Doanh nghiệp chế xuất là gì? Và 3 thông tin hữu ích cần biết
20.10.2020 3066 bientap
Bạn đang muốn tìm hiểu doanh nghiệp chế xuất là gì? Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi gì? Loại hình doanh nghiệp này cần tuân thủ những quy định nào?… Hãy cùng Vieclamnhamay.vn lần lượt giải đáp trong bài viết sau đây nhé!
► Doanh nghiệp chế xuất là gì?
Doanh nghiệp chế xuất (Export Proccessing Enterprise - EPE) là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa để xuất khẩu hoặc cung ứng các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chế xuất có thể hoạt động bên trong khu chế xuất hoặc khu kinh tế, khu công nghiệp.
► Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chế xuất được hưởng những ưu đãi sau:
- Miễn thuế xuất khẩu với hàng hóa từ khu chế xuất ra nước ngoài
- Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nhập vào khu chế xuất
- Không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT)
- Hưởng ưu đãi về thuế đối với các trường hợp được khuyến khích đầu tư
► Những quy định áp dụng cho doanh nghiệp chế xuất hiện nay
• Hoạt động của doanh nghiệp chế xuất cần tuân theo những quy định áp dụng cho khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan
• Bên trong khuôn viên của khu công nghiệp, có thể phân khu dành cho doanh nghiệp chế xuất. Với phân khu này, cần phải có hệ thống tường rào, cửa ra - vào, đảm bảo điều kiện giám sát của các cơ quan chức năng
• Để xây dựng công trình hoặc phục vụ cho việc doanh nghiệp vận hành hoạt động hàng ngày, doanh nghiệp chế xuất được mua nguyên vật liệu, lương thực - thực phẩm, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng từ các đơn vị nội địa trong thị trường Việt Nam.
• Pháp luật về hải quan sẽ được áp dụng khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra - giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất
• Vì là “doanh nghiệp chuyên xuất khẩu” nên quan hệ trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp đang hoạt động trong thị trường Việt Nam được xem là quan hệ xuất nhập khẩu.
• Doanh nghiệp chế xuất có thể bán cho thị trường nội địa những tài sản cần thanh lý của doanh nghiệp và những hàng hóa khác theo quy định
• Nhân viên làm việc cho doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối (tiền nước ngoài, séc, trái phiếu, vàng…) từ nội địa VN vào doanh nghiệp hoặc ngược lại thì không cần phải khai báo hải quan
• Với trường hợp doanh nghiệp chế xuất được cấp phép kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam thì cần phải mở sổ kế toán hạch toán doanh thu - chi phí riêng và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa riêng. Hoặc thành lập chi nhánh nằm ngoài khu chế xuất thực hiện hoạt động kinh doanh nội địa này.
► Doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa có chịu thuế giá trị gia tăng?
Mặc dù chức năng chính của doanh nghiệp chế xuất là sản xuất hàng hóa để xuất khẩu nhưng với chính sách hiện hành, doanh nghiệp hoạt động theo loại hình này vẫn có thể cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước.
Theo quy định, doanh nghiệp chế xuất muốn bán hàng vào nội địa thì phải lập chi nhánh hoặc lập sổ kế toán riêng. Do đó, với hoạt động này, doanh nghiệp chế xuất cần phải tiến hành hạch toán - kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT); không hạch toán chung với hàng hóa được sản xuất ra để xuất khẩu.
Khi nhập khẩu hàng hóa để phân phối ra thị trường nội địa, doanh nghiệp chế xuất cần thực hiện việc kê khai - nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Và khi bán ra, doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn và tiến hành kê khai, nộp thuế VAT theo quy định.
Bài viết trên đây Vieclamnhamay.vn đã cùng bạn tìm hiểu Doanh nghiệp chế xuất là gì và những thông tin cần biết liên quan đến loại hình doanh nghiệp này. Nếu còn thắc mắc thuật ngữ nào, bạn hãy gửi phản hồi về cho Ms. Công nhân nhé!
Ms. Công nhân