Nên làm gì để thoát chết khi bị nhốt trong kho đông lạnh?
27.05.2020 3345 hongthuy95
Notes ngay các giải pháp cứu nguy được Tuyencongnhan.vn chia sẻ hôm nay để nếu chẳng may một ngày xui xẻo nào đó bị nhốt trong kho đông lạnh, bạn cũng sẽ bình tĩnh và đủ thông minh để kéo dài sự sống và tự cứu mình…
Tại sao lại bị nhốt trong kho đông lạnh?
Bỏ qua những trường hợp giả định như trên TV, rằng vì thù hằn mà “dụ”, lôi kéo người khác vào kho đông lạnh rồi khóa trái cửa lại để hãm hại cho đến chết. Những người có liên quan, được phân công vào kho đông lạnh như nhân viên kho, nhân viên hay quản lý nhà hàng, đầu bếp hoặc bất kỳ người nào khác đi vào đó để kiểm tra và lấy hàng đều có nguy cơ bị nhốt lại bên trong vì cửa đóng kín do bất cẩn.
Ngoài ra, tồn tại một số lý do khác như bảo vệ sơ ý kéo cửa lại khi hết ca mà không kiểm tra xem bên trong có người không cũng vô tình đẩy người khác vào tình thế mất mạng.
Sẽ ra sao nếu bị nhốt trong kho đông lạnh?
Bạn phải biết rằng, kho đông lạnh là nơi lưu trữ và bảo quản thực phẩm. Nơi đó là một căn phòng (thùng kim loại) kín, gồm các bức tường dày đến 15cm được làm bằng thép không gỉ và luôn duy trì nhiệt độ cực thấp, khoảng -18 đến -220C. Và cơ thể người chắc chắn không thể sống sót nổi nếu ở lại bên trong quá lâu.
Có 3 mức độ phản ứng chính sẽ xảy ra với cơ thể khi bị nhốt trong kho đông lạnh, đó là:
- Hạ thân nhiệt: cơ thể bạn sẽ bị hạ thân nhiệt dần dần từ mức độ nhẹ (36 - 340C) – mức độ trung bình (32 - 230C) – mức độ nghiêm trọng (20 - 120C). Lúc này, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, chân tay tê cứng, hơi thở chậm dần, bắt đầu mất ý thức, ngừng tim và tử vong sau đó.
- Bỏng lạnh: tình trạng này sẽ bắt đầu xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với môi trường ở mức nhiệt giảm dần từ 00C. Khi đó, các mô, nhất là tay, chân, mặt, mũi, tai, đầu… sẽ bị tổn thương, bỏng đến hoại tử
- Không có không khí để thở: cơ thể sẽ không thể hô hấp vì bị rút cạn oxy, đầy CO2 trong một không gian kín.
- Và cuối cùng: MẤT MẠNG nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Làm gì khi bị nhốt trong kho đông lạnh?
Thông thường, sẽ rất ít người ra vào hay lui tới khu vực kho đông lạnh nếu không được phân công hay chỉ định. Vì vậy, rất khó để xuất hiện “phép màu” như trường hợp cô công nhân trẻ vì hàng ngày chào hỏi thân thiện với bác bảo vệ nên hôm đó, do không thấy cô tan ca nên bác đã đi kiểm tra một lượt nhà máy rồi phát hiện và cứu sống cô ngay sau đó trong kho đông lạnh.
Vậy phải làm gì để duy trì sự sống lâu nhất có thể để đợi người đến cứu?
Không cách nào khác là hạn chế để cơ thể xuất hiện những phản ứng trên đây. Cụ thể:
- Hết sức bình tĩnh
Trong mọi trường hợp, hãy luôn giữ bình tĩnh để đủ tỉnh táo suy xét vấn đề, phán đoán tình hình để tìm ra giải pháp cứu nguy. Việc la hét và hoảng loạn, đập phá trong kho đông lạnh với hy vọng sẽ có người nghe thấy đến cứu không những không có tác dụng mà còn khiến cơ thể nhanh rơi vào những phản ứng tiêu cực, tuyệt vọng hơn.
- Hạn chế để cơ thể mất nhiệt
Tìm ngay bìa các-tông hay giấy gói thực phẩm, rèm nhựa (thường được treo ngay cửa ra vào) hay keo dán để tạo thành “áo khoát” và quấn quanh người. Một lớp “màn che” kín sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng mất/ giảm nhiệt cho cơ thể. Cũng cần tránh lượng nhiệt truyền từ sàn lên cơ thể bằng cách đứng, ngồi, nằm trên một tấm lót (bìa các-tông) được tìm thấy trong kho.
Hãy bình tĩnh, cố gắng thở đều và chậm; tuyệt đối không thở nhanh và gấp, vì như thế sẽ khiến thân nhiệt càng giảm mạnh hơn. Trường hợp kho đông lạnh có nhiều khu, dùng lưu trữ nhiều loại thực phẩm hay nguyên liệu chuyên dụng – hãy nhanh chóng di chuyển đến khu vực có nhiệt độ trữ đông cao hơn.
- Không để cơ thế bị bỏng lạnh
Cố gắng không để phần đầu, tay, chân tiếp xúc quá nhiều với không khí lạnh. Có thể dùng băng dán tạo thành mũ trùm kín đầu hay tận dụng áo khoát ngoài che chắn vùng đầu và các vùng hở khác rồi cố định bằng băng dính để hạn chế tối đa việc thoát nhiệt, đồng thời giúp các mô không bị tổn thương và bỏng lạnh.
- Không để bị ngộ độc CO2, thiếu không khí để thở
Thông thường, sẽ có khoảng 20% O2 và gần 0% CO2 tồn tại trong không khí bên trong kho đông lạnh. Tuy nhiên, trường hợp có người bên trong, mỗi khi thở, cơ thể người sẽ hấp thụ O2 và giải phóng CO2. Do đó, việc bị ngộ độc khí và không thể hô hấp sẽ cướp đi sự sống trong khoảng vài giờ. Vậy, làm gì để tiết kiệm lượng O2 quý giá? – Hãy nằm yên, thở chậm, không hoảng loạn, la hét hay cố suy nghĩ hoặc làm những việc mất sức. Dĩ nhiên, phải đảm bảo cơ thể được bảo vệ để tránh bị hạ thân nhiệt hay bỏng lạnh.
Mọi giải pháp cứu nguy cần được thực hiện nhanh chóng và chính xác để đảm bảo mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, mọi chia sẻ và kinh nghiệm đều chỉ dừng lại ở mức tham khảo và giả định. Không ai chắc chắn có thể sống sót trong hàng chục tiếng đồng hồ bên trong kho đông lạnh nếu không có người phát hiện và cấp cứu kịp thời. Vì thế, hãy luôn lưu ý nhân viên thường xuyên phân công kiểm tra tình hình – tập huấn cho công nhân viên tự cứu mình nếu gặp tình huống nguy hiểm khẩn cấp (như bị nhốt trong kho lạnh) – trang bị hộp dụng cụ sơ cứu chuyên dụng tại khu vực cần thiết – lường trước mọi trường hợp mất an toàn có thể xảy đến để có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả… Người bị nạn cần hết sức bình tĩnh, cẩn trọng khi phán đoán và giải quyết sự cố!
Ms. Công nhân