Bảo hiểm xã hội tự nguyện và 5 vấn đề liên quan người lao động cần biết
13.02.2020 1547 vi.vothanh
Bên cạnh bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động còn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi ngừng ký kết hợp đồng làm việc với doanh nghiệp. Cụ thể lợi ích của loại hình này như thế nào, phương thức đóng ra sao?
Hiện nay, người làm việc tự do ở nước ta vẫn có thể đóng BHXH tự nguyện. Đây được coi là lựa chọn tốt nhất cho những người muốn nhận được trợ cấp lương hưu, tử tuất nhưng không có hợp đồng tại các công ty. Vậy bạn đã biết Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì chưa?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và hỗ trợ một phần tiền để người tham gia được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Đồng thời, người tham gia có quyền lựa chọn mức đóng bảo hiểm, phương thức đóng tiền phù hợp với khả năng thu nhập, tài chính của bản thân.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định của pháp luật, người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các đối tượng:
- Là công dân Việt Nam
- Đủ 15 tuổi trở lên
- Không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
- Đóng hằng tháng
- 3 tháng 1 lần
- 6 tháng 1 lần
- 12 tháng 1 lần
- Đóng 1 lần cho nhiều năm nhưng không được quá 5 năm
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Cũng giống như phương thức đóng, người lao động được quyền lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tùy theo thu nhập hằng tháng.
Như vậy, mức thu nhập hằng tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (700.000đ) và cao nhất không được vượt quá 20 lần mức lương cơ sở (1.490.000 x 20= 29.800.000đ)
Mức đóng BHXH tự nguyện = 22% x Mức thu nhập tháng x t*
*t là phương thức đóng (hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng...)
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A trước đây làm công nhân nhưng sau đó nghỉ làm và chạy Grab, anh đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập hằng tháng là 2.000.000đ. (Chọn phương thức đóng 3 tháng 1 lần).
Mức đóng BHXH tự nguyện của anh A là:
= 22% x 2.000.000 x 3 = 1.320.000đ (cho 1 lần đóng)
Chế độ và mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 3 quyền lợi bao gồm:
- Chế độ hưu trí
- Trợ cấp 1 lần
- Chế độ tử tuất
Có thể thấy, so với BHXH bắt buộc thì BHXH tự nguyện sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động..., tuy nhiên, với mức đóng và hỗ trợ từ nhà nước thì đây được xem là chính sách ưu đãi nhất dành cho người lao động tự do.
Về cơ bản, mức hưởng các chế độ khi tham gia BHXH tự nguyện cũng tương tự như đối với người đóng BHXH bắt buộc. Người lao động quan tâm có thể tham khảo thêm tại bài viết Những điều cần biết về luật bảo hiểm xã hội và cách tính bảo hiểm xã hội cho công nhân.
Lưu ý: Trường hợp người lao động từ tham gia BHXH bắt buộc nhưng ngưng đóng và chuyển sang tự nguyện hoặc ngược lại thì sẽ có cách tính lương hưu khác. Tuyencongnhan.vn sẽ thông tin chi tiết ở bài viết sau.
Hồ sơ Bảo hiểm xã hội tự nguyện người lao động cần biết
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện cần chuẩn bị các loại giấy tờ:
- Bản sao giấy khai sinh
- CMND
- Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện
*Trường hợp đã từng tham gia BHXH bắt buộc, cần bổ sung:
- Sổ BHXH và kèm 1 bản photo
- Bản quá trình đóng BHXH
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, người lao động đến trung tâm BHXH gần nhất để được hướng dẫn hoàn thành các thủ tục còn lại.
Như vậy, không phải ai có hợp đồng lao động mới được quyền tham gia BHXH. Nếu làm chủ được vấn đề tài chính, công nhân đang trong quá trình tìm việc, chưa có việc làm ổn định hoặc làm tự do cũng có thể tham khảo thông tin mà Tuyencongnhan.vn chia sẻ, đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện nhận được các khoản trợ cấp như lương hưu, tử tuất… khi về già.
Bài viết liên quan: Bảo hiểm xã hội là gì? Cách tra cứu BHXH trực tuyến người lao động cần biết
Vũ Vi