Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân Cho Công Nhân, Nhân Viên Nhà Máy
28.02.2018 3907 hongthuy95
MỤC LỤC
Thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế thu nhập cá nhân cụ thể là vấn đề được đông đảo chủ doanh nghiệp và người lao động quan tâm, nhất là những công nhân, nhân viên nhà máy. Hiểu được điều đó, Tuyencongnhan.vn xin chia sẻ cách tính thuế thu nhập cá nhân cho công nhân, nhân viên nhà máy và những thông tin liên quan để bạn tham khảo!
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà người lao động (NLĐ) có thu nhập phải trích nộp dựa trên tiền lương, tiền công - nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Thuế TNCN là loại thuế tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc theo quý nhưng được quyết toán theo năm.
Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: “Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế TNCN là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế”. Tức: thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm NLĐ được chi trả thu nhập.
Ví dụ: Tiền lương tháng 1/2018 của NLĐ được trả vào tháng 2/2018 thì thời điểm tính thuế TNCN của NLĐ đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 2/2018.
Những đối tượng áp dụng nộp thuế thu nhập cá nhân
+ NLĐ là công dân Việt Nam đang lao động trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài có thu nhập
+ NLĐ là cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam có thu nhập
+ NLĐ là người nước ngoài làm việc và có thu nhập tại Việt Nam
Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân
+ Tính theo biểu lũy tiến từng phần: áp dụng cho NLĐ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 3 tháng trở lên
+ Khấu trừ 10%: áp dụng cho NLĐ không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/ tháng trở lên
+ Khấu trừ 20%: áp dụng cho NLĐ là cá nhân không cư trú (chủ yếu là người nước ngoài), được xác định bằng cách nhân phần thu nhập chịu thuế (từ tiền lương, tiền công nhân) với thuế suất 20%.
Tham khảo thêm: Các hình thức trả lương và cách tính lương người lao động cần biết
Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho công nhân, nhân viên nhà máy
►Đối với NLĐ ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên
- Công thức tính thuế TNCN
Thuế TNCN (phải nộp) = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
Cụ thể:
- Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập mà NLĐ được trả, không bao gồm các khoản sau: tiền ăn giữa ca, ăn trưa; phụ cấp điện thoại; phụ cấp trang phục; tiền công tác phí; lương làm thêm giờ, làm ban đêm; các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không tính thuế TNCN
- Các khoản giảm trừ bao gồm giảm trừ gia cảnh (bản thân là 9 triệu đồng/ người/ tháng và người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/ người/ tháng); các khoản bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt) và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học có giấy chứng nhận.
- Thuế suất được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần cụ thể như sau:
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế/ tháng (triệu đồng) | Thuế suất áp dụng (%) |
1 | Thu nhập đến 5 triệu đồng | 5 |
2 | Thu nhập trên 5 đến 10 triệu đồng | 10 |
3 | Thu nhập trên 10 đến 18 triệu đồng | 15 |
4 | Thu nhập trên 18 đến 32 triệu đồng | 20 |
5 | Thu nhập trên 32 đến 52 triệu đồng | 25 |
6 | Thu nhập trên 52 đến 80 triệu đồng | 30 |
7 | Thu nhập trên 80 triệu đồng | 35 |
- Ví dụ cách tính thuế TNCN mới nhất năm 2018 cho công nhân, nhân viên nhà máy
Ông Nguyễn Văn A có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng 1/ 2018 là 60 triệu đồng và ông phải nộp các khoản bảo hiểm là: 8% cho BHXH, 1,5% cho BHYT và 1% cho BHTN.
Ngoài ra, ông còn nuôi 2 con gồm 1 trai và 1 gái đều dưới 18 tuổi; và trong tháng 1 này ông không tham gia đóng góp các khoản từ thiện, nhân đạo hay khuyến học.
Từ những thông tin trên, ta xác định thuế TNCN phải nộp của ông Nguyễn Văn A trong tháng 2/2018 như sau:
- Thu nhập chịu thuế của ông A là: 60 triệu đồng
- Các khoản giảm trừ của ông A là: 9 triệu + 3,6 triệu x 2 + 60 triệu x (8 + 1,5 + 1) = 22,5 triệu
=> Thu nhập tính thuế của ông A là: 60 triệu – 22,5 triệu = 37,5 triệu
Số thuế TNCN phải nộp tháng 2/2018 tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:
Ông A có mức thuế suất ở bậc 5 (vì thu nhập tính thuế của ông là 37,5 triệu đồng, trong khoảng trên 32 đến 52 triệu đồng/ tháng).
Vậy số thuế TNCN mà ông A phải nộp trong tháng 2/2018 là:
(5 triệu x 5%) + ((10 triệu – 5 triệu) x 10%) + ((18 triệu – 10 triệu) x 15%) + ((32 triệu – 18 triệu) x 20%) + ((37,5 triệu – 32 triệu) x 25%) = 0,25 triệu + 0,5 triệu + 1,2 triệu + 2,8 triệu + 1,375 triệu = 6,125 triệu
►Đối với NLĐ không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/ tháng trở lên
Được áp dụng theo phương pháp tính thuế khấu trừ 10%. Do đó,
- Công thức tính thuế TNCN
Thuế TNCN = Tổng thu nhập chịu thuế x 10%
- Ví dụ: nếu NLĐ không ký HĐLĐ, sau khi trừ các khoản giảm trừ, tổng thu nhập chịu thuế là 14 triệu đồng thì mức thuế TNCN phải nộp = 14 triệu x 10% = 1,4 triệu đồng/ lần trả
►Đối với NLĐ không cư trú
Được áp dụng theo phương pháp tính thuế khấu trừ 20%. Do đó,
- Công thức tính thuế TNCN
Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế x 20%
Với những thông tin chi tiết về cách tính thuế TNCN cho công nhân, nhân viên nhà máy và những thông tin liên quan mà Tuyencongnhan.vn vừa chia sẻ trên đây hi vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuế TNCN và tự áp dụng để tính thuế TNCN cho NLĐ trong từng trường hợp cụ thể.
Ms. Công nhân