10 Kinh nghiệm vàng giúp “Tài non” lái xe an toàn trong mọi tình huống
25.06.2018 2766 hongthuy95
MỤC LỤC
- - Thao tác chuẩn khi vận hành xe: Côn ra - ga vào - phanh tay nhả
- - Thao tác chuyển số: Lên số lấy đà - về số vù ga
- - Kinh nghiệm đi đèo/ đường dốc: Lên số nào - xuống số đó
- - Kinh nghiệm qua khe hẹp: Đầu xuôi - đuôi lọt
- - Kinh nghiệm lùi - tiến trong các ngõ hẹp: Tiến bám lưng - lùi bám bụng
- - Thứ tự xe qua nơi giao nhau: Nhất chớm - nhì ưu - tam đường - tứ hướng
- - Hai điểm nên tránh khi chạy xe trên đường: Mưa tránh trắng - nắng tránh đen
- - Kinh nghiệm tránh động vật trên đường: Chó tránh đầu - trâu tránh đuôi
- - Hai thời điểm nguy hiểm nhất khi lái xe: Nhất chạng vạng - nhì rạng đông
- - Thao tác thường trực khi lái xe: Bỏ ga - qua thắng
Không chỉ áp dụng những kiến thức mang tính “sách vở”, rập khuôn đã được học tại các Trung tâm đào tạo, lái xe mới vào nghề (tài non) nên tìm tòi và học hỏi những kinh nghiệm lái xe an toàn từ các “xế già” lão luyện để rèn luyện kỹ năng điều khiển vô lăng cho riêng mình.
Bạn có biết những kinh nghiệm giúp lái xe mới vào nghề lái xe an toàn trong mọi tình huống?
Không phải là những câu từ đơn điệu khó hiểu, những kinh nghiệm vàng mà Tuyencongnhan.vn tổng hợp và chia sẻ dưới đây đã được những bác tài dày dạn kinh nghiệm gieo vần thành những cụm từ dễ đọc, dễ nhớ.
- Thao tác chuẩn khi vận hành xe: Côn ra - ga vào - phanh tay nhả
Thực hiện đúng theo hướng dẫn đối với các xe số sàn để luôn đảm bảo vận hành xe an toàn. Cụ thể: khi khởi hành, bạn bắt đầu với chân trái từ từ nhả chân côn, chân phải cùng lúc mớm ga, đồng thời thực hiện hạ phanh tay.
- Thao tác chuyển số: Lên số lấy đà - về số vù ga
Kinh nghiệm này giúp việc chuyển số được thực hiện êm ái, trơn tru và xe không bị giật cục.
- Kinh nghiệm đi đèo/ đường dốc: Lên số nào - xuống số đó
Kinh nghiệm này giúp lái xe đảm bảo an toàn khi vận hành xe đổ dốc, nhất là những xe chở nặng. Tuy nhiên, không nhất thiết ở đoạn đèo/ dốc nào lái xe cũng phải nhất nhất xuống đúng số khi lên. Chỉ cần lưu ý tuyệt đối không đi số cao hơn hoặc về N khi thả dốc dài.
"Lên số nào - xuống số đó" là kinh nghiệm lái xe an toàn áp dụng khi bạn vận hành xe đổ đèo/ xuống dốc
- Kinh nghiệm qua khe hẹp: Đầu xuôi - đuôi lọt
Trường hợp bắt buộc phải di chuyển xe đi qua các khe/ ngõ/ ngách hẹp, nếu lái xe đã đi lọt qua 2 gương thì cứ yên tâm là phía sau sẽ lọt (trong điều kiện không đánh lái). Lưu ý kinh nghiệm lái xe này chỉ áp dụng cho xe taxi, các xe tải không áp dụng được vì đa phần những loại xe này sẽ có thùng hàng lớn hơn đầu xe.
- Kinh nghiệm lùi - tiến trong các ngõ hẹp: Tiến bám lưng - lùi bám bụng
Kinh nghiệm này được áp dụng khi lái xe quay xe, lùi xe trong không gian hẹp như ngõ, cổng, góc tường hay có vật chắn 2 bên. Lưng ở đây được hiểu là phía thân xe ngược với hướng cua, còn bụng thì ngược lại. Cụ thể: nếu bạn muốn cho xe vào garage mà phải cua xe mới vào được thì áp dụng kinh nghiệm này. Tức là, khi vào, bạn phải mở cua rộng (bám lưng) để phần đuôi bên tay lái đánh sang (bên bụng) không bị chạm vào cột hay tường thì xe mới vào được. Ngược lại, khi lùi ra, bạn phải bám sát về bên đánh vô lăng sang (phần bụng) để xe có đủ khoảng trống để lùi ra, đồng thời phần đầu xe phía bên ngoài (ngược bên bụng) không bị quẹt vào tường.
- Thứ tự xe qua nơi giao nhau: Nhất chớm - nhì ưu - tam đường - tứ hướng
Cụ thể: nhất chớm là ưu tiên xe chớm qua vạch, tức xe nào di chuyển vào nơi giao nhau trước thì được đi trước (vẫn đảm bảo đúng luật), nếu cùng “chớm” thì tính đến thứ tự “nhì ưu” – nhì ưu là những xe ưu tiên sẽ được đi trước, theo thứ tự: xe chữa cháy - xe quân đội - xe công an - xe cứu thương - xe hộ đê,…, tiếp sau xe ưu tiên sẽ xét đến “tam đường” – tam đường là xe ở đường chính, đường ưu tiên thì được đi trước – tứ hướng là thứ tự ưu tiên theo hướng đi, tức là xe rẽ phải được ưu tiên đi trước, tiếp đến là xe đi thẳng và xe rẽ trái.
Lái xe cần nắm rõ và tuân thủ quy định về thứ tự xe qua nơi giao nhau để đảm bảo an toàn và đúng luật
- Hai điểm nên tránh khi chạy xe trên đường: Mưa tránh trắng - nắng tránh đen
Đây là kinh nghiệm chọn mặt đường di chuyển dựa vào thời tiết. Cụ thể: khi trời mưa, nếu bạn nhìn thấy những khoảng trắng trên đường thì nên tránh vì đó có thể là vũng nước/ ổ gà và bạn không thể biết được dưới vũng nước đó có gì; còn khi trời nắng ráo, nếu bạn nhìn thấy những khu vực thẫm màu trên đường thì cũng nên tránh vì có thể đó là ổ gà hoặc chất khác đổ trên mặt đường.
- Kinh nghiệm tránh động vật trên đường: Chó tránh đầu - trâu tránh đuôi
Nếu đang lái xe nhưng chẳng may gặp động vật trên đường (thường xảy ra tại các vùng nông thôn), hãy ước lượng khoảng cách an toàn để tránh chúng được hiệu quả. Kinh nghiệm từ các xế già là tránh về phía đầu nếu gặp chó/ mèo và tránh về phía đuôi nếu gặp trâu/ bò. Bởi khi giật mình, chó/ mèo thường chạy quay đầu lại, trong khi trâu/ bò thì vẫn cứ lừ lừ tiến.
- Hai thời điểm nguy hiểm nhất khi lái xe: Nhất chạng vạng - nhì rạng đông
Đó là những lúc mắt bạn chưa kịp làm quen với điều kiện ánh sáng thay đổi, gây khó khăn và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng lái xe. Cụ thể: vào ban ngày, khi mắt đang quen với điều kiện ánh sáng mạnh nên lúc chạng vạng, mắt chưa kịp thích ứng ngay; hoặc khi trời tảng sáng, những lái xe chạy đêm thường rất buồn ngủ, thậm chí ngủ gật và không thể tập trung dễ gây tai nạn xe. Vì vậy, các lái xe nên đặc biệt chú ý cẩn thận ở 2 thời điểm trên để đảm bảo an toàn.
Chạng vạng và rạng đông là 2 thời điểm nguy hiểm nhất khi lái xe, ảnh hưởng đáng kể đến thị lực và sự tập trung của các tài xế
- Thao tác thường trực khi lái xe: Bỏ ga - qua thắng
Khi có chướng ngại vật phía trước hoặc cần thiết phải giảm tốc độ, lái xe nên để hờ chân lên bàn đạp phanh ngay khi rời chân ga để sẵn sàng xử lý những tình huống tiếp theo, đảm bảo an toàn. Lưu ý chân phải tuyệt đối không được để lập lờ giữa chân ga và chân phanh có thể dẫn đến trường hợp đạp nhầm rất nguy hiểm.
Hy vọng những kinh nghiệm mà Tuyencongnhan.vn chia sẻ trên đây sẽ giúp những lái xe mới vào nghề có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích giúp điều khiển vô lăng an toàn, hạn chế tối đa những sai lầm trong lái xe.
Ms. Công nhân