Muôn kiểu tìm việc của công nhân thời thất nghiệp
30.05.2023 492 doantrangbc
Do nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khiến làn sóng cắt giảm nhân sự xảy ra trong suốt nhiều tháng qua và vẫn đang tiếp diễn.
Các doanh nghiệp lớn và nhỏ trên cả nước đều lần lượt đưa ra thông báo cắt giảm việc làm. Gần đây nhất và với số lượng cắt giảm nhiều nhất phải kể đến Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất thành phố Hồ Chí Minh (trên 50.000 người). Tháng 2/2023, công ty đã phải cắt giảm 2.358 người lao động. Tiếp đến cuối tháng 6 tới đây sẽ là 4.519 người lao động và chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người lao động vào đầu tháng 7.
Mặc dù đang gặp khó khăn nhưng cơ bản các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định bằng việc tạm hoãn hợp đồng lao động; cắt giảm thời gian làm thêm giờ, thỏa thuận nghỉ phép năm, một số ít doanh nghiệp cắt giảm lao động đồng thời thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm cho họ.
Tiếp tục mưu sinh như thế nào?
Trước làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra từ đầu năm, nhiều công nhân cho biết họ không quá bất ngờ vì hiểu tình hình khó khăn của nơi làm. Vấn đề của họ hiện nay là sẽ tiếp tục mưu sinh như thế nào?
Các công nhân bị mất việc ở những công ty bảo đảm được chế độ trợ cấp thất nghiệp cho biết việc đầu tiên họ làm khi nghỉ việc là gửi ngay khoản trợ cấp vào ngân hàng để thêm chút lãi và tránh bị "nát" tiền.
"Chắc chắn tôi sẽ gửi ngay ngân hàng khi tháng 6 được nhận khoản tiền trợ cấp, bởi nếu giữ chắc sẽ hết nhanh thôi", Chị Nguyễn Thị Vui - Công nhân bị mất việc tại công ty Pouyuen cho biết.
Chị Vui cũng cho biết thêm, chị sẽ trích một phần trong khoản trợ cấp thất nghiệp để kinh doanh nhỏ gì đó, phần còn lại phải để dự phòng thất bại.
Một số người khác thì cho biết sẽ về quê, lấy tiền trợ cấp để chăn nuôi và buôn bán nhỏ gần nhà. "Vợ chồng tôi tính kỹ chuyện về quê. Đầu tiên, mình tiết kiệm được tiền trọ, rồi con cái về trường quê cũng ít học phí hơn hẳn TP. Tiền ăn uống cũng giảm hẳn khi có gà qué, rau rác vườn nhà" - cô công nhân Trần Thị Thanh Trà, 31 tuổi, cho biết.
Trong khi đó, có đến 2/3 số công nhân thất nghiệp vẫn quyết tâm bám trụ lại thành phố để tìm việc mới. Có người đã xin được việc làm ở công ty, có người ra làm tự do và có người vẫn đang tiếp tục tìm việc.
Nhiều nam giới lựa chọn công việc phụ hồ bởi công việc này chỉ cần sức khỏe, với mức lương công nhật 350.000 đồng mỗi ngày, so với làm việc ở công ty cũng tương đối ổn định, quan trọng là giúp họ vượt qua giai đoạn tìm việc khó khăn này.
Một công việc nữa mà hiện nay một số công nhân nữ bị thất nghiệp cũng muốn làm là "osin theo giờ". Công việc này có thu nhập khá ổn, thậm chí là khá nếu đã quen việc và có sức khỏe tốt để "chạy sô" nhiều nơi.
"Tôi mới 35 tuổi, từng là dân ruộng Trà Vinh quen cực khổ nên nhận việc vệ sinh nhà cửa. Tùy quy mô nhà, mỗi nhà tôi được khoảng 200.000 - 400.000 đồng. Mình có sức khỏe nên gắng làm nhanh để đi làm nhà khác, miễn sao sạch sẽ để chủ nhà ưng bụng", công nhân Thạch Thị Mỹ ở Khu công nghiệp Tân Tạo cho biết. Chị Mỹ kể thêm hiện nay cô "chạy sô" ít nhất hai nhà mỗi ngày, có ngày cô làm được cả bốn nhà, thu nhập hơn gấp đôi đi làm công nhân thời ít việc, không tăng ca…
Bên cạnh những công việc trên thì nhiều công nhân quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực mới. Cụ thể là công việc trong các khách sạn, nhà hàng. Thời điểm này các khách sạn nhà hàng cũng luôn tìm kiếm những vị trí không yêu cầu cao về trình độ và kinh nghiệm như bảo vệ, nhân viên vệ sinh, buồng phòng, tạp vụ bếp,.... Nhiều người tìm đến các website về việc làm ngành khách sạn nhà hàng như Hoteljob.vn hay tham gia Chương trình chuyển đổi nghề cho công nhân, LĐPT để tìm kiếm những cơ hội việc làm mới, đảm bảo cuộc sống trong giai đoạn hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước gặp khó khăn như hiện nay.
Ms. Công nhân (Tổng hợp theo Tuổi Trẻ, Dân Trí)