5 kiểu lừa đảo việc làm phổ biến nhất công nhân cần biết
14.11.2017 5823 hongthuy95
Bởi sự nhẹ dạ cả tin, sự thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết thực tế cùng mong muốn tìm việc hoặc tìm thêm việc kiếm thu nhập trang trải cuộc sống mà nhiều người lao động (NLĐ), nhất là công nhân đã mắc bẫy kẻ lừa đảo bởi những chiêu trò “câu dụ” tinh vi, được lên kế hoạch tỷ mỹ, rõ ràng.
Tuyencongnhan.vn xin cập nhật 5 kiểu lừa đảo việc làm phổ biến nhất thời gian gần đây để bạn cảnh giác.
Đa cấp
Thực ra, Đa cấp là một loại hình kinh doanh tốt khá phổ biến tại các nước phát triển. Tuy nhiên khi về Việt Nam bỗng dưng bị biến tướng. Nó trở thành ví dụ điển hình nhất về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của “loại hình” lừa đảo này là những người nội trợ, mẹ bỉm sữa, công nhân lao động, sinh viên,…họ mong muốn tìm kiếm công việc làm lúc rãnh rỗi, hoặc kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Sẽ là những tin tuyển dụng hot nhất, những lời giới thiệu có cánh nhất từ người thân, bạn bè đến những kẻ xa lạ. Chúng dùng lời lẽ rất thuyết phục, vẽ ra một tương lai phát triển vô cùng sáng sủa, nhanh chóng khiến không ít người “hoa mắt” gật đầu làm theo. Các kiểu lừa đảo của nó thường là: bắt nhân viên mới đóng phí khi tham gia hoặc buộc mua hàng mới được ký hợp đồng; cam kết chỉ cần mua một lần sẽ được nhận tiền mãi mãi; sản phẩm không có hoặc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; muốn lương cao và thăng cấp thì phải “chiêu dụ” thêm càng nhiều người vào công ty càng tốt,…Kết quả là không ít người chấp nhận bỏ ra số tiền lên đến vài tỷ đồng chỉ để “bỏ 1 lời 10” như lời chúng nói.
Lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ)
Tuyencongnhan.vn đã có một số bài đưa tin về những cảnh báo NLĐ cần biết để tránh bị lừa đảo XKLĐ. Ngoài những website lừa đảo đăng tin tuyển các đợt XKLĐ thường thấy như Congtyxklduytin.com, xuatkhaulaodongnhat.vn, agent.com.vn,…một số NLĐ còn bị lừa bởi những người quen là “Việt kiều” Mỹ, Canada, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,…Để được tuyển dụng, NLĐ chỉ cần trong độ tuổi 18 đến 45, có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh hoặc tiếng địa phương nơi xuất khẩu là sẽ được tuyển dụng sang đó làm việc ở nhiều ngành nghề như: lao động phổ thông, nhân viên bếp, may, mộc, cơ khí… Ngoài ra, yêu cầu hồ sơ, thủ tục cũng khá đơn giản với: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp trung học, ảnh và 2 triệu tiền đặt cọc. Chính chiêu bài “chi phí thấp, lương cao, xuất cảnh nhanh” của các công ty giả mạo đã thu hút rất nhiều ứng viên. Kết quả là việc làm chẳng thấy đâu, ngược lại, NLĐ còn bị mất không dưới 10 triệu đồng.
Tham khảo thêm: Người lao động cần cảnh giác với thông tin tuyển dụng sang Singapore làm việc
Tuyển dụng công việc nhàn hạ lương cao
Những công việc đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, không cần bằng cấp như trông rạp chiếu phim, bán xăng, việc làm tại nhà,…nhưng có mức lương 5.000.000 đồng/tháng là tin hot thu hút đông đảo ứng viên tham gia. Thông thường, những tin tuyển dụng như thế này được đăng trên các trang việc làm (Viecchoban.com, Rao vặt, facebook,…) hoặc các tờ rơi,…Tuy nhiên, đa phần những người đồng ý thỏa thuận lại rơi vào công nhân, những người dân vùng sâu, vùng xa, thiếu kiến thức, trình độ dân trí thấp,…có nguyện vọng tìm việc làm để trang trải cuộc sống. Với chiêu trò đăng tin tuyển dụng trả lương cao hậu hĩnh, nhiều công nhân đã “sập bẫy” của kẻ lừa đảo. Kết quả là sau cả tháng làm quần quật, đến ngày nhận lương, công nhân hoặc được trả lương rẻ mạt, hoặc không biết người thuê mình đang ở đâu. Khi đó, họ mới biết mình bị lừa.
Thu phí “giữ hồ sơ”, phí giới thiệu việc làm
Sau mỗi buổi phỏng vấn, một số công ty yêu cầu ứng viên nộp lại một khoản phí từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn và cho biết đây là phí “giữ hồ sơ”, phí giới thiệu việc làm (phí môi giới). Nhiều người vì nghĩ công việc đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, chỉ việc nộp một số tiền “nhỏ” thì sẽ có việc ngay nên thuận theo sắp đặt, nói bao nhiêu nộp luôn bấy nhiêu. Tiếp đến, chúng sẽ móc nối thêm các công ty khác để tiếp tục đưa NLĐ vào bẫy và phải nộp thêm nhiều khoản tiền nữa. Cuối cùng, khi “con mồi” đã nộp đủ tiền, chúng sẽ dùng mọi lý do để đánh trượt; hoặc gây khó dễ, đe dọa để NLĐ từ bỏ.
Tuyển dụng một việc – vào làm một việc khác
Nhập liệu là ví dụ điển hình nhất của kiểu lừa đảo này. “Thấy thông tin đăng tuyển nhân viên nhập liệu với yêu cầu không cao, công việc lại dễ dàng, thu nhập tốt nên rủ thêm mấy bạn đi ứng tuyển để kiếm thêm thu nhập. Ai dè đến công ty, mình mới biết công việc không đơn giản là đánh máy thông thường mà là gõ captcha (một dãy mật mã được tạo ngẫu nhiên bằng chữ và số), lương hưởng theo sản phẩm. Điều đáng nói là mỗi hồ sơ xin vào công việc này phải nộp phí là 195.000đ” – chia sẻ của một “ứng viên” vừa biết mình bị lừa. Anh này cho biết, anh biết đến thông tin tuyển dụng từ mạng xã hội facebook và đến nộp hồ sơ tại một trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân trên địa chỉ đính kèm. Kết quả, hầu hết ứng viên đều tỏ ra nản chí vì không thể nhập đúng mã có sẵn hoặc web báo lỗi kỹ thuật. “Nộp tiền xong nhân viên mới đưa trang web riêng của công ty cho làm, nhưng có nhiều người nhập mãi mà không nổi mấy chục kí hiệu capcha, trong khi đó lương thì hưởng theo sản phẩm, nhập thế này một ngày không nổi 15.000đ, vì thế nhiều người bỏ dở giữa chừng và chấp nhận mất tiền phí” – anh này nói tiếp.
“Họ có nhiều chiêu để moi tiền của mình lắm. Thường thì họ sẽ nói chuyển hồ sơ của bạn, cần tiền đi lại để chuyển hồ sơ, cần xác minh thêm hồ sơ hoặc chuyển bạn làm một công việc khác, thử thách bạn với công việc ngoài khả năng để bạn mất tiền đặt cọc rồi nhưng vẫn phải bỏ cuộc”. Dù đã được cảnh báo qua các phương tiên truyền thông, tuyên truyền, giáo dục tại địa phương nhưng số trường hợp bị lừa đảo tìm việc vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, xảy ra phổ biến ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM hoặc các vùng sâu, vùng xa ít được “phổ cập”.
Để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lùa đảo, người tìm việc, nhất là công nhân lao động cần chú ý những điểm sau:
- Cảnh giác với những công việc nhàn hạ, không cần trình độ nhưng lương cao.
- Tuyệt đối tránh xa những cơ sở tuyển dụng yêu cầu người xin việc đóng phí trước khi tuyển dụng với số tiền lớn
- Cảnh giác với những công việc không được mô tả kỹ mà chỉ nói sơ sài qua loa ngay cả khi NLĐ hỏi.
- Trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển bất kì công việc nào, cần xác minh thông tin công ty rõ ràng (có thể tra trên mạng).
- Khi bị lừa đảo, NLĐ cần làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để được điều tra làm rõ.
- ...
Xem thêm: Những điều ứng viên cần lưu ý để tránh bị lừa đảo khi tìm việc
Ms. Công nhân