Điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, mức phạt dành cho lái xe ra sao?
24.10.2018 2302 hongthuy95
Chắc hẳn bạn vẫn chưa hết kinh ngạc khi chứng kiến trực tiếp hoặc nhìn thấy qua tivi, báo chí vụ nữ tài xế BMW tông hàng loạt người và phương tiện tại ngã 4 Hàng Xanh, TP.HCM trong tình trạng say xỉn những ngày qua. Hậu quả là 1 người chết, 5 người bị thương và hư hại nghiêm trọng nhiều phương tiện khác. Vậy lái xe khi say sỉn sẽ bị lãnh mức phạt ra sao?

Tại sao đã uống rượu bia thì không nên lái xe?
Vieclamnhamay.vn đã từng rất nhiều lần mong muốn những bác tài xế hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu. Bởi sau vô lăng của các bác là cuộc sống, còn trước vô lăng là sự sống. Chỉ khi các bác ý thức được những nguy hại tiềm ẩn từ những hành động sai lầm của bản thân có thể cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội và có khi là chính mình, hay làm hư hại tài sản của người khác, để lại nhiều đau thương, mất mát cho người thân thì khi đó, các bác mới thực sự biết quý trọng và có trách nhiệm với nghề cầm vô lăng trên những cung đường.
Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có “hành vi điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, người điều khiển ô tô tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu hay khí thở; tức không được uống rượu, bia dù chỉ là một hớp nếu tham gia giao thông đường bộ. Bởi việc uống rượu, bia và một số chất kích thích bị cấm rất dễ gây cho người lái xe cảm giác buồn ngủ, sinh ảo giác hoặc tăng sự hưng phấn khiến họ mất kiểm soát khi lái xe, dễ dẫn đến lái xe vượt quá tốc độ cho phép hoặc lạng lách, va chạm vào vật hay người đang lưu thông trên đường gây tai nạn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đã uống rượu bia thì không nên lái xe.

Lái xe khi say xỉn sẽ bị phạt như thế nào?
Theo các chuyên gia đầu ngành, một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây xuất phát từ nguyên nhân người cầm lái uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích bị cấm. Tùy vào mức độ vi phạm, lượng cồn trong máu hoặc khí thở mà pháp luật sẽ quy định mức phạt tương ứng khác nhau. Cụ thể:
Theo Nghị định 46/ 2016/ NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi điều khiển xe ô tô khi lái xe đã uống rượu, bia như sau:
-
Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/ 100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/ 1l khí thở - Bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1 - 3 tháng hoặc 2- 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
-
Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng nếu người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/ 100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/ 1l khí thở - Bị tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 3 - 5 tháng.
-
Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 4 - 6 tháng nếu người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/ 100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/ 1l khí thở; người không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ (Cảnh sát giao thông).
Trường hợp người lái xe uống rượu, bia gây tai nạn giao thông (như tài xế BMW trên đây) thì pháp luật sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn, quy định của Bộ luật Hình sự… để đưa ra mức xử lý hình sự hợp lý, đúng người đúng tội.

Hy vọng qua bài viết này, các lái xe sẽ biết được mức phạt cụ thể nếu điều khiển xe trong tình trạng say xỉn; nhận thức được những nguy hiểm có thể xảy đến nếu bản thân không làm chủ được tay lái để có ý thức hơn trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác và chính mình.
Ứng viên tìm việc lái xe cũng cần tổng hợp và nắm rõ những quy định về mức xử phạt cho những hành vi vi phạm khi tham gia giao thông để hạn chế vi phạm và ứng phó khi cần thiết.
Ms. Công nhân