15 Kỹ năng phỏng vấn chuẩn của một ứng viên chuyên nghiệp
04.07.2019 2916 hongthuy95
MỤC LỤC
- Câu 1: Bạn đã chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn xin việc sắp tới?
- Câu 2: Bạn sẽ mặc gì khi đi phỏng vấn?
- Câu 3: Bạn sẽ mang theo những gì khi đi phỏng vấn xin việc?
- Câu 4: Bạn sẽ đến buổi phỏng vấn khi nào?
- Câu 5: Nếu NTD mời bạn một tách cà phê, bạn sẽ phản ứng thế nào?
- Câu 6: Khi phỏng vấn, mắt bạn sẽ tập trung vào đâu?
- Câu 7: Khi phỏng vấn, tay bạn sẽ đặt/ để như thế nào?
- Câu 8: Bạn sẽ cười với NTD chứ?
- Câu 9: Bạn sẽ trả lời những câu hỏi của NTD như thế nào?
- Câu 10: Bạn sẽ làm gì khi không hiểu câu hỏi mà NTD đưa ra?
- Câu 11: Bạn sẽ làm gì khi gặp 1 câu hỏi khó?
- Câu 12: Bạn sẽ trả lời như thế nào khi NTD hỏi 1 câu không mấy liên quan?
- Câu 13: Bạn sẽ làm gì khi cảm thấy NTD không hài lòng hoặc không mấy thiện cảm, gay gắt với mình?
- Câu 14: Cuối buổi phỏng vấn, NTD hỏi “Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?” nhưng những câu hỏi bạn chuẩn bị trước đó đã được hỏi và được trả lời, bạn sẽ làm gì?
- Câu 15: Theo bạn, khi nào thì NTD biết ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?
Bên cạnh trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm phục vụ cho công việc thì nắm và thực hành tốt những kỹ năng phỏng vấn giúp ứng viên gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, tăng cơ hội ứng tuyển thành công. Vậy, theo bạn, đâu là kỹ năng phỏng vấn chuẩn của một ứng viên chuyên nghiệp? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu nhé!
Để ứng viên có cái nhìn tổng quát hơn và dễ dàng so sánh các ý tưởng thực hiện trong từng kỹ năng, dưới đây là bộ 15 câu hỏi trắc nghiệm về những gì bạn cần làm cả trước và trong buổi phỏng vấn xin việc. Hãy chọn 1 và chỉ 1 đáp án bạn cho là đúng nhất cho mỗi câu hỏi, để xem, bạn có đang sỡ hữu những kỹ năng phỏng vấn chuẩn của một ứng viên chuyên nghiệp?
Bộ 15 kỹ năng phỏng vấn chuẩn của một ứng viên chuyên nghiệp
Câu 1: Bạn đã chuẩn bị những gì cho buổi phỏng vấn xin việc sắp tới?
a. Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động… của công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển
b. Tìm hiểu về các tuyến đường, tính toán thời gian… để lên kế hoạch đến địa điểm phỏng vấn như thế nào
c. Xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để chuẩn bị câu trả lời khi được hỏi
d. Chuẩn bị câu hỏi để phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng.
(Mọi đáp án trên đây bạn đều nên chuẩn bị trước; tuy nhiên, đâu mới là điều quan trọng cần chuẩn bị đầu tiên để buổi phỏng vấn có khả năng thành công cao nhất?)
Câu 2: Bạn sẽ mặc gì khi đi phỏng vấn?
a. Trang phục công sở
b. Trang phục giống những nhân viên đang làm việc tại công ty ứng tuyển
c. Ăn mặc tự do, thoải mái như thường ngày (vì NTD phỏng vấn bạn, không phải quần áo của bạn)
(Trang phục phỏng vấn quyết định ấn tượng đầu tiên của NTD với ứng viên. Lựa chọn trang phục phù hợp giúp tạo thiện cảm với người đối diện, thể hiện sự chuyên nghiệp và thái độ tôn trọng buổi phóng vấn)
Câu 3: Bạn sẽ mang theo những gì khi đi phỏng vấn xin việc?
a. Bộ hồ sơ xin việc gồm bản photo đơn xin việc, CV, các loại giấy chứng nhận, bằng cấp... Ngoài ra, không quên mang theo sổ tay và bút để ghi chép
b. Mang theo đồ dùng cá nhân, nhất là son và phấn, ngoài ra còn có khăn giấy và sổ tay
c. Không mang theo gì, hoặc nếu có thì sẽ là 1 tấm bùa may mắn
(Lưu ý yêu cầu từ NTD để mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết. Ngoài ra, đừng quên bút và sổ tay để note lại những thông tin quan trọng cần thiết cho việc trao đổi.)
Câu 4: Bạn sẽ đến buổi phỏng vấn khi nào?
a. Đúng giờ hẹn
b. Sớm hơn 10 phút so với giờ hẹn
c. Sớm hơn 30 phút so với giờ hẹn
(Hãy đảm bảo bản thân luôn ở trạng thái tốt nhất để gây thiện cảm và ấn tượng với NTD. Muốn vậy, ứng viên nên đến sớm hơn giờ hẹn một chút (khoảng 10 phút) để có thời gian làm quen với không gian, chỉnh trang trang phục, tóc tai, mặt mũi… trước khi bắt đầu phỏng vấn. Tuyệt đối không đến quá sớm (sẽ ảnh hưởng đến cường độ công việc và sự tập trung của nhân viên) hoặc quá trễ)
Câu 5: Nếu NTD mời bạn một tách cà phê, bạn sẽ phản ứng thế nào?
a. Hỏi NTD có cà phê phin không, vì bạn quen uống loại đó
b. Đồng ý dùng một chút
c. Từ chối và cảm ơn, lý do là bạn đã uống 1 ít trước khi đến phỏng vấn
d. Đồng ý và đáp lại NTD rằng “nếu điều đó không thành vấn đề”
(NTD đang kiểm tra khả năng xử lý vấn đề phát sinh của bạn như thế nào… Trong một số trường hợp bạn cần từ chối, tuy nhiên, từ chối như thế nào cũng cần có sự khéo léo để không gây khó xử cho cả 2 bên)
Câu 6: Khi phỏng vấn, mắt bạn sẽ tập trung vào đâu?
a. Nhìn thẳng vào mắt NTD
b.Nhìn vào sống mũi, miệng NTD
c. Nhìn xuống sàn, lên trần hoặc nhìn xuống bàn
(Hướng nhìn của bạn rơi vào đâu sẽ thể hiện mức độ tự tin và thái độ tôn trọng tương ứng với người đối diện (NTD))
Câu 7: Khi phỏng vấn, tay bạn sẽ đặt/ để như thế nào?
a. Đặt 2 tay lên đùi hoặc lên bàn
b. Khua tay loạng xạ khi trả lời câu hỏi của NTD
c. Ngồi đè lên tay hoặc cho tay ra sau lưng
(Vị trí và cách đặt tay cũng thể hiện sự tự tin và độ chuyên nghiệp của bạn trước người đối diện (NTD))
Câu 8: Bạn sẽ cười với NTD chứ?
a. Cười nhiều nhất có thể
b. Không cười, vì như thế mới nghiêm túc
c. Thi thoảng
(Sẽ thế nào nếu trong buổi phỏng vấn bạn cười vô tội vạ, cười không có lý do hoặc mặt lạnh như tiền, không cảm xúc? Nụ cười là “công cụ” hữu ích nhất giúp gây thiện cảm với NTD, do đó, hãy cười khi cần, cười tự nhiên nhưng lịch sự.)
Câu 9: Bạn sẽ trả lời những câu hỏi của NTD như thế nào?
a. Ngắn gọn nhất có thể, chỉ tập trung vào các ý chính và không đưa thêm thông tin khác
b. Chi tiết nhất có thể
c. Độ dài và tốc độ phù hợp, ngắn gọn nhưng đủ ý.
(Mọi câu hỏi của NTD đều nhằm mục đích tìm hiểu và đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí công việc đang ứng tuyển. Cho dù đó là câu hỏi dạng “yes/no” hay chọn đáp án thì cũng hãy khéo léo cung cấp những thông tin cần thiết để chứng minh rằng bạn phù hợp và có nhiều tiềm năng để được lựa chọn.)
Câu 10: Bạn sẽ làm gì khi không hiểu câu hỏi mà NTD đưa ra?
a. Cười và nói xin lỗi, rằng bạn không biết nhiều về vấn đề này
b. Xin lỗi NTD rằng bạn chưa hiểu rõ câu hỏi và hỏi lại để rõ hơn
c. Trả lời bằng 1 vấn đề nào đó mà bạn nghĩ là phù hợp với câu hỏi đó
(Đừng tự đánh mất cơ hội của bản thân vì sự thiếu chuyên nghiệp hay quá cảm tính. Sẽ không một NTD nào từ chối việc làm rõ nội dung câu hỏi họ cần hỏi để bạn hiểu đúng và trả lời đúng; ngoài ra, chính tinh thần cầu thị này sẽ giúp bạn gây ấn tượng tốt với NTD.)
Câu 11: Bạn sẽ làm gì khi gặp 1 câu hỏi khó?
a. Trả lời ngay, vừa trả lời vừa suy nghĩ tiếp
b. Xin lỗi NTD rằng bạn không trả lời được
c. Xin phép NTD cho bạn chút thời gian để suy nghĩ
d. Im lặng suy nghĩ cho đến khi NTD giục bạn trả lời
(Bạn cần thông báo đến NTD điều bạn sẽ làm tiếp theo thay vì im lặng và để họ tự suy diễn. Trường hợp này, nếu không biết câu trả lời, hãy cứ thành thật xin lỗi NTD rằng hiện tại bạn chưa thể trả lời câu hỏi này, mong NTD cho bạn thời gian để suy nghĩ thêm và bạn sẽ phản hồi sớm nhất có thể. Tất nhiên, bạn chắc chắn phải trả lời câu hỏi đó, dù bằng cách nào, nếu NTD đồng ý)
Câu 12: Bạn sẽ trả lời như thế nào khi NTD hỏi 1 câu không mấy liên quan?
Chẳng hạn: “Bạn định bao giờ lập gia đình?”
a. Khéo léo đề nghị NTD chuyển sang chủ đề khác
b. Đưa ra câu trả lời bạn nghĩ NTD muốn nghe, dù không đúng sự thật
c. Hỏi NTD xem điều này có quan trọng không rồi mới trả lời
d. Trả lời thành thật với NTD và khẳng định rằng điều đó không làm ảnh hưởng đến khả năng và nhiệt huyết cống hiến của bạn với công ty
(Không một câu hỏi nào NTD đặt ra là vô lý. Mọi thắc mắc của họ đều nhằm đánh giá và phân loại ứng viên. Với câu hỏi “dự định bao giờ lập gia đình” – câu trả lời của bạn sẽ giúp NTD dự đoán khả năng gắn bó của bạn với công ty, mức độ nghiêm túc với công việc đang ứng tuyển và khát khao cống hiến với nghề…)
Câu 13: Bạn sẽ làm gì khi cảm thấy NTD không hài lòng hoặc không mấy thiện cảm, gay gắt với mình?
a. Mặc định mình sẽ bị loại và chấp nhận điều đó
b. Phản ứng lại như thế và tranh luận ngay thẳng với NTD
c. Giữ bình tĩnh và lịch sự tiếp tục buổi phỏng vấn, vì có thể NTD đang thử thách bạn
(Mọi hành động hay lời nói khó hiểu của NTD đều nhằm phục vụ cho quá trình đánh giá ứng viên)
Câu 14: Cuối buổi phỏng vấn, NTD hỏi “Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?” nhưng những câu hỏi bạn chuẩn bị trước đó đã được hỏi và được trả lời, bạn sẽ làm gì?
a. Trả lời “Không” và cảm ơn
b. Hỏi bừa 1 câu nào đấy vừa xuất hiện trong đầu
c. Trả lời thành thật với NTD rằng bạn đã chuẩn bị một số câu hỏi nhưng đã được trả lời hết trước đó, nên bạn không có câu hỏi nào thêm.
(Hãy cho NTD thấy bạn đã thực sự nghiêm túc và chuẩn bị tốt nhất có thể cho buổi phỏng vấn này)
Câu 15: Theo bạn, khi nào thì NTD biết ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?
a. Ngay khi ứng viên bước vào cửa phòng phỏng vấn
b. Khoảng 5 phút sau khi bắt đầu phỏng vấn
c. Ngay sau khi kết thúc buổi phỏng vấn
d. Sau khi cân nhắc cẩn thận và so sánh các ứng viên ứng tuyển vào cùng 1 vị trí
(Một NTD chuyên nghiệp ít khi để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng hoàn toàn đến quyết định chọn người. Họ luôn cân nhắc và so sánh cẩn thận mức độ phù hợp giữa các ứng viên để chọn ra người tiềm năng nhất đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của vị trí ứng tuyển.)
Sự thật là dù hồ sơ của bạn vô cùng nổi bật, bạn sở hữu kinh nghiệm nhiều năm ở vị trí tương đương nhưng biểu hiện trong buổi phỏng vấn của bạn không tốt, không gây được thiện cảm với NTD thì khả năng “đậu” của bạn cũng sẽ không cao. Do đó, là ứng viên tìm việc, bạn nhất định phải biết và trả lời đúng bộ 15 kỹ năng phỏng vấn chuẩn của một ứng viên chuyên nghiệp trên đây của Vieclamnhamay.vn.
Ms. Công nhân