Tại sao các ông lớn như Samsung, LG, Foxconn chọn đặt nhà máy ở phía Bắc mà không phải phía Nam?
28.08.2019 5323 hongthuy95
Thay vì đặt nhà máy tại vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước ở phía Nam, các ông lớn như Samsung, LG hay Foxconn lại chọn đặt ở phía Bắc. Tại sao lại như vậy? Cùng Tuyencongnhan.vn tìm hiểu xem nguyên do là gì nhé!
Phía Nam là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước, sau mới đến phía Bắc
Nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là:
+ Phía Bắc: gồm 7 tỉnh thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh – hiện có 102 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, phát triển nhất ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh – tập trung hút FDI của các ngành công nghiệp mới, nổi tiếng và có quy mô là các ông lớn như Samsung, LG, Foxconn, Microsoft, Canon…
+ Trung bộ: gồm 6 tỉnh thành phố là: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa – đặc trưng là khu kinh tế cảng biển tổng hợp, giàu tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải
+ Phía Nam: gồm 8 tỉnh thành phố là: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh – hiện có 129 KCN đang hoạt động, nhiều nhất tại Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai – tập trung khai thác và phát triển các ngành công nghiệp truyền thống như nhựa và dệt may
+ Đồng bằng sông Cửu Long: gồm 5 tỉnh thành phố là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp – tập trung sản xuất và xuất khẩu lương thực, trái cây nhiệt đới, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản
Trong 4 vùng KTTĐ trên, phía Nam là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, chiếm 45,42% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/ thành phố) cả nước, đóng góp 42% vào ngân sách nhà nước, 40% kim ngạch xuất nhập khẩu và 40% vốn FDI đăng ký năm 2018 – tiếp đến là phía Bắc, chiếm 31,73% GRDP cả nước, đóng góp 32% kim ngạch xuất khẩu, 38% vốn FDI đăng ký năm 2018 - tuy nhiên, vùng KTTĐ này có tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình cao nhất trong 4 vùng giai đoạn 2016-2018, đạt 9,08%, vượt mục tiêu đề ra của Chính Phủ cho giai đoạn 2016-2020 là 9%, trong khi vùng KTTĐ phía Nam đang có xu hướng tăng chậm lại.
Tại sao các ông lớn như Samsung, LG, Foxconn lại chọn đặt nhà máy ở phía Bắc thay vì phía Nam?
Như đã đề cập trên đây, miền Bắc hiện tập trung thu hút FDI của các ngành công nghệ mới, định hướng phát triển công nghiệp điện, điện tử và phần cứng, lắp ráp ô tô, đóng tàu… với các công ty vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Foxconn, Microsoft hay Canon… Vậy, tại sao các ông lớn này lại chọn đặt nhà máy tại miền Bắc thay vì di chuyển xuống phía Nam, nơi là vùng KTTĐ lớn nhất nước?
Giải thích điều này, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra 4 lý do thuyết phục sau đây:
+ Thứ nhất, so với vùng KTTĐ phía Nam, vùng KTTĐ phía Bắc rất gần Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư và giao thương, đàm phán
+ Thứ hai, vùng KTTĐ phía Bắc có nhiều đường cao tốc hơn, 14 đường với tổng độ dài là 1.368km, trong khi ở vùng KTTĐ phía Nam chỉ có 7 đường, độ dài chỉ 983km – điều đó thuận lợi cho việc di chuyển và vận chuyển
+ Thứ ba, mật độ dân số ở vùng KTTĐ phía Bắc cao hơn gần như gấp 2 lần vùng KTTĐ phía Nam với 946 người/m2 so với 586 người/m2 – dễ thu hút lao động thiếu việc làm, lao động trẻ và rẻ, được đào tạo tốt
+ Cuối cùng, giá thuê đất và thuê kho bình quân ở vùng KTTĐ phía Bắc thấp hơn vùng KTTĐ phía Nam, với 80 USD/m2/50 năm cho thuê đất, 3-5,7 USD/m2/ tháng cho thuê kho so với 95 USD/m2/50 năm cho thuê đất, tại Tp.HCM cao nhất cả nước, lên đến 162 USD/m2/ 50 năm cho thuê đất và 3,5-5 USD/m2/ tháng trong 3-5 năm.
Dù xuất phát từ lý do gì đi chăng nữa thì việc các ông lớn trong ngành công nghiệp mới lựa chọn đặt nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện tại phía Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung mang đến nhiều ích lợi cho nền kinh tế - xã hội nước nhà, góp phần tăng GDP, tạo việc làm, giải quyết nhu cầu tìm việc nhà máy - khu công nghiệp cho người lao động trên cả nước. Tương lai, chuyện Việt Nam trở thành công xưởng thế giới có thể sẽ sớm thành hiện thực.
Ms. Công nhân