10 kinh nghiệm lái xe an toàn chỉ tài xế lâu năm mới biết
15.05.2018 2529 hongthuy95
Bạn là lái xe mới vào nghề và luôn mong muốn trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm lái xe an toàn cho bản thân? Bạn tìm kiếm qua sách mở, báo đài hay tại các trung tâm đào tạo nhưng cảm thấy chưa thực tế? Hiểu được điều này, Tuyencongnhan.vn xin chia sẻ 10 kinh nghiệm lái xe an toàn chỉ tài xế lâu năm mới biết để bạn tham khảo và áp dụng…
Bạn đã biết những kinh nghiệm lái xe an toàn?
► Dùng tay phải để mở cửa xe
Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng thao tác dùng tay ngược với hướng ngồi để thao tác mở - đóng cửa mỗi khi lên - xuống xe là “kinh nghiệm xương máu” được các “xế già” chia sẻ sau nhiều năm hành nghề. Thống kê cho thấy đã có rất nhiều các vụ tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người chỉ vì tài xế chủ quan trong việc mở cửa xe. Đây cũng là lỗi nhỏ cơ bản mà hầu hết các lái xe mới vào nghề gần như đều phạm phải. Kinh nghiệm cho bạn là dùng tay phải để mở cửa xe (tài xế ngồi về phía bên trái của xe) hoặc dùng tay trái để mở cửa xe bên phải nếu là lái phụ. Việc dùng tay ngược hướng ngồi để mở - đóng cửa xe giúp lái xe có góc quan sát rộng hơn vì phải xoay người.
► Đặt chân phải và chân trái vào đúng vị trí
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các xe đều chỉ định vị trí đặt bàn chân trái/ phải cho các tài xế. Việc đặt bàn chân vào đúng vị trí giúp lái xe có tư thế ngồi thoải mái nhất, đảm bảo thực hiện các thao tác được thuận tiện và hiệu quả nhất, tránh tình trạng không xử lý kịp bởi một số tình huống phát sinh. Cụ thể:
- Bàn chân phải phải được đặt sao cho gót chân dùng làm điểm tựa dưới sàn xe, mũi chân đặt nhẹ trên bàn đạp ga/ phanh; tuyệt đối không được đặt chân vuông góc với sàn xe hoặc đút dưới bàn đạp ga/ phanh vì sẽ làm chậm quá trình thực hiện thao tác tăng ga/ ấn phanh, có thể gây nhầm lẫn giữa việc đạp chân ga thay vì phải đạp chân phanh
- Bàn chân trái phải đặt đúng trên giá (nếu xe có thiết kế riêng) hoặc đặt sao cho thế bàn chân hơi dốc lên song song và gần nhất có thể với bàn đạp côn; không nên đặt bàn chân trái dưới bàn đạp côn hoặc vuông góc với sàn xe sẽ có thể khiến chân bị vướng bởi bàn đạp côn khi cần nhấc lên hoặc thao tác cắt côn chậm, chuyển số chậm (do đặt chân quá xa bàn đạp côn) gây chết máy, hiệu quả phanh thấp,…
Đặt chân vào đúng vị trí quy định giúp mọi thao tác của chân được thực hiện linh hoạt, hiệu quả và chính xác hơn, giảm thiểu tối đa hậu quả ngoài ý muốn vì thao tác chậm
► Kiểm tra tư thế ngồi đúng
Tạo thói quen kiểm tra tư thế ngồi hiện tại có đúng hay không bất kể xe của mình hay xe lạ; tư thế ngồi đúng giúp các lái xe có được sự linh hoạt trong quá trình điều khiển và vận hành xe. Lái xe có thể thực hiện kiểm tra nhanh tư thế ngồi đúng hay chưa bằng cách: tay trái giữ nhẹ vô lăng, tay phải giữ nhẹ cần số ở vị trí số 0, chân trái đạp côn bằng mũi bàn chân (đạp dứt khoát và thả từ từ) sao cho bàn đạp côn chạm sàn, chân trái ở vị trí gối hơi thấp nhưng vẫn cảm thấy thoải mái là được
► Kiểm tra hiệu lực chân phanh và chân ga
- Thực hiện kiểm tra hiệu lực chân phanh bằng cách dùng chân phải đạp mạnh chân phanh vài lần một cách dứt khoát, đảm bảo khi đạp hết hành trình chân phanh phải cứng; trường hợp chân phanh dẻo và lún dần hoặc bị chạm sàn, chân phanh dính không trả lại tư thế ban đầu sau khi thả chân đạp thì phanh không đảm bảo an toàn, phải nhanh chóng đưa xe đi kiểm tra, sửa chữa.
- Thực hiện kiểm tra hiệu lực chân ga bằng cách đạp và nhả chân ga vài lần, đảm bảo chân ga sẽ tự trả sau khi đạp, điều này giúp lái xe linh hoạt trong thao tác tăng ga để lấy đà và ngớt ga để tăng giảm số, giảm tốc độ; trường hợp dính chân ga, tuột thước ga thì không đảm bảo an toàn.
Lái xe cần kiểm tra hiệu lực chân phanh và chân ga trước mỗi chuyến hành trình, đảm bảo mọi thứ luôn hoạt động tốt
► Khởi động xe đúng cách
Trước khi khởi động động cơ, hãy chắc chắn rằng tay số đang ở vị trí số 0. Thực hiện đạp côn hết hành trình, đồng thời vặn chìa khóa theo chiều kim đồng hồ đến khi nghe tiếng máy nổ thì lập tức buông tay. Hạn chế việc giữ chặt tay chìa khóa vì không nghe được tiếng máy đã nổ hay vặn chìa khóa ngược chiều kim đồng hồ sau khi động cơ đã nổ dễ dẫn đến gãy trục, dính/ cháy đề hoặc ngắt hệ thống điện, hệ thống đèn còi mất tác dụng. Ngoài ra, lái xe cũng nên lưu ý không được quên thả hoặc thả phanh tay không hết khi xuất phát rất dễ làm xe bị chết máy, cháy phanh.
► Vào số an toàn
Để đảm bảo xe vận hành êm, tuổi thọ cao, lái xe phải thành thạo các thao tác sử dụng côn, ga, số linh hoạt và nhịp nhàng trong việc vào số xe. Cụ thể, khi đang chạy số 1, muốn lên số 2, lái xe thực hiện nhả dần hết chân côn, quan sát mặt đường qua gương chiếu hậu đồng thời liếc qua bảng đồng hồ chỉ km, nếu thấy đồng hồ chỉ đến 10 km/h thì cắt côn vào số 2 là xong. Sau đó, nếu muốn lên tiếp số 3 thì thực hiện nới côn, đạp ga tăng dần đều, quan sát mặt đường và liếc thấy đồng hồ chỉ 20 km/h thì cắt côn vào số 3.
Chỉnh gương chiếu hậu ở vị trí tốt nhất giúp lái xe quan sát được mọi thứ bên trái, phải và sau xe để đảm bảo an toàn trước khi thực hiện bất cứ một thao tác nào
► Một số kinh nghiệm hữu ích khác
- Ngồi thẳng, dùng 2/3 lưng ép nhẹ vào nệm ghế, 2 tay nắm nhẹ tay lái (tuyệt đối không được nắm quá chặt hoặc gồng cứng), 2 chân co - duỗi linh hoạt, đảm bảo tư thế ngồi lái và quan sát mọi thứ tốt nhất và thoải mái nhất
- Gương chiếu hậu phải được chỉnh ở vị trí tốt nhất giúp lái xe dễ dàng quan sát được mọi phía trái, phải và sau xe khi điều khiển xe để đảm bảo an toàn. Các lái xe phải chỉnh gương chiếu hậu làm sao mà khi ngồi trên xe họ chỉ cần liếc mắt sang trái/ phải/ lên trên để quan sát đường chứ không cần phải nghiêng/ vặn/ xoay người để nhìn gương.
- Tuyệt đối tuân thủ quy định thắt dây an toàn khi điều khiển xe. Việc thắt dây an toàn giúp các lái xe có tư thế ngồi chắc chắn, giảm thiểu nguy cơ gây thương tích cho cơ thể khi gặp tai nạn, giảm cảm giác say xe,…
- Thường xuyên cập nhật các quy định mới về giao thông đường bộ để tuân thủ đúng luật và chủ động hơn khi điều khiển xe lưu thông trên đường.
- ...
Hy vọng những thông tin mà Tuyencongnhan.vn chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp các lái xe mới vào nghề lái xe an toàn trên đường phố, tuân thủ luật giao thông, bảo vệ an toàn cho bản thân, cho người và các phương tiện cùng lưu thông trên đường.
Ms. Công nhân