Làm sao để nâng cao năng suất lao động của công nhân ?
21.03.2016 3108 haiyen.tran37
Năng suất lao động của công nhân Việt Nam còn khá thấp so với các nước cùng khu vực. Đây cũng là một trong những lý do để mức lương của công nhân nước ta còn chưa cao. Bởi ưu thế nhân công giá rẻ hiện đang là ưu thế duy nhất của thị trường lao động Việt Nam.
Vậy làm sao để nâng cao năng suất lao động của công nhân Việt Nam, mang lại nhiều doanh thu hơn cho doanh nghiệp và bản thân người lao động cũng được hưởng một mức lương tốt hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Lao động Việt Nam chuyên cần nhưng năng suất chưa cao !
Hầu như các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá công nhân Việt Nam khá chăm chỉ và chuyên cần. Nhưng điều này không đồng nghĩa với năng suất lao động của họ tốt. Bởi năng suất lao động chỉ được đánh giá dựa trên sản lượng hay số lượng sản phẩm mà một người lao động tạo ra.
Công nhân Việt Nam trình độ vẫn còn hạn chế, họ thường làm theo quen và tư duy lối mòn, ít cải tiến để có năng suất lao động tốt hơn. Khả năng đào tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cứng ở các bậc phổ thông, các trường dạy nghề chuyên nghiệp của nước ta vẫn chưa cao. Công tác định hướng nghề nghiệp vẫn chưa tốt.
Lao động Việt Nam nhìn chung vẫn còn nặng nề tư tưởng lợi ích cá nhân mà nhiều khi quên đi lợi ích của cả doanh nghiệp. Đồng thời sự phối hợp trong quá trình lao động của công nhân Việt Nam còn kém, nên khi làm việc nhóm thì năng suất lao động lại càng bị giảm xuống. Điều này trái ngược với chất lượng lao động của các nước phát triển như Nhật Bản.
Một lý do nữa đó là công nhân Việt Nam ít có tư tưởng làm việc ổn định, lâu dài cho một doanh nghiệp. Vì vậy họ cũng mất đi nhiệt huyết cống hiến và phấn đấu. Chỉ làm để nhận được đủ số sản lượng mà doanh nghiệp đề ra, hoặc có vượt sản lượng nhưng chưa cao. Và đáng lẽ họ phải làm được hơn thế.
Dây chuyền sản xuất chưa tiến tiến !
Hiện tại các nhà máy, phân xưởng của các doanh nghiệp đóng tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngoài ra ở Việt Nam chỉ chú trọng phần sản xuất thô, gia công. Phần công nghệ hiện đại, nhiều giá trị thì Việt Nam vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là một trong những lý do kéo năng suất lao động của công nhân Việt Nam xuống thấp hơn so với nhiều nước khác.
Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao giá trị sản xuất của cả nước nói chung và cho từng ngành nghề nói riêng. Không chỉ đơn giản là về mặt công nghệ mà còn cần năng cao trình độ, tay nghề của lao động. Đào tạo nhân lực đúng chuyên môn và đúng với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp làm gì để nâng cao năng suất lao động của công nhân ?
Ngoài việc cải tiến dây chuyền, cải tiến năng lực sản xuất bằng các thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao giá trị sản xuất thì doanh nghiệp cần có nhiều sự liên kết chặt chẽ hơn với người lao động. Lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của công nhân phải gắn liền với nhau. Có như vậy mới kích thích được mong muốn cải tiến năng suất lao động của công nhân. Doanh nghiệp cũng cần sắp xếp công việc phù hợp với bản thân mỗi người công nhân để họ có thể phát huy tốt tay nghề của mình.
Ngoài những mức thưởng xứng đáng cho công nhân khi vượt qua sản lượng quy định cần có sự khuyến khích thiết thực hơn như bồi dưỡng thêm trình độ, ưu đãi đặc biệt cho những công nhân có tay nghề cao…Mặt khác để công nhân có thể an tâm làm việc doanh nghiệp cần có một mức lương phù hợp.
Các chế độ dành cho công nhân như bảo hiểm, trợ cấp …phải minh bạch, rõ ràng, bảo đảm được quyền lợi của công nhân. Bảo đảm sức khỏe của công nhân từ những bữa cơm trưa, cơm tăng ca và bảo đảm an toàn lao động trong những môi trường làm việc độc hại. Nhiều mong muốn cơ bản của công nhân Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp đáp ứng. Khi không có được những quyền lợi đơn giản nhất, thật khó để người lao động yên tâm làm việc, cải tiến năng suất lao động.