Trả lương cao nhưng không tìm được thợ lò, doanh nghiệp than lên tận Tây Bắc tuyển người
29.09.2017 3520 bientap
Trước thực tế thợ lò bỏ việc nhiều như hiện nay, các doanh nghiệp khai thác than đang rơi vào tình cảnh thiếu thợ lò trầm trọng. Mặc dù trả lương cao, nhiều chế độ tốt nhưng các doanh nghiệp rất khó tìm được thợ lò, thậm chí các công ty than phải lên tận Tây Bắc để tuyển dụng. Lại là một “tiếng than từ vùng than”…
Cách đây khoảng 10 năm, người lao động muốn trở thành thợ mỏ khai thác than không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng hiện nay, các công ty thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải cử người đi khắp nơi để tìm kiếm, mời chào thanh niên đi làm việc với chế ngộ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, cùng với đó, số lượng thợ lò cứ “rụng dần”, có thời điểm số lượng tuyển vào và bỏ việc là ngang nhau.
Câu chuyện thợ lò bỏ việc và doanh nghiệp than khó khăn trong tuyển dụng đã xảy ra từ vài năm trước nhưng đến nay đang rơi vào tình trạng báo động. Nếu như cả năm 2016 có 1.121 thợ lò bỏ việc thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã lên đến 1.136 thợ. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế số lượng thợ lò bỏ việc mỗi năm còn lớn hơn. Nguyên nhân của điều này là do các mỏ lộ thiên đã cạn kiệt nên các doanh nghiệp phải tiến hành khai thác sâu vào lòng đất – khiến công việc của người thợ lò ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Bạn muốn xem thêm: Danh sách các Nhà Máy Lớn tuyển dụng công nhân
“Năm 2016, công ty chúng tôi có 423 thợ lò nghỉ việc, trong đó chỉ có vài chục trường hợp là nghỉ hưu, phần đông còn lại là bỏ việc. Trong 8 tháng đầu năm nay đã có đến 334 trường hợp lao động bỏ việc trong khi số lượng tuyển thêm mới chỉ là 120 thợ lò. Chúng tôi có điều kiện tốt hơn các doanh nghiệp khác nhưng số lao động bỏ việc đã lớn như vậy thì các đơn vị khác thậm chí có thể rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn” – đại diện Công đoàn Công ty than Hà Lầm cho biết.
Được biết, mỗi năm các công ty than thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cần phải tuyển từ 3.500 – 4.000 thợ lò thì mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Vũ Văn Thịnh – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm (thuộc trường Cao đẳng nghề than TKV) – đơn vị cung cấp lao động chủ lực cho các công ty than thì “để tìm được người chúng tôi phải trèo đèo, lội suối để tìm học viên”.
Mỗi tháng, các nhóm cán bộ - nhân viên của trường Cao đẳng nghề than TKV phải thực hiện 2 – 3 đợt công tác dài ngày lên các tỉnh Tây Bắc hay vào vùng Quảng Bình, Quảng Trị… để tuyển học viên. Vì thế mà số lượng học viên người dân tộc thiểu số ngày càng chiếm số lượng áp đảo.
Nếu như năm 2013, lượng học viên người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 20% thì đến nay con số này đã lên đến 50%. Ngược lại, lượng học viên khu vực đồng bằng Bắc Bộ giảm xuống còn 30%. Những địa phương mà trước đây các công ty than chưa bao giờ nghĩ tới như: Mù Căng Chải (Yên Bái), Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì – Mèo Vạc – Đồng Văn (Hà Giang)… giờ đây lại chính là nguồn cung cấp thợ lò cho các nhà tuyển dụng.
Dù được đào tạo miễn phí, nuôi ăn ở trong suốt quá trình học và đảm bảo có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng cùng với nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng việc thuyết phục thanh niên tại những địa phương này chịu ghi danh và chấp nhận đi học không phải là điều dễ dàng.
Không hiếm những trường hợp học viên mới học vài ngày thì đòi bỏ về… lấy vợ, hay đang thực tập thì “chuồn mất” vì sợ… lò. Thanh niên người dân tộc thường có sức khỏe tốt, làm việc chăm chỉ và khuynh hướng “cộng đồng” nên nếu vài người bỏ về là cả đoàn đòi về theo.
“Nếu thợ lò vùng nào bỏ việc nhiều thì rất khó quay lại địa phương đó để tuyển sinh vì người lao động sẽ truyền tai nhau về sự cực khổ, nguy hiểm của nghề dù biết là đồng lương cao. Theo cam kết trong hợp đồng, học viên – thợ lò bỏ việc phải bồi hoàn chi phí đào tạo, ăn ở nhưng phần đông họ đều nghèo thì lấy gì bồi thường. Hơn nữa điều này lại gây tiếng xấu cho doanh nghiệp, khiến khó tuyển dụng hơn.” – lãnh đạo một công ty than ở Quảng Ninh cho biết.
Nhằm giải quyết khó khăn này, sắp tới, công ty CP than Núi Béo dự định sẽ mở lớp tuận huấn về phong tục, tập quán, văn hóa của các người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc cho cán bộ của công ty để giữ chân thợ lò…
Ms.Công nhân