Công nhân mất gì khi nghỉ ngang công việc không báo trước?
26.10.2020 5709 hongthuy95
Bất mãn với đãi ngộ của công ty, mâu thuẫn với đồng nghiệp hay quản đốc, nhàm chán trong công việc… là những lý do thường gặp khiến nhiều công nhân thiếu suy nghĩ chọn cách nghỉ ngang, không thông báo trước theo quy định. Trong trường hợp này, công nhân mất gì?
Nghỉ ngang là gì?
Nghỉ ngang là hành vi tự ý bỏ việc, nghỉ làm nhưng không xin phép hoặc có xin nhưng chưa được sự đồng ý của cấp trên hay xin nhưng không tuân thủ đúng quy định về thời hạn báo trước.
Thực tế, nghỉ ngang hay tự ý bỏ việc, nghỉ không báo trước là những cách gọi khác, dễ hiểu và phổ thông hơn mà công nhân, lao động tay chân thường dùng; khi số ngày nghỉ vượt quá quy định cho phép thì đây được coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật. Lúc này, nếu xảy ra tranh chấp quyền lợi, người vi phạm là người lao động (NLĐ) - công nhân sẽ mất đi nhiều quyền lợi đáng tiếc. Cụ thể là mất đi nhiều khoản tiền mà lẽ ra, nếu nghỉ việc đúng luật sẽ được nhận.
Công nhân mất gì khi nghỉ ngang?
Nghỉ việc trái pháp luật dĩ nhiên sẽ mất đi nhiều quyền lợi. Cụ thể:
+ Không được nhận trợ cấp thôi việc
Điều 48 Luật Lao động 2012 quy định khi chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Cứ mỗi năm làm việc thì được nhận khoản trợ cấp bằng một nửa tháng tiền lương. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 43 lại nêu rõ NLĐ sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Hướng dẫn cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất cho người lao động
+ Không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Điều 49 của Luật Việc làm 2013 quy định NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định sau khi nghỉ việc nhưng “trừ trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật”.
+ Phải bồi thường thiệt hại bằng tiền cho NSDLĐ
Cũng tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Lao động 2012 nêu rõ, NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật có nghĩa vụ bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền bằng nửa tháng tiền lương (bằng số tiền trợ cấp thôi việc mà lẽ ra NLĐ sẽ được nhận nếu nghỉ việc đúng quy định) thể hiện trong HĐLĐ.
Bên cạnh đó, nếu NLĐ vi phạm quy định về thời hạn báo trước tại Khoản 2, Điều 37 thì phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với mức tiền lương của những ngày không báo trước đó.
+ Phải hoàn trả lại chi phí đào tạo cho NSDLĐ
Quy định này được áp dụng với trường hợp NLĐ được NSDLĐ đào tạo hoặc cử đi đào tạo trong thời gian làm việc. Theo đó, số tiền phải trả lại sẽ là tổng số tiền hỗ trợ cho người học (bao gồm chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, chi phí cơ sở vật chất như trường, lớp, máy móc, thiết bị, vật liệu thực hành, chi phí đi lại và sinh hoạt nếu đào tạo ở nước ngoài…), tiền lương, tiền đóng các khoản BHXH cho NLĐ trong suốt thời gian theo học đào tạo.
+ Bị đánh rớt ở lần xin việc kế tiếp
Hệ quả này không liên quan đến Luật, cũng không phải ai nghỉ ngang cũng gặp phải. Nhưng, nếu tên công ty vừa nghỉ ngang được ứng viên đề cập đến trong hồ sơ xin việc; thậm chí cung cấp thông tin người tham khảo là giám sát, quản đốc cũ thì chuyện nhà tuyển dụng liên hệ để tham khảo ý kiến đánh giá về người xin việc tiềm năng là hoàn toàn có khả năng. Lúc này, dĩ nhiên với ấn tượng không mấy tốt đẹp về chuyện nghỉ ngang, khả năng cao hồ sơ của bạn bị đánh rớt.
Nghỉ ngang có được nhận lại sổ BHXH?
Nhiều người lo sợ việc tự ý nghỉ việc thì phía NSDLĐ sẽ không trả sổ BHXH. Tuy nhiên, nếu NLĐ làm tròn nghĩa vụ của mình là đền bù thiệt hại cho NSDLĐ bằng cách thanh toán đầy đủ các khoản bồi thường nêu trên thì khi đó, NSDLĐ sẽ có cơ sở để thực hiện và hoàn tất thủ tục chấm dứt HĐLĐ, bao gồm việc xác nhận và trả lại sổ BHXH cho NLĐ theo quy định tại Điều 47.
Dù xuất phát từ nguyên do nào đi chăng nữa thì hành vi nghỉ ngang (đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật) cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm của NLĐ, chưa kể để lại những tổn thất không nhỏ cho NSDLĐ, đồng thời khiến profile của mình xấu đi khi tìm việc làm mới. Vì vậy, nếu có mâu thuẫn hay bất đồng, hãy mạnh dạn nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình để cùng tìm hướng xử lý ổn thỏa nhất, bằng không cũng nên “ra đi” đúng luật để không bị mất đi bất kì quyền lợi hợp pháp nào.
Ms. Công nhân