóa”.
Anh Hải Phong, một công nhân nhiều năm làm việc ở Sài Gòn tâm sự: “Tôi chấp nhận cày cuốc 12 tháng, tiết kiệm tiền để về quê ăn Tết. Trong khi nhà nhà quây quần bên bếp lửa đêm giao thừa, mình lại lủi thủi nơi góc trọ chật hẹp, có phải tủi thân lắm không? Thà cố gắng dành dụm, chắt chiu rồi về quê đón Tết cùng ba mẹ, được gì ăn đó nhưng vẫn vui vẻ hơn nhiều”.
Có thể, chúng ta còn rất nhiều dịp để trở về sum họp. Nhưng liệu rằng không khí đoàn tụ đó sẽ ấm áp, thiêng liêng bằng giây phút đêm giao thừa? Nếu vậy, Tết để làm gì? Chỉ đến Tết, chúng ta mới được gặp gỡ họ hàng, bạn bè đông đủ. Đồng ý rằng ba mẹ sẽ thông cảm cho con cái nếu không về thăm quê nhưng trong tâm họ vẫn mong ngóng chúng ta từng phút, từng giây.
“Cha mẹ, ông bà rồi cũng già đi, còn nhiều cơ hội đoàn tụ nhưng số lần ấy đếm được bao nhiêu trên đầu ngón tay. Liệu mai này khi sung sướng, lúc trở về họ có còn đủ sức để đợi chúng ta nữa? Cày cuốc nhiều năm không đổi thay, vậy “chạy trốn” một cái Tết sẽ khiến cả đời này giàu lên chăng” - Anh Thọ, công nhân tại KCN Bình Dương bùi ngùi tâm sự.
Tiếp nối quan điểm của Anh Thọ, chị Thu, cũng là công nhân xa nhà chia sẻ: “Chỉ có người rời bỏ quê hương để tìm kiếm những điều tốt đẹp chứ quê hương chẳng bao giờ bỏ người. Khi không muốn, người ta sẽ tìm cớ để lảng tránh. Nếu thực sự hướng về gia đình, cả năm làm ăn trích lại phần ít rồi đi tàu xe, về quê ăn mắm, đón Tết, chẳng ai dám chê cười”...
Dường như, với những người lao động xa nhà, giá trị của bữa cơm ngày Tết rất quan trọng. Vậy nên, không hẳn phải đợi đến lúc thật nhiều tiền mới về quê ăn Tết...
Nói ra mới thấy, “Tết” trong lòng của mỗi người thật khác biệt. Ai cũng mong muốn sẽ trở về đón Giao thừa, nhưng làm được như lời hứa hay không lại là chuyện khác. Đối với người này, Tết thật xa xỉ, nhưng với người kia, dù không có gì trong tay, cũng phải cố gắng để gia đình đoàn tụ. Suy cho cùng, tùy vào hoàn cảnh, khả năng kinh tế mà mỗi người quyết định nên về hay ở lại. Vốn dĩ, cuộc sống khấm khá hơn, chẳng ai phải lo nghĩ, đắn đo lựa chọn cho mệt thân.
Nếu vì kinh tế hạn hẹp không thể về quê, sang năm hãy cố gắng tìm kiếm một công việc tốt hơn để trang trải chi phí. Nếu vẫn còn phân vân chưa biết lựa chọn thế nào, có thể tìm hiểu thêm Danh sách các nhà tài trợ tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết 2025 và 7 Bí quyết chi tiêu tiết kiệm cho ngày Tết công nhân cần biết để giảm tải được phần nào áp lực tài chính.
Tết đoàn viên, chắc hẳn luôn là mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, cần căn cứ vào điều kiện thực tế để ra quyết định phù hợp và đúng đắn nhất. Đừng vì sĩ diện hay sợ mất lòng thiên hạ mà vay mượn để về, nếu khả năng thật sự không tốt. Nhưng, nếu có thể, hãy tích góp dần dần, mỗi tháng một ít, để đến cuối năm, dư ra một khoản vừa đủ về nhà sum vầy với gia đình, bạn nhé!
Hi vọng, năm sau, câu hỏi “Có nên về quê ăn Tết” sẽ không còn là nỗi trăn trở của bất kể người lao động nào, dù thu nhập không mấy cao.
Vũ Vi