Cập nhật quy định mới về hưởng BHXH một lần dành cho người lao động
03.02.2023 1297 doantrangbc
Tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023; sửa quy định về các trường hợp lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2023.
Tăng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2023
Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở các thời kỳ trước, hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).
Có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH đã công bố hệ số trượt giá mới như sau:
Bảng 1: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc
Bảng 2: Đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Hệ số trượt giá năm 2023 đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với năm 2022. Tăng mạnh nhất là hệ số trượt giá tính cho giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995 (tăng 0,16). Còn các giai đoạn khác hầu hết cũng được điều chỉnh tăng hệ số trượt giá với mức thấp nhất là 0,03 (trừ năm 2021 và 2022 do không tăng).
Mặc dù đến tháng 2, Thông tư 01 mới có hiệu lực nhưng các hệ số trượt giá được quy định tại thông tư này được áp dụng luôn cho các trường hợp hưởng chế độ BHXH từ ngày 1-1-2023.
Sửa quy định về các trường hợp hưởng BHXH một lần
Có hiệu lực từ ngày 15-2-2023, Thông tư 18 năm 2022 của Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng (BHXH 1 lần. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong hai diện sau:
-Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này còn phải đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
- Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
Được chủ động đi giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hưởng BHXH
Khoản 8 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về thời hạn giám định lại như sau:
Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hiện nay, đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó, trừ trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19
Tại khoản 13 Điều 1 Tông tư 18/2022/TT-BYT đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19.
Theo đó, người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
- Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 168/NQ-CP, như sau:
+ Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19;
+ Bệnh viện điều trị COVID-19;
+ Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19;
+ Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
Được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp
Khoản 18 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT đã bổ sung quy định sau:
Trường hợp người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Thông tư này và văn bản đề nghị của người đó làm căn cứ cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó tại phần ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề ghi theo ngày cấp.
Như vậy, từ ngày 15-2-2023, người lao động được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp.
Theo Người Lao Động