Nhói lòng cảnh sống kiệt quệ của gia đình công nhân sau mất việc
24.07.2020 1594 hongthuy95
Hôm đó, Hà trong đám đông khoảng 200 công nhân buồn bã giao lại thẻ nhân viên, cầm 3 triệu tiền lương cuối cùng rồi nghỉ việc, rời nhà máy. Rồi đây, tiền đâu chạy chữa thuốc thang cho con trai bị ung thư máu, lo đồ ăn thức uống cho gia đình 4 người cùng bố chồng bị tai biến và 3 đứa cháu đang tuổi lớn…
Tiền lương công nhân là thu nhập duy nhất chữa ung thư máu cho con
Chị Hà (30 tuổi) xin vào làm công nhân cho công ty giày da tại Nghi Sơn, Thanh Hóa hồi tháng 3. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà nằm trong danh sách 200 công nhân bị cắt giảm đầu tiên, phải chịu cảnh mất việc từ tháng 4 tới. Lúc đó, chị vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. 20 ngày công - 3 triệu đồng có thể là thu nhập sau cùng chị nhận được nếu không tìm được việc làm mới trong mùa dịch. Vậy mà có thời điểm chị Hà nghĩ, “mình sẽ dùng số tiền này và vay mượn thêm cho các đợt chạy chữa ung thư cho con”.
Phùng Nhật Minh (con trai cả của vợ chồng chị Hà, anh Tú) năm nay 11 tuổi, học lớp 5 do có 2 lần học lớp 1. Cậu bé phát hiện bị ung thư máu cách đây 7 năm, hiện theo điều trị ngoại trú tại Viện huyết học truyền máu Trung ương. Cứ cách 1-2 tháng lại ra thăm khám 1 lần.
Tờ mờ sáng chừng 1h30 22/7, Tú chạy xe máy đưa vợ con ra đầu dường quốc lộ cách nhà 6km để bắt xe lên Hà Nội. Tối hôm trước, anh dúi vội vào tay vợ tờ giấy gấp đôi, bên trong có 4,2 triệu làm lộ phí. Anh bảo 1,5 triệu là tiền tiết kiệm, 700 nghìn tiền bán tôm, còn 2 triệu kia vay của anh trai.
Được biết, chi phí cho mỗi lần thăm khám và vào thuốc không hề nhỏ. Trong khi, gia đình chị giờ đây gần như không có nguồn thu sau ngày mất việc.
Túng quẫn dồn dập với bao biến cố không kể hết
Có tìm hiểu mới biết, cuộc sống của chị và gia đình là chuỗi những ngày dài không mấy tươi sáng và niềm vui cười. Bởi, bất hạnh cứ chồng chất bất hạnh – khó khăn nối tiếp khó khăn.
Anh Tú, chồng chị năm nay 32 tuổi. 17 năm lăn lộn với đủ loại công việc từ phụ hồ, bốc vác, bóc hạt điều đến lái xe tải. Không may, năm 2016, anh va quẹt giao thông làm chết người; bản thân vướng lao lý, chị Hà ở nhà chạy vạy bồi thường 200 triệu cho nạn nhân. Ngày ra tù, Tú bỏ nghề lái xe tải chở cát công trình, vay ngân hàng 50 triệu rồi thuê ao nuôi tôm thẻ chân trắng cùng cá nước ngọt. Bao nhiêu hy vọng lụi tắt dần khi hai lần thả con giống, tôm đều chết ngửa trắng bụng 1 tháng sau đó. Số con ít ỏi còn lại không đủ bù lỗ cho số vốn bỏ ra. Nợ càng thêm nợ.
Lo cho bệnh tình đứa con trai đầu chưa khỏi, nhiều đêm Hà mất ngủ vì canh cánh nguy cơ di truyền của cậu con trai thứ. Thằng bé nay 5 tuổi và thi thoảng xuất hiện các biểu hiện mà anh nó từng gặp như bị sốt cao, chân tay đau nhứt không rõ nguyên do. Chị muốn đưa con đi xét nghiệm lắm nhưng đang phải dồn tiền điều trị cho đứa lớn. Rồi chưa kể bầu thai 4 tháng chị đang mang, bác sĩ cũng đang khuyên làm các xét nghiệm sàng lọc. Sau khi nhận được kết quả hồng cầu bình thường nhưng nghi nhiễm giun sán, thay vì làm tiếp xét nghiệm tìm ký sinh trùng, Hà lẳng lặng ra khỏi bệnh viện, kịp bắt chuyến xe chiều về quê.
Biến cố chưa dứt, cha chồng Hà bị tai biến nằm một chỗ, phần lớn sinh hoạt của ông do chị lo lắng suốt 6 năm nay. Mẹ chồng không may mắc ung thư gan, đã qua đời 2 năm trước.
Trong căn nhà chật hẹp 7 năm rồi chưa xây trát, bữa cơm tối đạm bạc lúc 20h trên phần sân thiếu sáng của một gia đình 4 người, cùng 3 đứa cháu không một tiếng cười đùa. Bên trong chưa có phòng khách, chỉ có vỏn vẹn 1 buồng ngủ, khu bếp tạm và nhà vệ sinh.
Một ngày sau mất việc, chị Hà đi khắp các con đường quanh khu công nghiệp tìm công việc mới. Ấy thế nhưng không ai nhận. 17h30 chiều, chuyến xe đưa đón công nhân của công ty theo lịch dừng lại ngay đầu làng, Hà chỉ biết đứng nhìn đồng nghiệp lần lượt bước xuống xe rồi lầm lũi đi về. Chị lo lắng cho cái ăn của gia đình mình, lo sợ căn bệnh dữ của đứa con trai đầu, cả đứa giữa và mầm sống 4 tháng chị đang mang trong bụng. “Rồi lấy đâu ra tiền hàng tháng để chi tiêu…”
(Theo: VnExpress)