Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ năm 2017
03.01.2017 3090 ungvien
Quy định tăng lương tối thiểu, xử phạt xe không chính chủ, phí xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… là những chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ 2017.
Tăng lương tối thiểu vùng
Kể từ ngày 1/1/2017, nghị định về tăng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng làm việc sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, người lao động vùng I, sẽ được tăng lương thêm 250.000 đồng, vùng II được tăng 220.000 đồng, vùng III tăng 200.000 đồng, vùng IV tăng 180.000 đồng.
Xem bảng phân chia vùng: Tại đây
Quy định xử phạt xe máy không chính chủ
Nghị định 46 về xử phạt xe không chính chủ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Nếu cá nhân sở hữu mô tô, xe máy mà không thực hiện việc sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng. Với tổ chức thì mức phạt áp dụng là từ 200.000 – 400.000 đồng.
Quy định về xử phạt xe không chính chủ công nhân cần biết: Tại đây
Xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm môi trường
Từ ngày 1/2/2017, nghị định 155 về xử phạt hành chính đối với tổ chức vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ được áp dụng chính thức vào thực tiễn. Theo đó, mức phạt hành chính tối đa khi cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng và mức áp dụng đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.
Một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nặng như: vứt rác thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước thải, ra vỉa hè, lề đường (phạt 5 – 7 triệu đồng); vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định (3 – 5 triệu đồng); đại tiện, tiểu tiện không đúng nơi quy định (1 – 3 triệu đồng)…
Mức phí làm căn cước công dân
Quy định về quản lý lệ phí, chế độ thu, mức thu, nộp phí cấp căn cước công dân chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Mức phí 30.000 đồng áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới; đổi thẻ căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 12 số, 9 số sang thẻ căn cước công dân.
Mức phí 50.000 đồng áp dụng đối với công dân có nguyện vọng đổi thẻ căn cước công dân trong trường hợp bị hư hỏng hay cần thay đổi thông tin trên thẻ. Mức phí 70.000 đồng được áp dụng trong trường hợp công dân xin cấp lại thẻ do bị mất hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Công dân Việt Nam thường trú tại các xã biên giới, hải đảo, khu vực miền núi sẽ được giảm 50% mức phí quy định trên. Một số trường hợp được miễn phí thu khi làm thẻ căn cước công dân gồm: con dưới 18 tuổi của thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; công dân là vợ, chồng, bố, mẹ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; khi nhà nước thay đổi địa giới hành chính, sáp nhập hay tách tỉnh,…
Ms. Công nhân