Năng suất lao động Việt Nam đứng tốp cuối trong khu vực
06.09.2022 1218 doantrangbc
Năng suất lao động là năng lực sản xuất của lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm được người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian. Ở một cấp độ rộng hơn, năng suất lao động là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Năng suất lao động Việt nam trong những năm qua đã có những tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác. Việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp đang là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước hiện nay.
Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp trong khu vực
Theo cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các nước khác trong khu vực.
Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13,817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines.
Báo cáo cũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động Việt Nam chưa có bước đột phá và ở mức rất thấp trong nhiều năm qua:
- Trình độ học vấn thấp là một trong các yếu tố khiến Việt Nam đang là quốc gia có năng suất lao động thấp nhất khu vực.
Năm 2020, lực lượng lao động tốt nghiệp THCS trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lượng lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%.
Song song với học vấn chính là khả năng hội nhập của người lao động Việt còn chưa cao, trình độ tay nghề còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn. Đây chính là rào cản của lao động Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0 và để Việt Nam hướng tới hội nhập toàn cầu.
- Sự chuyển dịch lao động kém năng suất từ các hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đang dần cạn kiệt.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò khá quan trọng vào tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế. Xu hướng này đã diễn ra và giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động trong nhiều năm qua, Tuy nhiên, khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Quy mô của các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng là một rào cản đối với tăng trưởng năng suất.
Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp hộ gia đình có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới.
Giải pháp nào để cải thiện năng suất lao động
Trước thực trạng hiện nay, Việt Nam cần xác định rõ các vấn đề trọng tâm liên quan đến tăng năng suất lao động từ đó tạo những bước đột cải thiện năng suất lao động.
- Cải thiện công tác giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động; sắp xếp lại hệ thống đào tạo nghề, đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Từ đó cải thiện hiệu suất công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trong hội nhập toàn cầu.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
- Tạo nên môi trường tự do sáng tạo và có tư tưởng khuyến khích sáng tạo. Muốn tăng năng suất lao động đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo, ở đó mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần phải được nuôi dưỡng và trân trọng. Thực hiện các chương trình nhằm khơi dậy tính năng động, ý chí sáng tạo, cống hiến của công nhân, viên chức, lao động; có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và cải thiện đời sống người lao động. Điển hình như chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động hay trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong chính các doanh nghiệp, địa phương cũng là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất lao động.
- Khi xu hướng chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ dần cạn kiệt thì Việt Nam cần quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để nâng cao năng suất trong các doanh nghiệp, qua đó chuyển dần theo xu hướng tăng năng suất nội ngành. Tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển khoa học và công nghệ.
Đoàn Trang (Tổng hợp theo Zingnews)