20 lưu ý cho ứng viên khi đi phỏng vấn tại công ty Nhật
11.02.2019 1983 hongthuy95
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về rót vốn FDI vào Việt Nam. Các cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức Nhật Bản thường xuyên mở rộng - hợp tác kinh doanh tại nước ta mở ra số lượng lớn cơ hội nghề nghiệp cho lao động trong nước. Bạn sắp có buổi hẹn phỏng vấn tại công ty Nhật? Tham khảo 20 lưu ý khi phỏng vấn dưới đây của Tuyencongnhan.vn sẽ giúp bạn có buổi phỏng vấn suôn sẻ và thành công
Người Nhật coi trọng việc chọn người, họ “nhìn người” để tìm ra người phù hợp nhất cho vị trí đang tuyển. Đó là lý do mà hầu hết các buổi phỏng vấn đều có ít nhất một người Nhật có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia.
3 hình thức phỏng vấn thường thấy trong công ty Nhật
- Phỏng vấn vòng 1: 1 ứng viên - 1 người phụ trách
- Phỏng vấn vòng 2: 1 ứng viên - 2-3 người phụ trách
- Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng phỏng vấn nhiều ứng viên cùng một lúc.
Lưu ý khi phỏng vấn công ty Nhật
Để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và được đánh giá cao, ứng viên tìm việc cần lưu ý một số nguyên tắc sau đây:
♦ Trước buổi phỏng vấn
- Gửi thư xác nhận thời gian, địa điểm tham gia phỏng vấn (nếu nhận được email mời phỏng vấn)
- Tìm hiểu chi tiết thông tin về công ty, vị trí ứng tuyển phục vụ cho buổi phỏng vấn, như: lịch sử thành lập, những cột mốc đáng nhớ, ngành nghề kinh doanh chính, thành tựu nổi bật đã đạt được, nhiệm vụ công việc…
- Chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng hồ sơ ứng tuyển
- Chuẩn bị trang phục đi phỏng vấn, chú trọng vẻ bề ngoài, tác phong sao cho phù hợp
- Chuẩn bị các vật dụng mang theo cần thiết như bút, sổ ghi chép, túi sách (nếu cần)
♦ Trong buổi phỏng vấn
- Tuyệt đối đúng giờ, nếu không, hãy đến sớm trong giới hạn cho phép, tốt nhất là trước 5-15 phút. Trường hợp đến trễ hoặc không đến được (có lý do chính đáng) thì phải gọi điện xin lỗi và hẹn lại nhà tuyển dụng.
- Trang phục: áo sơ mi, quần âu (hoặc chân váy đen với nữ), có thể mặc thêm áo khoác nếu trời lạnh. Không mặc những trang phục quá cá tính, lòe loẹt hay luộm thuộm…
- Tóc tai, giày dép gọn gàng, sạch sẽ (giày Tây với nam và giày cao gót trùm chân với nữ), không nhuộm tóc quá sáng màu, móng tay chân cắt ngắn, trang điểm nhẹ nhàng, gương mặt sáng, dáng đi thẳng, tốc độ đi vừa phải…
- Tắt điện thoại hoặc để chế độ rung trước khi vào phòng phỏng vấn
- Gõ cửa trước khi vào phòng phỏng vấn. Khi mở cửa vào thì nên lịch sự chào hỏi và giới thiệu tên
- Chỉ ngồi khi được mời ngồi. Nếu chưa biết ngồi ở đâu, hãy đợi người phỏng vấn chỉ chỗ cho bạn
- Chăm chú lắng nghe, ghi lại những thắc mắc muốn hiểu rõ thêm để chắc chắn câu trả lời sắp đưa ra là hợp lý, được trả lời đúng, mạch lạc và rõ ràng. Nhìn thẳng vào người phỏng vấn khi trả lời hay nói chuyện.
- Nếu không hiểu câu hỏi, có thể đề nghị họ nhắc lại lần nữa, không được trả lời bừa
- Khi muốn đặt câu hỏi lại, hãy chủ động giơ tay hoặc tỏ ý muốn hỏi trước khi lên tiếng. Chỉ nên đặt câu hỏi vào thời điểm thích hợp hoặc vào cuối buổi phỏng vấn
- Tuyệt đối không được rung chân, ngồi ngã ra phía sau, gõ gót giày xuống sàn, tay quay bút… khi đang trong phòng phỏng vấn
- Chào hỏi và cảm ơn trước khi ra về. Sau khi đứng lên, nên kéo ghế để lại vị trí cũ
♦ Sau buổi phỏng vấn
- Gửi thư cảm ơn cho công ty hoặc người phụ trách phỏng vấn bạn (nếu được); trong đó nhấn mạnh khả năng đáp ứng và mong muốn được làm việc
- Giữ gìn danh thiếp của người phỏng vấn (nếu có)
- Chủ động liên lạc để biết kết quả phỏng vấn dù đậu hay không, điều này thể hiện sự nhiệt huyết và quan tâm đến vị trí ứng tuyển.
- Tự rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho lần phỏng vấn sau nếu ứng tuyển không thành công.
Bằng những lưu ý mà Tuyencongnhan.vn vừa nêu trên đây, hy vọng sẽ giúp ứng viên có một buổi phỏng vấn suôn sẻ và tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, tăng khả năng ứng tuyển thành công.
Ms. Công nhân