Tạm hoãn HĐLĐ do dịch Covid-19 và 7 điều công nhân cần biết
26.11.2021 1849 hongthuy95
MỤC LỤC
- Tạm hoãn HĐLĐ là gì?
- Khi nào thì tạm hoãn HĐLĐ?
- Lương của NLĐ sẽ thế nào khi tạm hoãn HĐLĐ?
- NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ có được đóng BHXH không?
- NLĐ có được gọi trở lại làm việc sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ?
- NSDLĐ không nhận lại NLĐ khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ bị xử lý thế nào?
- NLĐ tạm hoãn HĐLĐ được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 khi nào? Bao nhiêu?
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không ít lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Vậy tạm hoãn HĐLĐ là gì? Lương và BHXH sẽ như thế nào? NLĐ có được trở lại làm việc sau khi hết thời gian tạm hoãn không?... Nếu đang bị tạm hoãn HĐLĐ và hoang mang với mớ thắc mắc này thì đọc ngay bài viết dưới đây của Vieclamnhamay.vn để được giải đáp!
![tạm hoãn hđlđ do dịch covid](/files/Anh-TCN-Hong/tam-hoan-hdld-do-dich-covid-19-1.jpg)
Tạm hoãn HĐLĐ là gì?
Tạm hoãn Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là trường hợp NLĐ bị tạm dừng thực hiện HĐLĐ đã ký kết trước đó trong một khoảng thời gian nhất định có lý do theo sự thỏa thuận giữa 2 bên (NLĐ và NSDLĐ) hoặc theo quy định của pháp luật.
Khi nào thì tạm hoãn HĐLĐ?
![tạm hoãn hđlđ do dịch covid](/files/Anh-TCN-Hong/tam-hoan-hdld-do-dich-covid-19-2.png)
Một trường hợp tạm hoãn HĐLĐ phổ biến nhất hiện nay chính là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dù đã tìm mọi cách để khắc phục và tạo điều kiện để NLĐ có việc làm nhưng không thể dẫn đến bị buộc thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự hoặc ngưng hoạt động để phòng, chống dịch thì được thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ với NLĐ đúng luật.
Lương của NLĐ sẽ thế nào khi tạm hoãn HĐLĐ?
Luật quy định trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ, NLĐ sẽ không được hưởng lương và các quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp có thỏa thuận giữa 2 bên hay quy định cụ thể của pháp luật.
NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ có được đóng BHXH không?
Luật quy định thời gian làm việc tối thiểu đủ điều kiện trích lương hàng tháng tính đóng BHXH cho NLĐ là từ đủ 14 ngày trở lên trong tháng. Như vậy, nếu NLĐ tạm hoãn HĐLĐ nhiều hơn 14 ngày thì sẽ không được tham gia BHXH của tháng đó để tính hưởng quyền lợi, chế độ về sau.
NLĐ có được gọi trở lại làm việc sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ?
Điều 31 Luật Lao động 2019 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ, NLĐ phải có mặt tại nơi làm việc, đồng thời NSDLĐ phải nhận NLĐ này trở lại làm công việc theo đúng HĐLĐ đã giao kết và còn hạn, trừ trường hợp pháp luật hoặc 2 bên có thỏa thuận cụ thể khác.
NSDLĐ không nhận lại NLĐ khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ bị xử lý thế nào?
Trường hợp NSDLĐ không nhận NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ theo quy định và thỏa thuận thì sẽ bị phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng; bị buộc trả lương cho NLĐ tương ứng với tiền lương trong những ngày không nhận lại NLĐ làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ đó.
NLĐ tạm hoãn HĐLĐ được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 khi nào? Bao nhiêu?
NLĐ làm việc tại doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến phải tạm hoãn HĐLĐ từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 - đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm bị tạm hoãn HĐLĐ thì được hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt, mức hưởng là: 1.855.000 đồng/người nếu bị tạm hoãn HĐLĐ từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày - 3.710.000 đồng/người nếu bị tạm hoãn HĐLĐ từ 30 ngày trở lên - được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người đối với lao động nữ mang thai - được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em đối với NLĐ (là bố hoặc mẹ hoặc người chăm sóc hợp pháp) đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi.
![tạm hoãn hđlđ do dịch covid](/files/Anh-TCN-Hong/tam-hoan-hdld-do-dich-covid-19-4.jpg)
Tạm hoãn HĐLĐ do dịch Covid-19 có thể coi là trường hợp bất khả kháng, là bước đi không hề mong muốn của cả NSDLĐ lẫn NLĐ. Tuy nhiên, phía NLĐ dù không được hưởng lương và tham gia BHXH nếu tạm hoãn HĐLĐ nhiều hơn 14 ngày nhưng bù lại, vẫn được nhận hỗ trợ Covid từ chính phủ và được doanh nghiệp cam kết nhận lại làm việc sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ theo thỏa thuận.
Ms. Công nhân (tổng hợp)