5 Kỹ thuật in phổ biến Designer cần biết
07.09.2018 4430 bientap
Với những Graphic Designer làm việc ở mảng thiết kế in ấn thì việc am hiểu các kỹ thuật in là điều vô cùng quan trọng để cho ra sản phẩn in đạt yêu cầu chất lượng như mong muốn. Trong bài viết được Vieclamnhamay.vn chia sẻ sau đây, hãy cùng tìm hiểu về 5 kỹ thuật in đang được ứng dụng phổ biến hiện nay.
► In kỹ thuật số (Digital Printing)
Digital Printing là kỹ thuật in hiện đại – hoạt động dựa trên nguyên lý tự hóa của máy móc. Hình ảnh sau khi nhập vào sẽ được máy in kỹ thuật số xử lý số liệu, tự động pha màu và thực hiện thao tác in cho ra sản phẩm ngay. In kỹ thuật số thường được ứng dụng để in banner, poster, tranh ảnh, tờ rơi…, phục vụ nhu cầu in nhanh với số lượng không quá nhiều. Kỹ thuật in này sử dụng nhiều loại máy in khác nhau: máy in laser, máy in phun, máy in canvas…
- Ưu điểm:
-
Tốc độ in nhanh
-
Kích thước bản in đa dạng, chất lượng sản phẩm in tốt.
-
Có thể in trên nhiều vật liệu: giấy, nilon, vải, kim loại, mica…
-
Cho phép thay đổi chi tiết hình ảnh trên mỗi bản in dù đang trong quá trình in.
- Nhược điểm:
Với những chất liệu khó in, đòi hỏi người in cần có kiến thức – hiểu biết về công nghệ với sự hỗ trợ của hệ thống máy in hiện đại – chi phí đắt.
► In offset
In offset là kỹ thuật in mà hình ảnh dính mực sẽ được ép lên các tấm cao su (tấm offset) để từ đó in lên bề mặt giấy. Kỹ thuật in này hoạt động dựa trên nguyên lý in phẳng, thông tin hình ảnh thể hiện trên bản in có tính quang hóa – tạo ra phần tử in bắt mực và phần tử không in thì bắt nước. Bên cạnh đó, hình ảnh trên khuôn in phải cùng phương với tờ in được in ra. Ngày nay, in offset trở thành kỹ thuật in phổ biến nhất trong hoạt động in ấn kinh doanh thương mại.
- Ưu điểm của kỹ thuật in offset:
-
Sản phẩm in ra cho chất lượng hình rõ nét, màu sắc đẹp.
-
Được ứng dụng in trên nhiều chất liệu khác nhau, từ bề mặt phẳng đến sần sùi.
-
Bản in có thể giữ được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
► In lụa
In lụa là kỹ thuật in ban đầu dùng bản lưới khuôn in bằng chất liệu vải lụa, đến nay thì bản lưới này được thay thế bằng nhiều chất liệu khác nhau (vải bông, vải cotton,…) hay bằng lưới kim loại nên kỹ thuật in này còn có một tên gọi khác là in lưới.
Kỹ thuật in này hoạt động dựa trên nguyên lý thấm mực, mực in sẽ được cho vào lòng khung – sau đó gạt qua một lưới dao cao su – dưới áp lực của dao gạt, phần mực in sẽ thấm qua lưới và in lên vật liệu mong muốn. Ngày nay, kỹ thuật in lụa được ứng dụng để in trên nhiều vật liệu khác nhau: vải, nilon, giấy, thủy tinh, mica, gỗ, kim loại… hay dùng thay thế cho phương pháp vẽ dưới men trong sản xuất đồ gốm sứ, gạch men… Tuy nhiên nhược điểm của in lụa là chất lượng ảnh in thấp và tuổi thọ ảnh không cao.
Kỹ thuật in lụa được phân loại dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau:
-
Dựa vào cách thức sử dụng khuôn in có: in lụa trên máy in tự động, in lụa trên bàn in cơ khí hóa một số thao tác, in lụa trên bàn in thủ công.
-
Dựa vào hình dạng khuôn in có: in lụa dùng khuôn lưới phẳng, in lụa dùng khung lưới tròn.
-
Dựa vào phương pháp in có: in trực tiếp, in phá gắn, in dự phòng.
► In ống đồng
In ống đồng là kỹ thuật in khắc lõm – hình ảnh được in ra từ các đường khắc lõm nhỏ trên bề mặt bản in, mực phủ lên bề mặt bản in và sau đó sẽ được cạo đi bằng các lưỡi dao nhỏ - tiếp đến, một trục phủ cao su nhấn giấy sẽ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bản in tạo thành hình ảnh.
Với kỹ thuật in này, bạn có thể in với khổ lớn mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt. In ống đồng được ứng dụng phổ biến trong ngành in bao bì: in hộp giấy, in túi giấy… trên nhiều chất liệu khác nhau: giấy, kim loại mỏng, màng nhựa dẻo, PE, MPET…
► In flexo
In flexo là kỹ thuật in nổi – các phần tử in gồm hình ảnh, chữ viết trên khuôn in sẽ nằm cao hơn các thành phần không in. Hình ảnh nằm trên khuôn in ngược chiều sẽ được cấp mực thông qua trục anilox sau đó truyền trực tiếp lên bề mặt vật liệu qua quá trình ép in. Kỹ thuật này được ứng dụng chủ yếu để in các loại decal hàng hóa, bao bì, thùng carton,… trên nhiều chất liệu như: màng polyme, vải, bìa…
Những kiến thức cơ bản về 5 kỹ thuật in phổ biến mà Vieclamnhamay.vn đã chia sẻ trong bài viết này mong rằng sẽ giúp các Designer cũng như các ứng viên đang tìm việc thiết kế trong lĩnh vực in ấn có được sự hiểu biết cần thiết để áp dụng vào công việc thực tế.
Ms. Công nhân