5 lưu ý giúp ứng viên ghi điểm trong buổi phỏng vấn
07.09.2022 10067 zing1502
Ấn tượng trong buổi phỏng vấn là yếu tố quyết định bạn có được tuyển dụng vào làm việc hay không. “Bỏ túi” 5 lưu ý sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn và “ghi điểm tốt” với nhà tuyển dụng.
#1. Gõ cửa trước khi vào phòng phỏng vấn
Trước khi vào phòng phỏng vấn, bạn cần phải gõ cửa xin phép nhà tuyển dụng. Lắng nghe khi nào người phỏng vấn bên trong nói mời vào thì hãy mở cửa bước vào. Đây là phép lịch sự tối thiểu mà ứng viên cần phải có. Ấn tượng của bạn ngay khi bước vào đối với nhà tuyển dụng rất quan trọng, đôi khi nó còn tác động đến không khí buổi phỏng vấn sau đó.
#2. Chú ý tư thế ngồi
Sau khi đã mở cửa bước vào phòng phỏng vấn bạn không nên vội vàng ngồi xuống ghế ngay khi chưa được mời. Khi được nhà tuyển dụng mời, bạn cần ngồi ở tư thế thẳng lưng điều chỉnh vị trí ngồi sao cho trực diện, thẳng hàng với người phỏng vấn; có thể vươn nhẹ người về phía trước để thể hiện bạn đang rất quan tâm đến câu hỏi, thông tin mà nhà tuyển dụng chia sẻ.
Bàn tay nắm nhẹ, đặt lên bàn hoặc lên đùi, chú ý các cử chỉ tay chân để tránh những hành động gây phản cảm như rung đùi, vắt chéo, gác chân lên gối…
Tư thế ngồi là một ngôn ngữ cơ thể vô cùng quan trọng, qua đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên là người như thế nào, là người tự tin hay e dè – rụt rè?
Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Xin Việc Cho Các Bạn Trẻ Mới Ra Trường
#3. Chú ý ánh mắt
Ánh mắt chính là cầu nối giúp bạn kết nối, gây thiện cảm với người đối diện. Đừng cụp hai hàng mi nhìn xuống chân hay liếc ngang liếc dọc, đảo mắt liên tục nhìn xung quanh – đó là biểu hiện thể hiện bạn là người tự ti và khiến người phỏng vấn nghĩ bạn không tôn trọng họ. Hãy chăm chú lắng nghe câu hỏi của người phỏng vấn và nhìn vào mắt họ trả lời khi cần, đừng nhìn chằm chằm vào họ bởi họ sẽ cảm thấy sự săm soi, dò xét, làm họ mất thiện cảm dành cho bạn.
#4. Xưng hô phù hợp
Thông thường trong buổi phỏng vấn các bạn nên xưng “Em”- gọi “Anh/Chị” với người tuyển dụng để tạo ấn tượng bằng thái độ tôn trọng, sẵn sàng học hỏi. Bạn hãy xem họ là những đàn anh – đàn chị trong nghề và cách xưng hô đó cũng giúp họ cảm thấy mình trẻ hơn và mở lòng với ứng viên hơn.
Tuy nhiên có những trường hợp người tuyển dụng lớn tuổi rất nhiều với bạn, có thể linh động trong việc sử dụng đại từ nhân xưng như “Cháu” gọi “Cô/Chú” và có kèm thêm các kính ngữ thưa gửi như “Dạ,…” “Thưa….,” “Vâng ạ…” để tránh trường hợp gây mất thiện cảm bởi cảm giác cộc lốc, thiếu tôn trọng trong giao tiếp.
Ngoài ra bạn có thể sử dụng ngôi “Tôi” khi phỏng vấn các công ty nước ngoài hay công ty liên doanh có người nước ngoài trực tiếp phỏng vấn.
#5. Cách chào ra về
Khi nhà tuyển dụng nói buổi phỏng vấn đã kết thúc, bạn hãy bắt đầu cảm ơn và cúi đầu chào trước khi rời khỏi phòng. Sau đó hãy đi lùi vài bước rồi mới quay lưng mở cửa ra về. Hành động này thể hiện bạn là một người biết ý tứ.
Có không ít nhà tuyển dụng hay để ý cách chào ra về của ứng viên nên nếu bạn quay lưng bỏ về ngay sẽ không được người phỏng vấn cho điểm cao ở tiêu chí cư xử, giao tiếp.
Dù cho kết quả buổi phỏng vấn có ra sao thì hãy luôn dành cho nhà tuyển dụng một nụ cười và lời chào lúc ra về vì điều này sẽ góp phần lưu lại ấn tượng tốt đẹp về bạn. Đồng thời khi kết thúc buổi nói chuyện bằng một lời chào sẽ thể hiện rằng bạn là một con người lịch thiệp, khéo léo trong giao tiếp.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bản thân đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc tìm việc, điều này góp phần không nhỏ vào sự thành công của buổi phỏng vấn.
Ms. Công nhân