Bảo hiểm xã hội là gì? 2 Cách tra cứu BHXH người lao động cần biết
02.06.2021 3764 vi.vothanh
"Theo hợp đồng đã ký, lương công nhân may của tôi là 5 triệu/ tháng. Trừ các khoản bảo hiểm xã hội thì chỉ còn khoảng 4 triệu hơn. Không biết đóng bảo hiểm xã hội gồm những gì mà nhiều tiền thế? Đóng vào thì công nhân được lợi gì? Sau này có lấy lại được không? Làm sao để tra xem công ty có đóng cho mình mỗi tháng không?... " - chị H., công nhân may tại một xí nghiệp ở Bình Dương đặt ra khá nhiều thắc mắc xoay quanh chuyện đóng BHXH. Phải chăng, đa số LĐPT vẫn còn "ngờ ngợ" khái niệm bảo hiểm xã hội là gì cùng những quyền lợi liên quan?
Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách xã hội sử dụng nguồn tiền đóng góp từ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), có sự tài trợ và bảo hộ của nhà nước để trợ cấp vật chất cho người tham gia trong trường hợp bị giảm hoặc mất thu nhập do rủi ro ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, về hưu hoặc qua đời.
Trong nhiều trường hợp không may gặp sự cố, BHXH được xem là "phao cứu sinh" giúp NLĐ nhận được hỗ trợ tài chính kịp thời để trang trải. Tùy vào số tiền tính đóng BHXH hàng tháng của NLĐ mà "số tiền bù đắp" được cơ quan BHXH chi trả sẽ khác nhau với từng trường hợp.
Bảo hiểm xã hội gồm những loại nào?
Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu sự khác nhau giữa 2 loại hình bảo hiểm này:
Tiêu chí |
BHXH bắt buộc |
|
Đối tượng tham gia |
- Người lao động làm việc có hợp đồng lao động. - Cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, Công an nhân dân, quân đội nhân dân… - Người hoạt động không chuyên trách ở xã, huyện... |
- Chỉ cần là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, - Không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc |
Chế độ |
- Ốm đau, thai sản - Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất |
- Chỉ có hưu trí và tử tuất |
Trách nhiệm đóng |
- Cả người sử dụng lao động và người lao động. |
- Người lao động tự do có thể tự đăng ký tham gia BHXH |
Mức đóng hàng tháng |
- Người sử dụng lao động đóng 18% - Người lao động đóng 8% |
- Người lao động phải đóng 22% mức thu nhập tháng, có thể tự chọn tùy mức khác nhau. |
Phương thức đóng BHXH |
- Hằng tháng - 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng |
- Hằng tháng - 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng |
Như vậy, với những người là công nhân, lao động phổ thông hiện đang làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, có hợp đồng lao động sẽ sử dụng hình thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội
Khi tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được hưởng những quyền lợi sau:
- Được nghỉ, hưởng trợ cấp ốm đau khi có vấn đề sức khỏe, con cái đau ốm
- Hưởng chế độ và trợ cấp khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu nghỉ việc, chưa tìm được việc mới mà đã đóng BHXH ít nhất 12 tháng trước đó
- Được hưởng quyền lợi hưu trí và trợ cấp, có nguồn tài chính chi tiêu khi về hưu, lớn tuổi
- Hưởng chế độ thai sản (sinh con, nhận con nuôi) là nghỉ 6 tháng sinh và chăm sóc con nhỏ, nhận trợ cấp thai sản tương ứng cho lao động nữ
- Người thân được hưởng trợ cấp tử tuất tương ứng theo quy định.
(*Trường hợp đóng BHXH tự nguyện thì quyền lợi được hưởng sẽ hạn chế hơn, như hiện tại thì không được nhận trợ cấp thất nghiệp, chế độ thai sản...)
Bảo hiểm xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế đối với người lao động. Được vận hành giống như cơ chế rủi ro, nhờ vào việc đóng phí bảo hiểm, người lao động sẽ chuyển giao những hậu quả rủi ro tài chính về phía công ty bảo hiểm. Vậy nên, công nhân, lao động phổ thông cần nắm rõ những quyền lợi của mình giúp hạn chế thiệt thòi sau khi nghỉ việc hoặc gặp rủi ro trong lao động.
Tiền lương tính đóng BHXH gồm những khoản nào?
Tùy thuộc vào loại BHXH tham gia sẽ quy định khoản tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng của NLĐ. Cụ thế:
+ Đối với BHXH bắt buộc:
+) NLĐ theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Tiền lương trích đóng BHXH sẽ gồm:
- Tiền lương theo ngạch - bậc - cấp bậc quân hàm
- Các khoản phụ cấp chức vụ - thâm niên vượt khung - thâm niên nghề (nếu có)
+) NLĐ theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định:
Tiền lương trích đóng BHXH sẽ gồm:
- Tiền lương cơ bản theo HĐLĐ
- Phụ cấp lương
- Các khoản bổ sung khác (nếu có)
Trong đó, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.
+ Đối với BHXH tự nguyện:
NLĐ sẽ được tự chọn mức thu nhập tính đóng BHXH tự nguyện nhưng cần đảm bảo giới hạn mức thấp nhất và cao nhất. Đó là:
- Mức thu nhập thấp nhất sẽ bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tính đến thời điểm tham gia BHXH tự nguyện
- Mức thu nhập cao nhất sẽ bằng 20 lần mức lương cơ sở.
NLĐ đóng BHXH bằng cách nào?
+ Đối với BHXH bắt buộc:
DN, NSDLĐ sẽ chịu trách nhiệm trích đóng BHXH bắt buộc hàng tháng cho NLĐ theo quy định, bằng 1 trong các phương thức sau:
- Đóng hàng tháng nếu nhận lương tháng
- Đóng hàng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần nếu trả lương theo sản phẩm hoặc lương khoán
+ Đối với BHXH tự nguyện:
NLĐ sẽ tự chọn 1 trong các phương thức đóng sau:
- Đóng hàng tháng
- Đóng 3/6/12 tháng/lần
- Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau, nhưng không được quá 5 năm 1 lần
Cách tra cứu BHXH người lao động cần biết
Không ít trường hợp NLĐ nghỉ việc mới phát hiện ra công ty ăn chặn tiền BHXH của mình. Có nơi đóng tiền mức thấp hơn 22% theo quy định. Nơi báo ngưng đóng một vài tháng nhưng vẫn đều đều trừ lương tháng của NLĐ... Đến khi phát hiện thì không bằng không chứng, chỉ NLĐ thiếu hiểu biết chịu thiệt. Vậy nên, cần thiết nên biết cách tra cứu BHXH doanh nghiệp đóng để nắm rõ tiến trình đóng cũng như kịp thời phát hiện sai sót và đề nghị điều chỉnh khi cần.
Hiện có 2 cách NLĐ có thể áp dụng để tra cứu BHXH của mình. Cụ thể:
#1. Tra cứu BHXH trực tuyến
(điều kiện: NLĐ đã đăng ký SĐT với cơ quan BHXH)
>Bước 1: Người lao động truy cập vào đường dẫn: baohiemxahoi.gov.vn
- Nhấn chọn tra cứu trực tuyến
- Nhấn chọn "Tra cứu mã số BHXH" nếu không nhớ mã số được cấp, điền thông tin theo hướng dẫn để lấy mã
- Tiếp theo nhấn chọn tra cứu “Quá trình tham gia BHXH”
>Bước 2: Người lao động thực hiện điền đầy đủ và chính xác thông tin người tham gia bảo hiểm theo các mục, trong đó cần chú ý:
- Tỉnh/thành: Là địa chỉ đơn vị đóng bảo hiểm xã hội
- SĐT nhận OTP: số ĐT của người lao động đã đăng ký thông tin cá nhân với cơ quan BHXH
- Điền họ tên có dấu và đúng như trên CMND
- Các mục có dấu sao là điều kiện bắt buộc, nếu không nhập thông tin thì không thể hoàn tất tra cứu
- Sau khi điền đầy đủ thông tin, bấm chọn “Lấy mã OTP”
>Bước 3: Nhập mã OTP lấy được từ tin nhắn gửi về cho số điện thoại người lao động đã đăng ký và bấm “Tra cứu”
Với trường hợp người lao động chưa đăng ký số điện thoại hoặc thay đổi, làm mất sđt thì cần làm “tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội” để bổ sung thông tin nộp trực tuyến tại BHXH.
>Bước 4: Kiểm tra thông tin trên kết quả tìm kiếm
* Lưu ý:
- Nếu trường hợp không tra cứu được quá trình tham gia BHXH, có thể vì dữ liệu đang được cơ quan BHXH hoàn thiện hoặc thông tin cá nhân, địa chỉ, mã số chưa chính xác…
- Nếu người lao động chắc chắn đã điền chính xác thông tin mà vẫn không có kết quả thì tốt nhất nên liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH để tìm hiểu nguyên nhân.
#2. Tra cứu BHXH bằng tin nhắn điện thoại
(Có thể sử dụng bất kỳ SĐT nào để gửi tin nhắn, phí: 1.000đ/ tin nhắn. Trường hợp chưa biết mã số BHXH thì thực hiện lấy mã tương tự như cách tra cứu BHXH trực tuyến ở trên).
>Tra cứu tổng thời gian đã tham gia BHXH:
- Soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mãsốBHXH => gửi: 8079
- Ví dụ: BH QT 0110129425, gửi 8079. Tin nhắn nhận về sẽ báo mã số BHXH này đã tham gia BHXH được 2 năm 3 tháng.
>Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo năm:
- Soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mãsốBHXH từnăm đếnnăm => gửi 8079
- Ví dụ: BH QT 0110129425 2019 2020, gửi 8079. Tin nhắn nhận về sẽ báo mã số BHXH này đã tham gia BHXH được 12 tháng từ năm 2019 đến năm 2020.
>Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian:
- Soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mãsốBHXH từthángnăm đếnthángnăm => gửi 8079
- Ví dụ: BH QT 0110129425 082019 092020, gửi 8079. Tin nhắn nhận về sẽ báo mã số BHXH này đã tham gia BHXH được 1 năm 2 tháng từ tháng 8/2019 đến tháng 9/2020.
Bảo hiểm xã hội tạo ra là để bảo vệ quyền lợi người lao động. Hiểu chính xác BHXH là gì và những quyền lợi mà NLĐ nhận được khi tham gia BHXH sẽ khiến họ yên tâm hơn về số tiền "thất thoát" hàng tháng, đồng thời đối chiếu quyền lợi nhận được khi cần. Ngoài ra, việc tra cứu BHXH cũng giúp NLĐ tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác hơn, đảm bảo không có sai sót khiến bản thân mất quyền lợi...
Ms. Công nhân