Bị tai nạn lao động do lỗi mình gây ra, người lao động được hưởng chế độ gì?
24.03.2021 1133 bientap
Tai nạn lao động là điều không người lao động nào mong muốn xảy ra trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế tai nạn lao động vẫn thường xảy ra và nguyên nhân có thể đến từ sự mất tập trung của bản thân người lao động. Vậy thì trong trường hợp đó, người lao động được hưởng chế độ gì?

► Nhận diện các trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động
Theo quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp sẽ được xét hưởng chế độ tai nạn lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện:
(1) Thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Bị tai nạn trong giờ làm việc - tại nơi làm việc, kể cả khi nghỉ giải lao - ăn giữa ca - đi vệ sinh - cho con bú…
- Bị tai nạn khi thực hiện yêu cầu công việc của cấp trên ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm việc
- Bị tai nạn trên tuyến đường di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian hợp lý
(2) Mức suy giảm khả năng lao động do các trường hợp trên được giám định là từ 5% trở lên
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những quy định về trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu:
+ Người gây ra tai nạn và người lao động bị thương có mâu thuẫn riêng với nhau, không liên quan đến quá trình thực hiện công việc
+ Người lao động cố ý hủy hoại sức khỏe bản thân
+ Người lao động sử dụng chất gây nghiện - ma túy…
Từ căn cứ trên có thể thấy, việc xác định người lao động có được hưởng chế độ lao động hay không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian xảy ra tai nạn cùng với mức suy giảm khả năng lao động. Và không tính đến yếu tố lỗi do đâu, cho nên nếu không thuộc nhóm 3 trường hợp trên, do sơ ý mà người lao động gây ra tai nạn cho bản thân trong quá trình làm việc thì vẫn sẽ được hưởng quyền lợi từ chế độ tai nạn lao động.
► Những quyền lợi người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động
Với trường hợp được xác định hưởng chế độ tai nạn lao động thì cả doanh nghiệp (người sử dụng lao động) và Quỹ bảo hiểm xã hội đều phải có trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ người lao động bị thương.
- Từ phía người sử dụng lao động
Chi phí y tế |
+ Cần kịp thời tổ chức sơ cứu, đưa người lao động bị thương đi cấp cứu - tạm ứng chi phí sơ cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn + Thanh toán các chi phí y tế từ lúc sơ cấp cứu đến khi người bị tai nạn lao động điều trị ổn định, bao gồm: • Thanh toán các chi phí đồng chi trả với bảo hiểm y tế - chi phí không nằm trong danh mục BHYT chi trả (với người lao động tham gia BHYT) • Thanh toán chi phí khám để giám định mức suy giảm khả năng lao động với kết luận dưới 5% • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong trường hợp người lao động không tham gia bảo hiểm y tế |
Tiền lương |
Trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động |
Trợ cấp |
+ Trường hợp người lao động bị tai nạn mà lỗi không do mình gây ra sẽ được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thêm tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động: • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu khả năng suy giảm lao động từ 5 - 10% • Nếu suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80% thì mỗi % tăng thêm tương ứng với 0,4 tháng tiền lương (Ví dụ suy giảm khả năng lao động 11% thì mức trợ cấp = 1,5 + 0,4 = 1,9 tháng tiền lương). • Ít nhất là 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động qua đời do tai nạn lao động + Nếu người lao động sơ ý gây ra tai nạn cho bản thân thì mức trợ cấp được hưởng là 40% so với mức trợ cấp chi trả do không phải lỗi của mình |
Ví dụ không may anh Hùng bị tai nạn lao động và được giám định mức suy giảm khả năng lao động 14%. Được biết mức thu nhập hàng tháng của anh Hùng là 8 triệu đồng (bao gồm lương cứng và các khoản phụ cấp lương).
→ Vậy nếu anh Hùng bị tai nạn lao động không do lỗi mình gây ra thì mức trợ cấp được xác định:
1,5 x 8 triệu đồng + 4 x 0,4 x 8 triệu đồng = 24,8 triệu đồng
→ Nếu anh Hùng bị tai nạn lao động mà lỗi do mình gây ra, mức trợ cấp giảm còn:
40% x 24,8 = 9,92 triệu đồng
- Từ Quỹ bảo hiểm xã hội
Trợ cấp 1 lần (Áp dụng cho trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30%) |
→ Suy giảm khả năng lao động 5% được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, mức suy giảm tăng thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở → Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội: từ 1 năm trở xuống hưởng 0,5 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị TNLĐ - mỗi năm tham gia tăng thêm được chi trả 0,3 tháng tiền lương |
Trợ cấp hàng tháng (Áp dụng cho trường hợp suy giảm từ 31% trở lên) |
→ Suy giảm 31% => hưởng 30% mức lương cơ sở, mỗi % suy giảm tăng thêm cộng 2% mức lương cơ sở → Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội: từ 1 năm trở xuống hưởng 0,5% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị - mỗi năm tăng thêm cộng 0,3% |
Trợ cấp phục vụ (Áp dụng cho trường hợp suy giảm từ 81% và bị mù 2 mắt, cụt chi, liệt cột sống, tâm thần) |
→ Mức trợ cấp hàng tháng bằng với mức lương cơ sở áp dụng hiện hành |
Trợ cấp 1 lần khi qua đời |
→ Mức trợ cấp 1 lần khi qua đời bằng 36 lần mức lương cơ sở = 36 x mức lương cơ sở hiện hành |
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị |
→ Mức trợ cấp mỗi ngày = Mức lương cơ sở x 30% Trong đó: • Trợ cấp tối đa 5 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30% • Trợ cấp tối đa 7 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50% • Trợ cấp tối đa 10 ngày nếu suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên |
Bên cạnh đó, với thương tật làm tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể - người lao động còn được cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp sinh hoạt thuận tiện hơn.
► Doanh nghiệp cần làm gì khi xảy ra tai nạn lao động?

Không có người lao động chân chính nào lại mong muốn tai nạn lao động lại xảy ra với mình trong quá trình làm việc. Bởi một khi tai nạn xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, phải nghỉ việc điều trị mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người thân trong gia đình. Mong rằng người lao động nào cũng ý thức được sự an toàn và biết bảo vệ bản thân và đồng nghiệp xung quanh - không để những sự cố đáng tiếc xảy ra.
(Theo luatvietnam)