Doanh nghiệp chán nản vì ý thức lao động quá kém của công nhân.
26.07.2023 3590 haiyen.tran37
Công nhân Việt Nam đang lao động trong và ngoài nước vẫn luôn được đánh giá là lực lượng người lao động cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Nhưng có một điểm yếu khiến các doanh nghiệp, các nhà quản lý phải lắc đầu chán nản đó chính ý thức kỷ luật lao động còn quá kém.
Giữ gìn vệ sinh chung hình như là một việc rất khó đối với công nhân Việt Nam !
Đây là phát biểu của một nhà quản lý Nhật Bản khi nói về ý thức của công nhân nước ta. Họ có thể vô tư xả rác bất cứ đâu mặc dù thùng rác chỉ đặt cách đấy vài mét. Thậm chí nhiều người có ý thức bỏ rác đúng chỗ thì bị chê cười, xem như vật thể lạ. Không chỉ công nhân mà ngay cả các quản lý, kỹ sư được đào tạo, có trình độ học vẫn cao mà ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung vẫn còn thấp.
Hầu hết các xí nghiệp, nhà máy sẽ đưa ra các nội quy chung về vệ sinh cũng như đưa ra các hình thức kiểm tra, mức xử phạt nếu vi phạm những nội quy đó. Mặc dù tại nhiều công xưởng nhà máy, đặc biệt các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân đã chấp hành khá tốt, tuy nhiên vẫn còn ở mức đối phó, chưa xuất phát từ ý thức của bản thân.
Ý thức quá kém của công nhân làm cho doanh nghiệp mệt mỏi, công đoàn đau đầu vì đã tuyên truyền nhiều lần mà không hiệu quả. Thậm chí có doanh nghiệp đã cắt tiền nghỉ mát của công nhân để thuê người dọn rác, làm vệ sinh môi trường vì ý thức của công nhân quá kém.
Vô tư nói chuyện, nghỉ ngơi khi không có mặt quản lý
Tình trạng tranh thủ tụ tập nói chuyện, nghỉ ngơi khi không có sự xuất hiện của quản lý không còn xa lạ gì đối với công nhân Việt Nam. Dường như công nhân Việt Nam chưa bao giờ đặt lợi ích chung của cả doanh nghiệp là quan trọng. Họ chỉ quan tâm mức lương trong tháng đó họ nhận được là bao nhiêu. Mà không chịu hiểu rằng, doanh nghiệp có phát triển tốt thì mới có thể trả cho công nhân những mức lương cao và những đãi ngộ xứng đáng.
Đặc biệt còn có một bộ phận công nhân luôn cảm thấy họ đang bị doanh nghiệp bóc lột sức lao động, vì vậy chỉ chăm chăm đòi hỏi lợi ích cho bản thân mình chứ không muốn cống hiến cho công ty.
An toàn của mình mà công nhân không quan tâm !
An toàn lao động luôn là khẩu hiệu được treo lớn ở các phân xưởng, nhà máy. Các doanh nghiệp cũng đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ đầy đủ, các biển cảnh báo, hướng dẫn sử dụng đồ bảo hộ. Nhưng các công nhân hình như không mấy quan tâm đến an toàn của bản thân mình. Yêu cầu mang găng tay, khẩu trang để tránh độc hại khi sử dụng keo dán dày của một số doanh nghiệp sản xuất giày da dường như không có tác dụng. Mặc dù công đoàn đã nhiều lần nhắc nhở về tác hại của các loại keo này. Nhiều doanh nghiệp phải đưa ra mức phạt mạnh tay khi công nhân vi phạm quy định về an toàn lao động mới cải thiện được tình hình. Thật lạ khi những hành động mạng lại an toàn cho bản thân phải chờ người khác phạt thì công nhân mới thực hiện.
Xem thêm: 11 nguyên tắc an toàn khi tiếp xúc hóa chất công nhân cần nhớ
Gây sự đánh nhau với đồng nghiệp và quản lý
Một số công nhân, kể cả nam và nữ đều sẵn sàng gây gổ đánh nhau với đồng nghiệp và cả quản lý khi phát sinh mâu thuẫn trong công việc. Thậm chí họ có thể tụ tập đập phá máy móc nhà xưởng và cho đó là tinh thần đoàn kết. Doanh nghiệp sợ nhất khi gặp phải tình trạng như vậy. Bởi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, thiệt hại nhiều về tải sản. Còn để kiện tụng và ép buộc công nhân bồi thường thì mất rất nhiều thời gian và công sức.
Tự ý nghỉ việc
Tình trạng lao động tự ý nghỉ việc, bỏ việc cũng khá phổ biến tại các khu công nghiệp ở Việt Nam. Nhiều công nhân mới làm việc 1, 2 tháng liền nghỉ ngang mà không xin phép; hay cũng có những người sau khi bị xử lý kỷ luật thì trốn tránh và nghỉ việc không cần nộp đơn xin thôi việc. Nhiều người đang lao động ở nước ngoài cũng tự ý bỏ trốn khi hết hợp đồng hay không tham gia đến cuối khóa đào tạo về định hướng tay nghề mà bỏ ngang vì nhiều lý do. Các doanh nghiệp nước ngoài mất rất nhiều thời gian để xử lý thủ tục, tuyển người thay thế, kế hoạch sản xuất kinh doanh bị lỡ dở. Do đó một số thị trường lao động ở nước ngoài rất e ngại khi tuyển lao động là người Việt Nam.
Ý thức kém của đại bộ phận công nhân Việt Nam khiến bản thân họ là người thiệt thòi
Không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và tài sản của doanh nghiệp, không góp phần nâng cao năng suất sản xuất làm các công nhân Việt Nam khó có được những lợi ích như họ mong muốn. Bởi muốn doanh nghiệp tăng lương, tăng ưu đãi trước tiên công nhân phải giúp doanh nghiệp gia tăng được doanh thu và lợi nhuận. Khi doanh nghiệp đang mệt mỏi với ý thức của công nhân thì thật khó để thúc đẩy sự phát triển của công ty được suôn sẻ như mong đợi.
Ms. Công nhân