Nike đầu tư dây chuyền tự động, lo ngại hàng trăm nghìn lao động Việt mất việc làm
27.10.2017 3074 bientap
Theo số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia có lượng công nhân gia công các sản phẩm giày cho hãng Nike lớn nhất thế giới với hơn 200.000 lao động. Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hãng này đang dần đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, nhưng cùng với đó là lo ngại hàng trăm nghìn lao động Việt sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm…
Bắt đầu từ năm 2015, hãng Nike đã tiến hành hợp tác với Flex – một công ty công nghệ cao nổi tiếng để đưa nhiều máy móc vào quá trình sản xuất giày. Nhà máy của Flex tại Mexico không chỉ trở thành nơi chịu trách nhiệm sản xuất một số mẫu giày của Nike mà còn tiến hành thử nghiệm các giải pháp cải tiến mới như ghép tự động, cắt bằng laser… để đưa vào áp dụng cho chuỗi nhà máy của Nike trên toàn cầu.
Đứng về phía đơn vị sản xuất giày, việc tăng cường yếu tố tự động hóa này mang lại cho Nike 2 lợi ích lớn. Một là giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hai là giúp tạo ra các mẫu thiết kế nhanh hơn, đáp ứng gu thời trang ngày càng cao của khách hàng.
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của Nile khi đầu tư công nghệ vào quy trình sản xuất là rất lớn. Theo phân tích của giới chuyên gia, khi áp dụng quy trình của Flex để sản xuất mẫu giày bán chạy nhất của Nike trong năm nay là Air Max 2017 thì chi phí nguyên liệu và tiền nhân công sẽ giảm lần lượt là 20% - 50%. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ tăng từ 12,5% lên 55%.
Bạn muốn xem thêm: 90% công nhân một nhà máy ở Bình Dương đã mất việc vì robot
Theo nhận định của ngân hàng quốc tế Citibank, nếu công nghệ của Flex giúp sản xuất được 30% tổng lượng giày của Nike tại Bắc Mỹ thì hãng này có thể tiết kiệm được một khoản chi phí nguyên liệu và nhân công lên đến 400 triệu USD, tương đương với giá trị cổ phiếu sẽ tăng thêm 5%.
Giám đốc tài chính của Flex – Chris Collier cho biết: “Flex và Nike đang hợp tác với nhau để hiện đại hóa ngành công nghiệp giày dép. Với sản xuất truyền thống để hoàn thành một sản phẩm mới phải mất vài tháng, tuy nhiên, với công nghệ mới, chúng tôi cam kết sẽ giúp giảm thiểu thời gian này xuống còn 3 đến 4 tuần.”
Với lợi ích rõ ràng như thế này, làm sao Nike có thể đứng im trước cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng này được.
Nike được biết đến là một trong những nhà tuyển dụng đa quốc gia lớn nhất với khoảng 1,02 triệu công nhân làm việc tại 42 quốc gia. Và Việt Nam được biết đến là quốc gia có lượng công nhân gia công làm việc cho Nike đông nhất thế giới với hơn 200.000 lao động, cung cấp hơn 40% tổng sản lượng giày của hãng này.
Trên thực tế, hãng Nike cũng đã giảm thiểu gần 200 nhà máy trong chuỗi cung ứng của mình trong 5 năm qua để chuyển hướng đầu tư cho tự động hóa. Trong tương lai gần, khi robot dần xuất hiện nhiều hơn trong các nhà máy sản xuất của Nike lo ngại nhiều công nhân mất việc làm sẽ xảy ra… Không chỉ da giày, dệt may và sản xuất – lắp linh kiện điện tử … cũng là lĩnh vực dễ bị công nghệ thay thế. Và chính điều này sẽ khiến Việt Nam mất đi ưu thế là nền sản xuất dựa trên lao động giá rẻ.
Giải pháp nào để giải quyết lo ngại này là một bài toán kinh tế vĩ mô mà các nhà quản lý chuyên môn cần phải quan tâm. Riêng bản thân mỗi người lao động cần phải “tự thay đổi mình” để thích ứng với nền sản xuất mới…
Xem thêm: Học ngành gì dễ xin việc nhất hiện nay?
Ms.Công nhân